Chiều nay, Chính phủ họp báo về dự án NM điện hạt nhân Ninh Thuận

Ngay sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết dừng dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, Chính phủ sẽ tổ chức cuộc họp báo chuyên đề về vấn đề này vào lúc 17h chiều nay (22.11).

Phối cảnh dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Theo dự kiến chương trình kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, chiều nay, Quốc hội sẽ bấm nút thông qua dự thảo Nghị quyết dừng dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Trước đó, ngày 11 và 14.11, Quốc hội đã thảo luận tại tổ và hội trường về việc thông qua dự thảo Nghị quyết này. Các phiên họp không có sự tham dự của báo chí.

Bên hành lang Quốc hội, trao đổi với báo giới, Chủ tịch Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) Dương Quang Thành cho biết, một trong những lý do xem xét dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là tại thời điểm hiện nay nguồn năng lượng sơ cấp như than, dầu khí có giá thành thấp hơn trước, việc đầu tư điện hạt nhân không cạnh tranh được về kinh tế.

Cụ thể, giá điện hạt nhân dự kiến trước đây khoảng 4,9 cent/kWh nay đã lên tới trên 8 cent/kWh nên bài toán về tính khả thi là không còn.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Lê Hồng Tịnh cũng nhận xét đề xuất dừng dự án điện hạt nhân "là một sự dũng cảm". Theo ông Tịnh phân tích, Việt Nam là nước đi sau về việc làm điện hạt nhân, ở thời điểm tính toán giá dầu cao nên nghĩ điện hạt nhân là cần thiết. Về sau tình hình khác đi, chúng ta phải ngưng dự án sớm để tránh có thêm tổn thất.

Năm 2009, khi Chính phủ trình Quốc hội dự án điện hạt nhân, dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 9-10%, kéo theo nhu cầu tăng trưởng điện từ 17-20%. Khi đó Chính phủ lấy phương án 22% để điều hành, nhằm đảm bảo nhu cầu điện của đất nước. Nhưng hiện tại tăng trưởng kinh tế đã thấp hơn nhiều, chỉ khoảng từ 6-7% nên tốc độ tăng trưởng điện năng cũng thấp hơn, chỉ khoảng 11% trong 5 năm tới và 7-8% sau 10-20 năm nữa.

Chủ trương xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận từng được Quốc hội thông qua vào tháng 11.2009 với tổng vốn đầu tư dự kiến ban đầu là 200.000 tỷ đồng, sau đó tăng lên 400.000 tỷ. Một số bước chuẩn bị cho dự án như đào tạo nhân sự ở nước ngoài, thỏa thuận vay vốn, chọn đối tác triển khai, thăm dò khởi công... đã được thực hiện.

Về nguồn nhân lực chất lượng cao đã được đào tạo ở nước ngoài phục vụ cho dự án điện hạt nhân, ông Tịnh cho rằng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao lúc nào cũng cần thiết. Trước mắt một số tổng công ty phát điện, nhà máy điện đang triển khai có thể sử dụng nguồn nhân lực này.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/chieu-nay-chinh-phu-hop-bao-ve-du-an-nha-may-dien-hat-nhan-ninh-thuan-724900.html