Chiêu 'làm mình làm mẩy' của Ankara

Trong khi quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và các nước phương Tây xuống tới mức thấp nhất từ trước tới nay thì quan hệ của quốc gia nửa Âu nửa Á này với Nga lại đang được cải thiện nhanh chóng sau sự cố bắn rơi máy bay SU-24.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố không muốn gia nhập EU mà thay vào đó là đàm phán để gia nhập SCO

Trong tuyên bố đưa ra ngày 20-11, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết, nước này sẽ không gia nhập Liên minh châu Âu (EU) bằng mọi giá, mà thay vào đó có thể trở thành thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Đây được xem là lời cảnh báo của Ankara với EU khi mà liên minh này cứ mãi “dền dứ” trong việc xem xét kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ.

Dù là một thành viên nòng cốt của NATO, song Thổ Nhĩ Kỳ lại chưa phải là thành viên của EU vốn được “chiếc ô” an ninh của liên minh quân sự này che chở lâu nay. Nghịch lý này khiến Ankara không khỏi khó chịu dù đã bắt đầu tiến trình đàm phán gia nhập EU từ 11 năm nay.

Trở ngại chính trên con đường gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ chẳng phải do vị trí địa lý nằm cả ở châu Âu và châu Á hay có đa số dân theo đạo Hồi mà do vấn đề dân chủ, nhân quyền. Các thành viên chủ chốt của EU luôn cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ chưa đáp ứng các tiêu chuẩn chung của liên minh về dân chủ, nhân quyền và luôn yêu cầu Ankara phải cải thiện nhiều hơn nữa trong lĩnh vực mà họ cho là then chốt này.

Con đường gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ càng mờ mịt hơn sau vụ đảo chính bất thành nhằm lật đổ Tổng thống Erdogan hồi trung tuần tháng 7 vừa qua. EU và các thành viên của liên minh này không ngần ngại lên tiếng phản đối và chỉ trích nặng nề chính quyền Tổng thống Erdogan về điều mà họ cho là vi phạm nhân quyền nghiêm trọng khi tiến hành “thanh trừng” hàng trăm nghìn người tham gia hoặc dính líu tới vụ đảo chính hụt.

Thủ tướng Áo Christian Kern khi chứng kiến những hành vi “vi phạm nhân quyền” tại Thổ Nhĩ Kỳ sau đảo chính bất thành đã tuyên bố tiến hành thảo luận với lãnh đạo các nước châu Âu về việc dừng tiến trình đàm phán gia nhập EU của Ankara. Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel như “dội thêm gáo nước lạnh” khi nhận định, Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ chưa thể gia nhập EU trong khoảng 10-20 năm tới.

Trong khi con đường sang phía Tây ngày càng quanh co khúc khuỷu thì đường sang phía Đông của Thổ Nhĩ Kỳ lại đang rộng mở sau khi chính quyền Tổng thống Erdogan đã giải quyết ổn thỏa vụ bắn rơi chiếc máy bay chiến đấu SU-24 của Nga hồi tháng 11-2015 bằng 2 chuyến thăm viếng liên tiếp của ông Erdogan tới Nga và chuyến thăm đáp lễ của Tổng thống Vladimir Putin diễn ra dồn dập trong 2 tháng 8 và 10 vừa qua. Thế nên, dù có bất ngờ song xem ra lại hợp logic khi Tổng thống Erdogan đồng thời với tuyên bố “thất vọng” về Mỹ và EU thì lại công khai ý định gia nhập SCO hiện gồm Nga, Trung Quốc và 4 quốc gia Trung Á.

Liệu một quốc gia là thành viên nòng cốt của NATO như Thổ Nhĩ Kỳ có thể từ bỏ ước muốn gia nhập EU để thật sự ngả hẳn về phía Đông như tuyên bố của chính quyền Tổng thống Erdogan? Theo giới quan sát, đây là một nghịch lý khó có khả năng xảy ra và tuyên bố “xem xét đàm phán gia nhập của SCO” của Tổng thống Erdogan rất có thể chỉ là cách “làm mình làm mẩy” để vừa có thể thẳng tay diệt trừ mọi “mầm mống” còn sót lại sau đảo chính, vừa buộc phương Tây và Mỹ “tiết chế” sự phản đối và chỉ trích nhằm vào chính quyền do ông đứng đầu.

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/chieu-lam-minh-lam-may-cua-ankara/709559.antd