Chính phủ đồng ý phương án tăng 7,3% lương tối thiểu

Đầu năm 2017 sẽ chính thức điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng lên mức 2,58-3,75 triệu đồng/tháng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động trên cả nước. Tính trung bình, mức lương tối thiểu vùng này đã tăng khoảng 7,3% so với năm 2016.

Lương tối thiểu vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu - Ảnh: TL

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 153/2016/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Nghị định này được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ngày 14-11.

Theo đó, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp từ ngày 1-1-2017 như sau: vùng I: 3.750.000 đồng/tháng; vùng II: 3.320.000 đồng/tháng; vùng III: 2.900.000 đồng/tháng; vùng IV: 2.580.000 đồng/tháng. Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương hiện nay khoảng 180.000-250.000 đồng/tháng.

Đây là phương án tăng lương tối thiểu đã được Hội đồng tiền lương quốc gia kiến nghị tới Chính phủ sau nhiều tháng họp bàn phương án tăng lương. Với mức tăng lương dao động từ 7,1% đến 7,5% và tùy từng vùng, tính trung bình, mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 được Chính phủ thông qua là 7,3 %.

Theo đánh giá của Hội đồng tiền lương quốc gia, với mức tăng 7,3% cho năm 2017, thì lương tối thiểu đã đáp ứng được 90% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.

Gần đây, tại một buổi hội thảo liên quan tới sửa đổi Bộ luật Lao động 2012 đã có nhiều tranh cãi liên quan tới cách tính về nhu cầu sống tối thiểu.

Theo Điều 91 của Bộ luật Lao động, mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Nhiều doanh nghiệp cho rằng nên thay đổi định nghĩa mức lương tối thiểu bằng mức sống tối thiểu thay vì nhu cầu sống tối thiểu như hiện nay vì nhu cầu sống tối thiểu là một định nghĩa rất trừu tượng.

Theo ông Hồ Trung Dũng, Phó tổng giám đốc WMC, chuyên gia độc lập về tiền lương cho hay, khi áp dụng định nghĩa mức lương tối thiểu trên vào cuộc sống thì nảy sinh nhiều vấn đề như: Định lượng nhu cầu sống tối thiểu dựa trên căn cứ nào? Ai có thẩm quyền công bố? Nhu cầu sống tối thiểu có phụ thuộc hay không phụ thuộc vào nền kinh tế? Nhu cầu sống tối thiểu của gia đình có 6 người con sẽ khác gia đình có 1 người con? Đây là điều vẫn chưa được quy định rõ nên vẫn còn nhiều cách nhìn nhận khác nhau giữa các cơ quan về nhu cầu sống tối thiểu.

Do đó, theo Vụ Pháp chế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), Bộ luật Lao động sửa đổi lần này sẽ làm rõ định nghĩa về lương tối thiểu. Bên cạnh đó, Bộ LĐTBXH cũng đang đề xuất ban hành Luật tiền lương tối thiểu để áp dụng và thực hiện tiền lương theo cơ chế thị trường.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/154034/chinh-phu-dong-y-phuong-an-tang-73-luong-toi-thieu.html/