Chính phủ mới ở Iraq: Đường vẫn còn dài

Mặc dù nhận được lời ủng hộ từ giáo sĩ Shiite chống Mỹ Moqtada al-Sadr, song để thành lập một chính phủ liên hiệp như mong muốn, ông Nuri Maliki vẫn còn phải vượt qua một quãng đường khá dài phía trước với không ít chông gai.

Tính đến ngày 10/10 vừa qua, Iraq đã phá vỡ mọi kỷ lục về thời gian "vô chính phủ" của một quốc gia - vượt qua kỷ lục 208 ngày không chính phủ của Hà Lan (năm 1977) và Liban (từ tháng 11/2007 đến tháng 5/2008). 7 tháng sau cuộc bầu cử Quốc hội ngày 7/3/2010, Iraq vẫn chưa thể có được một chính phủ hợp hiến do các phái chính trị nước này vẫn chưa thể san lấp được khoảng cách bất đồng về các vấn đề chính trị gút mắc. Bốn phái chính trị lớn nhất Iraq chia nhau nắm giữ số ghế được bầu cao nhất gồm liên minh State of Law của Thủ tướng mãn nhiệm Nuri Maliki nắm 89 ghế, Iraqiya của cựu Thủ tướng Ayad Allawi nhỉnh hơn với 91 ghế, Liên minh Quốc gia Iraq (INA) của giáo sĩ chống Mỹ Moqtada al-Sadr nắm 70 ghế và Liên minh người Kurd kiểm soát 57 ghế trong tổng số 325 ghế đại biểu Quốc hội. Do không có phái nào tạo được cách biệt lớn để hội đủ điều kiện thành lập Chính phủ nên đòi hỏi phải liên minh với các đảng phái khác để bảo đảm đủ 163 ghế theo quy định. Vấn đề gút mắc chính gây nên bế tắc trong quá trình thương lượng thành lập Chính phủ mới ở Iraq chính là việc các phái chính trị không thể thống nhất với nhau việc phân bổ các chức vụ quyền hành cao nhất (tổng thống, thủ tướng, chủ tịch Quốc hội) cũng như phân bổ số lượng thành viên trong nội các. Đối với Iraq sau chiến tranh xâm lược của Mỹ và liên quân, việc tái thiết kinh tế, hạ tầng và nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội là mối bận tâm hàng đầu. Iraq cần tái tạo tình hình ổn định về an ninh và chính trị để có thể thu hút trở lại các nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài để giúp phát triển kinh tế đất nước sau nhiều năm chiến tranh tàn phá và bạo loạn đẫm máu. Muốn được như vậy thì trước hết các phái chính trị ở Iraq phải thống nhất được với nhau quan điểm về một Chính phủ liên hiệp bao gồm đủ mọi thành phần, không bỏ sót một ai. Đây cũng là điều mà chính quyền Mỹ đặt làm ưu tiên số một hiện nay cho Iraq. Bởi lẽ, từ sau khi ông Saddam Hussein bị lật đổ, Iraq đã chứng minh cho thế giới thấy đây là vùng đất bị chia rẽ sâu sắc nhất bởi các hệ phái, các cộng đồng tôn giáo, sắc tộc khác nhau (với hơn 200 bộ tộc lớn nhỏ). Nếu giải quyết không ổn thỏa quyền lợi của các cộng đồng, Iraq có thể sẽ bị "băm nát" thành nhiều mảnh, tạo thành một "vườn ươm" lý tưởng cho khủng bố cực đoan sinh sôi nảy nở. Nhưng bàn cờ chính trị ở Iraq không chỉ do chính người Iraq quyết định mà còn phụ thuộc vào tác động từ Mỹ cũng như những quốc gia có ảnh hưởng mạnh trong khu vực Trung Đông và thế giới Arập, như Arập Xêút, Iran và Syria. Mỹ muốn thấy ông Allawi lên thay ông Maliki trên cương vị Thủ tướng Iraq để tạo sinh khí mới cho Iraq, đồng thời nhằm giải tỏa ngòi nổ bạo loạn từ cộng đồng người Sunni ủng hộ ông Allawi; Arập Xêút cùng quan điểm với Mỹ, trong khi ở Iran thì 100% không chấp nhận Allawi. Các nhà phân tích nhận định rằng, một khi Mỹ, Arập Xêút và Iran chưa thể thống nhất lập trường quan điểm giúp ổn định chính trị Iraq thì Syria sẽ thể hiện vai trò "trọng tài" của mình. Damascus từ lâu đã nhắm sẵn cho mình vai trò của một nhà trung gian hòa giải cho các phái chính trị Iraq nhằm giải tỏa bế tắc sau cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 3/2010 vừa qua. Sami Moubayed, Tổng biên tập tạp chí Forward ở Syria thậm chí còn dự đoán một hội nghị "Taif Syria" (Hội nghị Taif tổ chức năm 1989 tại Arập Xêút giúp chấm dứt nội chiến kéo dài 15 năm ở Liban) sẽ giúp Iraq chấm dứt hẳn tình trạng các phái chính trị chia rẽ, bắn giết lẫn nhau. Ngày 1/10, một bước chuyển có thể được xem là rất quan trọng đã mở ra khả năng hình thành liên minh đa đảng cầm quyền ở Iraq sau khi giáo sĩ dòng Shiite Moqtada al-Sadr cùng Liên minh INA của ông đã lên tiếng ủng hộ ông Maliki. Theo các nguồn tin báo chí, việc giáo sĩ al-Sadr ủng hộ ông Maliki tái cử ghế Thủ tướng Iraq có thể là kết quả từ những thỏa thuận ngầm giữa Washington với Tehran sau nhiều tháng thương lượng bí mật. Al-Sadr hiện đang lưu trú dài hạn để nghiên cứu đạo Hồi tại Iran, do đó người ta cho rằng có thể ông chịu tác động từ phía Iran. Ông Ayad Allawi. Tiếp sau đó, các quan chức của liên minh Iraqiya của ông Allawi hôm 9/10 vừa qua thông báo từ bỏ mục tiêu giành ghế Thủ tướng cho Allawi, thay vào đó là ghế Chủ tịch Quốc hội, một cách gián tiếp đồng ý để ông Maliki tiếp tục tái cử chức Thủ tướng Iraq. Theo báo chí Iraq, việc Iraqiya tuyên bố từ bỏ tham vọng giành ghế Thủ tướng có lẽ là kết quả thương lượng giữa các quan chức 2 phái State of Law và Iraqiya - giải tỏa được gút mắc chính trị lớn nhất ở Iraq mấy tháng qua. Nhưng thực tế là vẫn còn nhiều tiếng nói khác nhau đối với vấn đề ủng hộ Maliki do tư tưởng, quan điểm chưa thống nhất hoàn toàn. Ngay cả khi có được 100% sự ủng hộ của INA, Maliki cũng chỉ có được 159 ghế ủng hộ trong Quốc hội, vẫn còn thiếu 4 ghế và ông sẽ phải tìm chúng ở Liên minh người Kurd hoặc cộng đồng người Sunni trong khối Iraqiya của ông Allawi. Đối với người Kurd, nhiệm kỳ 4 năm qua đang khiến nhiều người nghi ngờ khả năng người Kurd chấp nhận lời đề nghị mới của ông sau khi ông đã không thực hiện khá nhiều yêu cầu của họ khiến họ cảm thấy mất lòng tin và cảm thấy quyền lợi không được bảo đảm khi trao quyền hành cho ông. Còn đối với người Sunni, các hoạt động bắt bớ và giam giữ quan chức và binh sĩ Sunni vì động cơ chính trị trong thời gian qua đang là trở ngại lớn gây mất niềm tin trong cộng đồng Sunni đối với Maliki, liệu họ có dám "gửi vàng" cho ông nữa không?

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/vi-vn/hautruong/2010/10/73577.cand