Chiến thuật không chiến xuất sắc của phi công Đức Oswald Boelcke

Là phi công quân sự giỏi, Oswald Boelcke rất chú ý đến xây dựng chiến thuật và công tác đào tạo cũng như tinh thần lập công tập thể.

Oswald Boelcke là người đã phát triển bộ quy tắc chiến thuật không chiến thành công nhất từng được sử dụng bởi các phi công hạng ace của Đức. Nhờ có chiến thuật này mà học trò của ông - phi công Manfred von Richthofen đã lập được nhiều chiến công trong Thế chiến thứ 1. (Boelcke được coi là người đầu tiên hệ thống hóa chiến thuật cận chiến trên không. Tư tưởng của ông vẫn được vận dụng trong một số cuộc không chiến sau này - ND).

Cảnh cận chiến trên không giữa các máy bay tiêm kích cổ 2 tầng cánh thời Thế chiến thứ 1. Ảnh: history.co.uk.

Boelcke lái chiếc máy bay Fokker E.I đầu tiên, giành được huân chương công trạng Pour le Mérite, chỉ huy đội hình bay Jasta 2, và dìu dắt nhiều phi công Đức trẻ tuổi. Ông còn được người Pháp vinh danh vì cứu một đứa trẻ khỏi chết đuối.

Trong không quân, danh hiệu “phi công ace” thường được gắn cho những người bắn hạ từ 5 máy bay đối phương trở lên.

Thuở ấu thơ

Boelcke sinh năm 1891 trong một gia đình giáo viên. Các anh trai của ông, Wilhelm và Friederich, sinh ở Argentina. Đến năm 1891 cả gia đình Boelcke đã trở lại Halle, Đức.

Thời trẻ, Boelcke vừa chăm học vừa tích cực chơi thể thao. Ông giỏi toán và vật lý và tích cực tham gia bơi lội, đánh tennis, chèo thuyền, và tập thể dục dụng cụ.

Thấm đẫm chủ nghĩa dân tộc Đức và tinh thần quân sự của cha, cậu bé Boelcke đã không ngần ngại viết thư thẳng cho hoàng đế Đức Wilhelm để xin được học tại trường quân sự. Khi đó cậu mới chỉ 13 tuổi.

Tại thành phố Darmstadt (Đức), ông lần đầu được tiếp xúc với binh chủng không quân (thuộc lục quân Đức). Boelcke đã gia nhập lực lượng này với tư cách là một phi công hạ sĩ quan.

Đơn vị 62

Sau một đợt vật lộn với bệnh phế quản, vào đầu năm 1915 Oswald Boelcke được phân về đơn vị 62 mới được thành lập ở Döberitz. Tại đó Tony Fokker trình diễn chiếc máy bay một tầng cánh E-I đầu tiên của mình – chiếc tiêm kích Eindecker, được trang bị một súng máy Spandau cố định có khả năng bắn xuyên qua cánh quạt nhờ vào cơ chế ngắt cò.

Chân dung Oswald Boelcke, phi công-chiến thuật gia tiêm kích của Đức trong Thế chiến 1. Ảnh: Frontflieger.

Oswald Boelcke và đồng đội Max Immelmann sau đó nhanh chóng bám theo một số máy bay ném bom của Anh. Immelmann bắn hạ được một oanh tạc cơ của Anh. Cuộc cạnh tranh giành thế thượng phong trên không trong Thế chiến 1 bắt đầu từ đây.

Khi điều khiển máy bay một tầng cánh của Fokker, phi công Boelcke bắn rơi được 5 phi cơ đối phương vào cuối năm 1915.

Mặc dù máy bay Fokker có hệ thống vũ khí tiên tiến khi đó, các phi công Đức chưa bao giờ thích loại máy bay này. Khi Halberstadt và Albatros giới thiệu loại máy bay 2 tầng cánh mới vào đầu năm 1916, các phi công Đức đã hào hứng đón nhận.

Khi đó máy bay Nieuport 11 của Pháp và máy bay 2 tầng cánh của Anh đang gây khó khăn cho người Đức trên chiến trường. Boelcke đã tập trung vào chiến thuật đối phó với các loại máy bay này: tác xạ chính xác, đội hình bay chặt chẽ và nằm bên trong phòng tuyến của quân Đức.

Tháng 1/1916, Boelcke bắn hạ thêm 4 máy bay của địch, bao gồm một chiếc Vickers F.B.5 “Gunbus” - một máy bay 2 tầng cánh và 2 chỗ ngồi.

Boelcke không quen với chiếc phi cơ Gunbus này và ông bất ngờ trước tính cơ động cao của nó. Ông rút lui và tìm cách tấn công trở lại đối phương. Hai chiếc máy bay quần thảo với nhau trên không trong nửa tiếng đồng hồ và mất dần độ cao.

Rốt cuộc, đến khi bay qua vùng sân bay của Boelcke, viên phi công Anh mắc sai lầm và Boelcke hạ gục máy bay của đối thủ. Ông được thưởng huân chương Pour le Mérite sau chiến công này.

Phi đoàn jasta của Boelcke được điều tới Verdun để chuẩn bị cho một cuộc tấn công quy mô lớn của quân Đức. Tại Verdun , đơn vị của Boelcke dự kiến sẽ tập trung vào nhiệm vụ trinh sát và ném bom.

Vào ngày 13/3, Boelcke phát hiện một chiếc Voisin của đối phương bị lạc phía sau đội hình và ông liền bay tới để tiêu diệt. Chiếc máy bay 2 tầng cánh xấu số chòng chành rồi bắt đầu xoáy mạnh và rơi xuống một đám mây. Khi máy bay này ló ra khỏi đám mây, thì Boelcke chứng kiến cảnh tượng xạ thủ/quan sát viên của máy bay này đang bò lên trên cánh để cố gắng giữ ổn định máy bay một cách vô vọng.

Thường thì các phi công quân sự không đoái hoài gì đến số phận của đối phương nhưng lần này Boelcke đã kinh hãi khi thấy chiếc Voisin đột ngột giật mạnh và liệng người đàn ông xấu số kia xuống khoảng không thăm thẳm.

Trong vài ngày tiếp theo, Boelcke bắn rơi thêm 3 chiếc Farman, nâng tổng số thành tích của mình lên con số 13. Ông cùng với Immelmann tiếp tục cạnh tranh lành mạnh với nhau về thành tích cho đến tháng 6/1916, khi Immelmann thiệt mạng sau khi đã giành được 15 chiến thắng.

Quan tâm đến tác chiến tập thể

Tháng 9/1916, Boelcke được giao chỉ huy một phi đoàn tiêm kích mới, tên là Jasta 2.

Máy bay Fokker E.III của Đức, được chế tạo vào năm 1915. Ảnh: acepilots.com.

Lúc này mặc dù bận “quản lý” và được trao nhiệm vụ giải quyết các vấn đề chiến thuật do các máy bay 2 chỗ ngồi của Anh gây ra, Boelcke vẫn bắn hạ được 11 máy bay Anh vào tháng 9 năm đó. Ông cũng có thêm một tân binh đầy triển vọng là Manfred von Richthofen, một phi công lái máy bay Albatros 2 chỗ ngồi.

Phi đoàn Jasta 2 được trang bị các máy bay mới Albatros D.II và bắt đầu bay trên chiến trường Somme vào ngày 17/9.

D.II là loại máy bay 2 tầng cánh có mũi thuôn, nhẹ nhưng bền chắc, có động cơ 160 mã lực và mang được 2 súng máy Spandau đồng bộ hóa (với cánh quạt).

Boelcke và đồng đội chỉ bay trong đội hình lớn được tổ chức tốt - có biệt hiệu là “gánh xiếc”. Bất cứ máy bay nào của phe Đồng minh mà lọt vào đội hình của Boelcke thì coi như không còn đường thoát.

Ngay khi bảng thành tích cá nhân đã lên tới con số 40, Boelcke vẫn không bận tâm đến thành tích của riêng mình.

Ông giải thích: “Mọi thứ phụ thuộc vào việc liên kết với nhau khi Staffel (phi đoàn Đức) tham chiến. Ai “ghi bàn” không quan trọng, miễn là phi đoàn giành chiến thắng.”

Boelcke tập trung vào đào tạo các phi công mới, hướng dẫn các chỉ huy biên đội và hoàn thiện chiến thuật tiêm kích. Ông vạch ra và thể hiện thành văn bản các ý tưởng của mình, rồi trực tiếp truyền đạt các ý tưởng đó tới các căn cứ không quân của Đức, tham gia hình thành các phi đoàn Jasta mới, với các chỉ huy là những người đã thấm nhuẫn tư tưởng của ông.

Dưới đây là một số quy tắc không chiến do Boelcke vạch ra:

1- Cố gắng giành lợi thế trước khi tấn công. Nếu có thể, hãy điều chỉnh hướng bay sao cho mặt trời ở phía sau lưng.

2- Luôn tiến công tới cùng một khi đã bắt đầu.

3- Chỉ bắn ở cự ly gần và khi đối thủ đã nằm rõ trong tầm ngắm.

4- Luôn để mắt tới đối phương và tránh mắc mưu của địch.

5- Rất nên tấn công đối phương từ phía sau.

6- Nếu đối phương bổ nhào lên ta, đừng bỏ chạy mà hãy nghênh chiến.

7- Khi bay qua phòng tuyến của đối phương, đừng quên tính toán trước đường rút lui.

Cú va quệt định mệnh

Ngày 28/10/1916, Boelcken chỉ huy một nhóm 6 chiếc Albatros tấn công vài chiếc phi cơ D.H.2. Von Richthofen và Erwin Boehme – một phi công tài năng khác, bay cùng đội hình với Boelcke.

Khi họ nhào lượn để giành lợi thế trước D.H.2 thì máy bay của Boehme va chạm với máy bay của Boelcken. Cánh máy bay Boehme cắt lìa phần đỡ cánh trên của máy bay Boelcke. Ngay lập tức cánh máy bay của Boelcke sập xuống và chiếc máy bay lao thẳng xuống đất.

Oswald Boelcke được chôn cất tại một nhà thờ ở Cambrai (Pháp) với sự có mặt của các sĩ quan và giới quý tộc Đức.

Sau vụ này, phi công Boehme dằn vặt bản thân rất nhiều và người ta đã phải ngăn ông tự sát. Sau đó ông tiếp tục bắn hạ 24 máy bay của quân Đồng minh và cũng được thưởng huân chương Pour le Mérite./.

Trung Hiếu/VOV.VN Dịch từ acepilots.com

Nguồn VOV: http://vov.vn/the-gioi/ho-so/boelcke-phi-cong-kiem-nha-chien-thuat-khong-chien-xuat-sac-cua-duc-559322.vov