Chính phủ hành động thế nào để chống suy thoái, tự diễn biến?

"Rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật về quản lý điều hành, kiểm soát việc thực hiện thi hành quyền lực công khai minh bạch, góp phần xóa bỏ tiêu cực trong cơ chế xin cho vượt cấp, ngăn chặn đẩy lùi tham nhũng, lợi ích nhóm, sân sau...".

Đó là một trong những nội dung cần lưu ý được Chính phủ đưa ra khi thực hiện 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để chống suy thoái, chống "tự chuyển hóa", "tự diễn biến".

Tọa đàm tìm giải pháp đột phá nhằm ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái. (Ảnh: dangcongsan)

Chính phủ vừa công bố dự thảo Nghị quyết ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, dự thảo đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện. Đó là tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết T.Ư 4, kế hoạch số 04, chương trình hành động của Chính phủ đối với các cấp các ngành; đẩy mạnh công tác chính trị tư tưởng tự phê bình và phê bình; xây dựng quy định tăng thẩm quyền đề cao trách nhiệm người đứng đầu, hoàn thiên thể chế về quản lý cán bộ, công chức, viên chức, trong đó các quy định về xử lý kỷ luật, khắc phục những bất hợp lý trong công tác cán bộ, chế ngộ đãi ngộ với cán bộ, công chức; đẩy mạnh thực hiện các quy định về đạo đức công vụ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương...

Cũng theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, trong quá trình thực hiện 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, các bộ, ngành địa phương cần lưu lý: Nhận thức sâu sắc về nguy cơ, nhận diện đúng về những biểu hiện và đề ra các giải pháp phù hợp để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả thực trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ, rà soát và xử lý, miễn nhiệm thay thế, cho từ chức những cán bộ suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa. Tăng cường giáo dục về phẩm chất đạo đức, trách nhiệm công vụ, kỷ cương, kỷ luật cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.

Rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật về quản lý điều hành, kiểm soát việc thực hiện thi hành quyền lực công khai minh bạch, góp phần xóa bỏ tiêu cực trong cơ chế xin cho vượt cấp, ngăn chặn đẩy lùi tham nhũng, lợi ích nhóm, sân sau và trục lợi trong quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, vốn đầu tư, đất đai, tài nguyên khoáng sản, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, quản lý và sử dụng biên chế, tăng cường hiệu quả công tác chống rửa tiền...

Đề cập đến vấn đề kiểm soát quyền lực, TS Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ - cho rằng, trong thực tế hệ thống kiểm soát chúng ta có, ví dụ như Quốc hội có quyền kiểm soát hoạt động của các cơ quan hành pháp, tư pháp ở T.Ư, ở dưới địa phương có HĐND để kiểm soát các hoạt động của UBND, các cơ quan tư pháp ở địa phương, kể cả giám sát cán bộ.

"Nói như vậy để thấy các văn bản đều có cả, nhưng đấy là những quy định có tính chất chung, còn quy định có tính pháp lý, chế tài thì chưa có. Chính vì thế cần phải cụ thể hóa các quy định đề cao thẩm quyền trách nhiệm của từng cơ quan trong việc giám sát, kiểm soát lẫn nhau" - TS Phúc bày tỏ.

Vẫn theo TS Phúc, trong Hiến pháp năm 2013 có nêu, các cơ quan không chỉ phối hợp, phân công phối hợp mà còn có quyền là kiểm soát lẫn nhau. "Công cụ để kiểm soát lẫn nhau cần được hình thành từ một thể chế pháp lý, như vậy mới đảm bảo việc thực hiện" - TS Phúc nói.

Theo PGS-TS Nguyễn Văn Giang - Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, kiểm tra quyền chúng ta cũng đã có những quy chế, quy định nhưng chưa đủ, chính vì thời gian qua đã bộc lộ ra vấn đề như lạm quyền, vi phạm quyền diễn ra khá phổ biến.

"Trước thực tế đó cần phải xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực thực sự hiệu quả hơn, tức là phải hoàn thiện thêm, bổ sung thêm những quy định đảm bảo cụ thể, chặt chẽ hơn" - PGS Giang nói.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/chinh-phu-hanh-dong-the-nao-de-chong-suy-thoai-tu-dien-bien-735319.html