Chính phủ bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng việc lập ngân hàng cổ phần rồi để Nhà nước mua lại 0 đồng, Nhà nước phải đứng ra xử lý hậu quả thì ai cũng muốn làm.

Tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội ngày 22/10, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định Chính phủ sẽ quyết liệt trong tái cơ cấu kinh tế, không cứu vớt các ngân hàng, doanh nghiệp yếu kém.

Phó thủ tướng cho biết hiện dư luận rất quan tâm là có hay không việc sử dụng các nguồn lực Nhà nước để giải quyết nợ xấu.

“Chúng ta đừng lẫn lộn hai khái niệm ngân sách Nhà nước và nguồn lực Nhà nước. Thực tế là từ trước đến giờ và có lẽ sau này cũng vậy, chúng ta rất cân nhắc chuyện sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu và xử lý ngân hàng yếu kém”, ông Huệ nêu ý kiến.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ trả lời báo chí ngày 22/10. Ảnh: T.T.

Phó thủ tướng phân tích thực tế các ngân hàng đang dùng nguồn lực Nhà nước. Khi Nhà nước cho Công ty Quản lý tài sản của các Tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) phát hành trái phiếu đặc biệt, thì có nghĩa là dùng ngân sách rồi. Bởi nếu cho vay thông thường thì lãi suất 7-8%, còn tái cấp vốn chỉ 3%.

"Cho nên đừng nghĩ chỉ dùng kỹ thuật là xử lý được nợ xấu. Lần này chúng ta khẳng định rằng có thể sử dụng nguồn lực của Nhà nước lớn hơn để xử lý nợ xấu”, ông Huệ nói.

Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh Chính phủ đề xuất giải pháp mạnh hơn là thí điểm cho phá sản ngân hàng, tổ chức tín dụng yếu kém. Chính phủ bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, đồng thời không để xảy ra hiệu ứng domino.

“Làm được như vậy thì có tác dụng cảnh tỉnh rất nhiều. Chứ bây giờ cứ thành lập ngân hàng cổ phần, hoạt động yếu kém, rồi nhà nước phải mua lại 0 đồng, rồi nhà nước đứng ra lo thì ai chả muốn làm. Với tổ chức ngân hàng nào còn có thể phục hồi được thì chúng ta nói là tái cơ cấu, còn với những ngân hàng không phục hồi được thì gọi là xử lý ngân hàng yếu kém”, Phó thủ tướng khẳng định.

Thắng Quang - Tiến Tuấn

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/se-thi-diem-cho-pha-san-ngan-hang-yeu-kem-post691695.html