Chiếu trên

Chiều hiu hiu lạnh. Nữ sĩ ngồi bên khung cửa sổ, nghe bài vọng cổ Tình anh bán chiếu.

Anh bán chiếu này hồi xưa dệt chiếu đẹp lắm, lại tận tâm nữa. Nào lựa từng cọng lác, sợi gai, nào đo ni giường để dệt cho vừa khít. Rồi nữ sĩ thở dài: Bây giờ biết tìm đâu ra một anh dệt chiếu như vậy? Người ta dệt chiếu toàn sợi thưa, phết toàn phẩm màu xanh, đỏ.

Nữ sĩ ước gì gặp được anh bán chiếu ấy. Ta sẽ nhờ ảnh dệt cho mình tấm chiếu đặc biệt, gọi là… “chiếu trên”. (?)

Nghe nhiều nhà văn bộc bạch: Cái sự chấm giải văn chương bây giờ có xét đến “chiếu trên, chiếu dưới” hẳn hoi, nữ sĩ trẻ đâm sợ hãi. Nàng chẳng biết thế nào, chỉ biết tìm mọi cách sắm chiếu. “Xài “chiếu dưới” rất khổ, cho dù có cố dốc lòng dốc sức lao động”, nàng nghĩ vậy. Nàng phải có chiếc “chiếu trên”. Cái chiếu của nàng chả cần in hoa hòe, hoa sói gì sất, chỉ cần in to gia phả, chức sắc của cha, của chồng, của nàng cùng các mối liên hệ thân thiết, dây nhợ tình cảm… là ngon lành.

Nhưng lòng tự trọng trong con người nàng lóe lên. Cỡ ông Victor Hugo hồi xưa có xài chiếu nào đâu, mà nói tới tên là thiên hạ bật ra ngay Những người khốn khổ. Sắm cái chiếu để thiên hạ nể, có khi sợ nữa nhưng viết lách chả ra hồn vía, lại được trao giải trong một cái giải thiếu minh bạch, bị người ta phản ứng trả lại ầm ầm thì hay ho gì?

Nhà văn Hồ Anh Thái từng nói: “Quyền xếp loại và phân ngôi thứ là của người đọc và thời gian”. Nghĩ tới đó, nàng đâm ngượng ngùng…

NGƯỜI SÀNH ĐIỆU

Nguồn PLO: http://phapluattp.vn/20130121014924896p0c1015/chieu-tren.htm