Chính phủ họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành về ATGT

Chiều nay, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến với 63 địa phương sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết 88 của Chính phủ về thực hiện các giải pháp trọng tâm đảm bảo TTATGT. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo của nhiều bộ, ngành. Riêng Bộ GTVT, ngoài Bộ trưởng Đinh La Thăng còn có tới 3 thứ trưởng tham dự là Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, Trương Tấn Viên, Lê Đình Thọ.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành

Quyết liệt từ công tác điều hành

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Chủ tịch UB ATGT Quốc gia cho biết: Qua 2 năm triển khai Nghị quyết, lần đầu tiên trong nhiều năm liền số người chết giảm dưới 10 ngàn người, ùn tắc giao ở Hà Nội giảm 46%, TP. Hồ Chí Minh giảm 37%. Số vụ vi phạm, số người chết, số người bị thương trong năm 2012 đều giảm sâu cả 3 tiêu chí.

Được sự quan tâm chỉ đạo của Ban Bí thư, sự giám sát thường xuyên của Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các Bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương, sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể trong việc thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm TTATGT và chống ùn tắc giao thông nên công tác bảo đảm TTATGT đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông có nhiều chuyến biến tốt, trách nhiệm của lực lượng thực thi công vụ được nâng cao, bước đầu thiết lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác bảo đảm TTATGT trên phạm vi cả nước và chống ùn tắc giao thông ở hai thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Chủ tịch UBATGT Quốc gia báo cáo kết quả 2 năm thực hiện Nghị quyết 88 của Chính phủ

Theo lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia, công tác triển khai, chỉ đạo, điều hành thực hiện Nghị quyết số 88/NQ-CP của Chính phủ có nhiều đổi mới. Sự chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia đã tạo nên sự quan tâm của toàn xã hội, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác đảm bảo TTATGT. Các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều biện pháp, chỉ đạo quyết liệt và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trọng tâm. Một số tỉnh, thành phố đã đổi mới và quyết liệt trong việc gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác đảm bảo TTATGT như: Bắc Ninh, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Sơn La... Công tác xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL đã được các Bộ, ngành, địa phương quan tâm và tập trung chỉ đạo thực hiện việc hoàn thiện. Hệ thống văn bản pháp luật về giao thông đường bộ đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ quản lý Nhà nước về bảo đảm TTATGT.

Tuy nhiên, ở một số địa phương nhận thức trách nhiệm của một số lãnh đạo cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương còn chưa đầy đủ, thiếu toàn diện về công tác đảm bảo TTATGT; tư tưởng giao khoán cho lực lượng chuyên trách và hiện tượng chủ quan, chưa thấy hết vai trò, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương mình trong công tác phối hợp, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực thi pháp luật về TTATGT vẫn còn tồn tại, thường chỉ quan tâm tập trung vào những đợt cao điểm; một số địa phương lãnh đạo chưa thực sự quan tâm đến hoạt động của văn phòng thường trực Ban ATGT; công tác thông tin, báo cáo các vụ tai nạn nghiêm trọng còn hạn chế, chưa kịp thời...

Đồng bộ các giải pháp

Trong 2 năm qua, Ủy ban ATGT Quốc gia đã triển khai nhiều giải pháp mang tính đồng bộ cả trước mắt và lâu dài và nhiều giải pháp mang tính đột phá để kéo giảm TNGT.

Các Bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các Đoàn thể cũng tích cực tham gia vào công tác đảm bảo TTATGT trong đó phải kể đến Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh với nhiều giải pháp và mô hình mới, sáng tạo như: cuộc vận động “Toàn dân tham gia bảo đảm TTATGT”, mô hình Cổng trường An toàn… Nhiều mô hình bảo đảm TTATGT được triển khai hiệu quả ở một số địa phương, góp phần giảm thiểu TNGT như: Bắc Ninh với mô hình Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong việc bảo đảm ATGT; thành phố Đà Nẵng với mô hình Phân tách làn ôtô – xe máy trên một số tuyến phố; chiến dịch khuyến khích đội MBH đạt chuẩn; Hà Nội với mô hình Tổ công tác đặc biệt 141; thành phố Hồ Chí Minh với mô hình Ký cam kết thực hiện giữa thành phố - quận (huyện) – xã (phường) – nhân dân; An Giang với mô hình Công chức, viên chức nói không với rượu bia vào buổi trưa.

Một số giải pháp đột phá được thực hiện quyết liệt tại hai thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã góp phần giảm ùn tắc giao thông như: hoàn thành các tuyến đường vành đai, các trục hướng tâm; lắp đặt cầu vượt cho xe có tải trọng nhẹ; đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường trên các tuyến phố chính; bố trí lệch giờ làm việc, học tập. Một số địa phương đạt kết quả nổi bật trong triển khai, thực hiện Nghị quyết số 88/NQ-CP là: TP Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh.

Qua 2 năm thực hiện Nghị quyết 88, tình hình TTATGT bước đầu được thiết lập lại, đạt được mục tiêu giảm tai nạn, ùn tắc giao thông mà Quốc hội đã đề ra. TNGT đã có chuyển biến tích cực, giảm sâu cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, bị thương, vượt chỉ tiêu giảm TNGT, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Sau hơn 10 năm, số người chết TNGT năm 2012 xuống dưới con số 10.000/năm. Tuy nhiên, các vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng vẫn còn nhiều, tính chất và mức độ nghiêm trọng còn cao, số người chết và số người bị thương vẫn còn ở mức cao. Một số nguyên nhân chủ yếu gây ra TNGT như: uống rượu bia điều khiển phương tiện, chạy quá tốc độ quy định, lấn làn, lấn luồng, không chấp hành thậm chí chống người thi hành công vụ vẫn còn diễn ra phổ biến.

Theo lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia, để tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, cần triển khai mạnh hơn nữa sự vào cuộc đồng bộ, phân định rõ và phát huy được vai trò, trách nhiệm của từng ngành trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về TTATGT của các địa phương; Nâng cao tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, công chức và người thực thi công vụ; làm thay đổi nhận thức và ý thức của người tham gia giao thông. Công tác TTKS, xử lý vi phạm phải thường xuyên, liên tục, phải thực hiện kiên quyết, nghiêm minh, đúng pháp luật và chỉ theo pháp luật, không phân biệt đối tượng vi phạm.

Báo Giao thông sẽ có bài tường thuật sâu về Hội nghị này trên Báo giấy ra sáng mai (13/11).

Khánh Hà

Nguồn Giao Thông: http://giaothongvantai.com.vn/an-toan-giao-thong/201311/chinh-phu-hop-truc-tuyen-voi-63-tinh-thanh-ve-atgt-413927/