Chính phủ Mỹ: Chạy đua tránh vỡ nợ

Ngày 28-12, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhóm họp với các nhà lãnh đạo Quốc hội với hy vọng sẽ ngăn chặn được “vách đá tài chính” có nguy cơ đẩy nền kinh tế số một thế giới rơi trở lại suy thoái.

Cận kề vỡ nợ

Đến 1-1-2013, nếu Tổng thống Obama và Quốc hội Mỹ không thể tìm ra biện pháp để giải quyết “vách đá tài chính” đang đè nặng lên tâm trí hàng triệu người lao động Mỹ suốt một năm qua thì viễn cảnh xấu nhất sẽ xảy ra. Đó là việc các đạo luật về giảm thuế tạm thời sẽ hết hiệu lực, nghĩa là thuế sẽ tự động tăng, đồng thời ngân sách liên bang sẽ tự động cắt giảm ngay từ đầu năm 2013, với tổng giá trị lên tới 600 tỷ USD.

Trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang đối mặt nhiều khó khăn chồng chất, nợ công khổng lồ hơn 16.000 tỷ USD, thâm hụt ngân sách và tỷ lệ thất nghiệp cao, đây sẽ là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế còn ốm yếu của Mỹ. Những tính toán cho thấy, nếu hai đảng không giải quyết được vấn đề “vách đá tài chính”, kinh tế Mỹ năm 2013 sẽ bị hụt mất khoảng 650 tỷ USD vì chi ngân sách giảm và thuế tăng. Khoản này tương đương 4% GDP, trong khi tốc độ tăng trưởng chỉ ở mức 2%/năm.

Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Harry Reid, lãnh đạo phe đa số ở Thượng viện, đã hối thúc các nghị sĩ Quốc hội nhanh chóng đưa ra một thỏa thuận hợp lý và cân bằng mà cả hai viện đều có thể thông qua. Ông cũng chỉ trích Chủ tịch Hạ viện John Boehner khi ông này hoãn cuộc bỏ phiếu về một dự luật đã được Thượng viện thông qua để tránh “vách đá tài chính”.

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Mitch McConnell - một trong những nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa, lại lạc quan cho rằng vẫn còn thời gian để Mỹ tránh được nguy cơ vỡ nợ. Tuy nhiên, ông này cũng cảnh báo các nghị sĩ Cộng hòa sẽ không viết séc khống cho những gì mà phe Dân chủ đưa ra chỉ vì đã ở bên bờ vực.

Đảng Cộng hòa phải chịu trách nhiệm?

Cùng ngày, kết quả khảo sát của Reuters/Ipsos thực hiện và công bố cho thấy đa số người Mỹ đổ lỗi cho các nghị sĩ Cộng hòa vì đã gây ra cuộc khủng hoảng, hơn là các nghị sĩ Dân chủ. Có tới 27% số người được hỏi cho rằng các nghị sĩ Cộng hòa phải chịu trách nhiệm về vấn đề này, trong khi chỉ có 6% cho rằng lỗi là do phe Dân chủ. Khi được hỏi về tỷ lệ thất nghiệp, 23% người dân Mỹ đổ lỗi cho các nghị sĩ Cộng hòa, 16% đổ lỗi cho ông chủ Nhà Trắng và 7% cho các nghị sĩ Dân chủ.

Theo chuyên gia Vladimir Bragin, Giám đốc phụ trách phân tích thị trường tài chính và kinh tế vĩ mô của hãng Capital, nhận định không thể nâng được mức trần nợ công sẽ là một thảm họa không kém gì sự sụp đổ của tập đoàn Lehman Brothers và những gì đã xảy ra hồi năm 2008. Hệ lụy của việc chính phủ phá sản cũng sẽ lan sang lĩnh vực chính trị và đối ngoại, hay nói cách khác là làm suy giảm uy tín, vị thế của nước Mỹ trên trường quốc tế. Xa hơn, trên phương diện ngoại giao, thế giới sẽ đặt câu hỏi về tiềm lực của nước Mỹ và hình ảnh của một siêu cường, vốn đã mai một ít nhiều trong con mắt cộng đồng quốc tế thời gian gần đây.

Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner cảnh báo nước Mỹ sẽ rơi vào vỡ nợ nếu Quốc hội không cho phép tăng trần nợ quốc gia. Ông cho biết Bộ Tài chính sẽ phải thực hiện những biện pháp đặc biệt, trong đó có việc tạm hoãn tái đầu tư khoảng 200 tỷ USD thuộc quỹ lương hưu của nhân viên liên bang vào thị trường trái phiếu ngắn hạn của chính phủ.

Thanh Hằng (tổng hợp)

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/thegioi/2012/12/307913/