Chính phủ chất vấn Long An về nạn buôn lậu thuốc lá công khai

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đặt câu hỏi, đối tượng buôn lậu thuốc lá tại Long An diễn ra ngang nhiên phải chăng có tình trạng các lực lượng chức năng không phát hiện hoặc “làm ngơ.”

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Sau khi tham dự hội nghị xúc tiến đầu tư, chiều 17/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đại diện các Bộ, ngành Trung ương đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Long An - địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cùng dự có Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình.

Tại buổi làm việc, căn cứ vào tiềm năng, thế mạnh và định hướng phát triển của địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Long An nỗ lực phấn đấu trở thành một trong 3 trung tâm kinh tế của khu vực phía Nam cùng với Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ và trở thành địa phương tự trang trải ngân sách từ năm 2018.

Với lợi thế đường sông, đường bộ, biên giới giáp với Campuchia 133 km, là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Long An đạt 11,26%; GDP/đầu người đạt 50,7 triệu đồng; thu ngân sách xếp hạng 19/63 tỉnh thành, đứng thứ hai tại Đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh luôn duy trì ở mức cao và nằm trong top đầu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, Long An có cơ cấu kinh tế chuyển dịch tương đối nhanh theo hướng công nghiệp hóa với tỷ trọng công nghiệp trong đạt 44,5% (năm 2015).

Có vị trí chiến lược là nơi kết nối giữa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - vùng phát triển công nghiệp nhất cả nước với vùng Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa, trái cây, thủy sản của cả nước, Long An vừa có điều kiện phát triển công nghiệp, dịch vụ với quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp khá lớn, hơn 13.500 ha đến năm 2020 và kết cấu hạ tầng ngày càng hoàn thiện; vừa có điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp ở vùng Đồng Tháp Mười, vùng Hạ nuôi trồng thủy sản truyền thông và nhiều vùng chuyên canh khác.

Một điểm đáng chú ý là kể từ ngày 16/10, Long An đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công giải quyết thủ tục hành chính của 6 Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công thương, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ. Trung tâm được đầu tư trang thiết bị đồng bộ, hiện đại, nhất là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng phần mềm một cửa điện tử trong việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hành chính. Đây là Trung tâm thứ hai của cả Đồng bằng sông Cửu Long (sau Đồng Tháp) vừa khai trương đầu tháng 10 và là trung tâm thứ sáu của cả nước.

Các đối tượng vận chuyển thuốc lá lậu chạy bạt mạng trên đường Tỉnh lộ 10, đoạn qua Thị trấn Đức Hòa (huyện Đức Hòa, Long An). (Ảnh: Trường Giang/TTXVN)

Một trong những vấn đề nổi cộm ở Long An được đưa ra tại hội nghị là nạn buôn lậu, đặc biệt là mặt hàng thuốc lá trên tuyến biên giới đường bộ tại hai huyện Đức Hòa và Đức Huệ. Theo ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, trong hai năm qua, các lực lượng chức năng đã bắt giữ 5 triệu bao thuốc lá nhập lậu, nhưng tình hình buôn lậu thuốc lá trên địa bàn Long An vẫn phức tạp.

Tuy nhiên, ông Đàm Thanh Thế cho rằng, vẫn có thể phát hiện, bắt giữ và xử lý được nếu tỉnh có sự phối hợp giữa các lực lượng hải quan, biên phòng, công an, quản lý thị trường. Chính việc phối hợp yếu kém dẫn đến tình trạng vận chuyển thuốc lá lậu công khai mà không bị bắt giữ.

Ông Đàm Thanh Thế đề nghị Long An cần phân định trách nhiệm rõ ràng theo địa bàn và lĩnh vực; sử dụng các biện pháp tổng hợp ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi, đối tượng, nhất là đối tượng cầm đầu các đường dây, ổ nhóm buôn lậu và tham gia tiếp tay cho buôn lậu thuốc lá. Một biện pháp nữa cũng cần được lưu ý là việc đề cao trách nhiệm người cầm đầu trong công tác này.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đặt câu hỏi, đối tượng buôn lậu thuốc lá tại Long An diễn ra ngang nhiên phải chăng có tình trạng các lực lượng chức năng không phát hiện hoặc “làm ngơ.”

Cho rằng, tình hình này là không chấp nhận được, cần có sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, Phó Thủ tướng đề nghị cần tạo công ăn việc làm cho nhân dân địa phương để thay đổi sinh kế.

Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Long An có biện pháp xử lý sớm, tạo những chuyển biến mạnh mẽ trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ hài lòng với thành quả và định hướng phát triển rõ ràng, khả thi của Long An thông qua những cách làm, lĩnh vực then chốt, hiệu quả được tập trung lựa chọn.

Vui mừng vì Long An đã làm tốt chương trình xây dựng nông thôn mới, cụ thể là đã hình thành được rõ nét một số vùng chuyên canh lớn, đa dạng, Thủ tướng đề nghị tỉnh tiếp tục phát huy kết quả này, phấn đấu hình thành những thương hiệu nông sản mạnh ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; sớm hoàn thành chương trình nông thôn mới trước thời điểm về đích của cả nước vào năm 2020.

Nhận xét cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch nhanh, hiệu quả, việc phát triển doanh nghiệp đạt kết quả khá tốt với 7.900 doanh nghiệp trên địa bàn, nhấn mạnh đến những nhiệm vụ tiếp theo của tỉnh, Thủ tướng lưu ý Long An tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ nền kinh tế; thậm chí có thể thành lập đội đặc nhiệm để triển khai nhiệm vụ này đạt hiệu quả cao hơn.

Thủ tướng mong muốn Long An phấn đấu trở thành một trong 3 trung tâm kinh tế của khu vực phía Nam cùng với Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ ngay trong nhiệm kỳ này trên cơ sở phát huy truyền thống Anh hùng trong chiến đấu và lao động của quân và dân trong tỉnh.

Đặt mục tiêu đưa Cảng Long An trở thành Trung tâm Cảng vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng nhấn mạnh, Long An cần tích cực, chủ động huy động đa dạng các nguồn lực để phát triển nâng cấp hạ tầng giao thông phục vụ hoạt động của Cảng.

Tỉnh cũng cần tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch theo hướng hoàn thiện các phân khu chức năng phù hợp với điều kiện phát triển của địa phương trong tình hình mới. Long An cần cải cách mạnh mẽ hơn nữa để đón thời cơ; phát triển kinh tế đi đôi giữ gìn môi trường sống, giữ vững trật tự an toàn xã hội, đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân, Thủ tướng nêu rõ.

Nhân dịp công tác tại Long An, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới khảo sát, kiểm tra tiến độ thi công Cảng Quốc tế Long An – công trình được xây dựng bên bờ sông Soài Rạp, xã Tân Lập, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, là một trong những cảng biển có quy mô lớn nhất miền Nam. Cảng Quốc tế Long An được quy hoạch đầu tư xây dựng thành 7 giai đoạn với tổng vốn đầu tư trên 9.000 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành và hoạt động hết công suất vào năm 2023. Cảng có diện tích 147 ha, gồm 7 cầu cảng có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng từ 30.000-70.000 DWT và 5 bến cảng nội địa tiếp nhận tải trọng 1.000 DWT.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã tới thăm dự án Five Star Eco City - Thành phố Sinh Thái Năm Sao do Tập đoàn Quốc tế Năm Sao làm chủ đầu tư được xây dựng trên địa bàn Long An, theo hướng cửa ngõ phía Nam Thành phố Hồ Chí Minh. Dự án có tổng diện tích 420ha, giai đoạn 1 là 220ha; tổng mức đầu tư cho giai đoạn 1 là 15.000 tỷ đồng. Điểm nhấn quan trọng của Dự án là Quảng trường và hồ trung tâm rộng hơn 5 ha với sức chứa trên 10 ngàn người, sẽ trở thành điểm vui chơi cộng đồng quy mô lớn của Long An trong tương lai.

Cũng trong dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Biện Thị Tư, ngụ ấp Thanh Ba, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc. Mẹ Biện Thị Tư sinh năm 1928, từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và được Nhà nước tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhì. Mẹ có 2 người con hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ./.

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/chinh-phu-chat-van-long-an-ve-nan-buon-lau-thuoc-la-cong-khai/411325.vnp