Chiến thắng kỳ lạ của ông Donald Trump

Cuộc bầu cử Tổng thống kỳ lạ, gây chia rẽ và tốn kém nhất trong lịch sử nước Mỹ cũng đã kết thúc với chiến thắng thuộc về ông Donald Trump, nhà tỷ phú trong ngành địa ốc. Nước Mỹ đã tìm ra được người chủ của Nhà Trắng trong bốn năm tới, Tổng thống thứ 45 trong lịch sử của mình. Ông D.Trump là ứng cử viên cao tuổi nhất trong lịch sử trúng cử Tổng thống Mỹ, cũng là trường hợp vô cùng hiếm hoi khi là một doanh nhân mà đã “đánh chiếm” thành công Nhà Trắng.

Quy trình rắc rối cho một công việc đơn giản

Ngay cả đến khi cận kề ngày bầu cử, thậm chí nhiều nhà phân tích chứ không nói là người không phải là người Mỹ thậm chí vẫn còn chưa hiểu một cách thấu đáo được hệ thống bầu cử Tổng thống Mỹ, trong đó nổi lên là câu hỏi mang tính then chốt: Vì sao nước Mỹ, vốn tự hào về những giá trị dân chủ của mình, lại tồn tại cơ chế bầu cử mà kết quả cuối cùng phải thông qua một tầng nấc trung gian là các đại cử tri trong cử tri đoàn ở (hầu hết) các bang?

Ảnh trong bài | Nguồn các báo nước ngoài.

Câu trả lời chỉ có thể là những người sáng lập ra nước Mỹ, cũng chính là những người đã hoạch định ra cơ chế bầu cử đã tồn tại hàng trăm năm nay ở nước Mỹ, muốn thiết lập một hệ thống bầu cử được cho là dân chủ, nhưng lại không muốn rủi ro phó mặc hoàn toàn các giá trị “dân chủ” đó cho đám đông vốn dễ chao đảo, có khả năng bị dẫn dắt bởi cảm xúc nhất thời và do vậy, nảy sinh khả năng sẽ bầu ra những người đứng đầu quốc gia không xứng đáng. Mặt khác, do hoàn cảnh người nô lệ da đen hồi nước Mỹ lập quốc không được đi bầu cử, cơ chế bầu cử thông qua đại cử tri (được phân bổ cho từng bang dựa theo tỷ lệ dân số) sẽ xác lập lại sự “công bằng” tương đối cho những bang dân số đông nhưng có nhiều nô lệ da đen mà không được đi bầu cử. Chế độ nô lệ từ lâu đã bị xóa bỏ ở nước Mỹ, nhưng cơ chế bầu cử Tổng thống qua đại cử tri thì vẫn tồn tại cho đến ngày nay! Thật ra, việc người dân đi bỏ phiếu để bầu ra người lãnh đạo đất nước là một quy trình khá đơn giản, nhưng ở nước Mỹ, nó đã được phức tạp hóa bằng những thủ tục khó hiểu đối với phần còn lại của thế giới!

Song song với cơ chế đại cử tri, bầu cử Tổng thống Mỹ còn áp dụng một quy tắc khác (chỉ trừ hai bang Maine và Nebraska) theo kiểu “được ăn cả ngã về không”, nghĩa là ứng cử viên Tổng thống nào giành được số phiếu phổ thông nhiều hơn đối thủ ở một bang sẽ nghiễm nhiên giành toàn bộ số phiếu đại cử tri của bang đó. Người nào giành được tổng số ít nhất 270 phiếu đại cử tri ở các bang sẽ được chính thức bầu làm Tổng thống trong một cuộc bầu cử khác tiến hành trong tháng 12.

Quy tắc “kẻ thắng được hưởng tất” này đã đẻ ra những trường hợp trái khoáy khi có ít nhất bốn lần trong lịch sử các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, gần nhất là cuộc so kè năm 2000 giữa hai ứng cử viên Al Gore của Dân chủ với George Bush của Cộng hòa, ứng cử viên có số phiếu phổ thông cao hơn nhưng chỉ giành được số phiếu đại cử tri thấp hơn và vì thế, không trúng cử Tổng thống!

Trước bất kỳ một cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ nào, những con số thống kê về các kỳ bầu cử trước đó sẽ cho ra kết quả tương đối chính xác về những bang nào của nước Mỹ hầu như chắc chắn sẽ bầu cho ứng cử viên của Cộng hòa hay Dân chủ; đó là những bang cứ địa của mỗi đảng và ít có khả năng dao động. Nhưng cũng còn những bang mà các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy sự chênh lệch về tỷ lệ ủng hộ giữa hai ứng cử viên nhỏ hơn 6% và có ít nhất 10 phiếu đại cử tri trở lên, có nghĩa là không có ứng cử viên nào chắc chắn giành chiến thắng ở những bang có số phiếu đại cử tri khá lớn này. Những bang đó được gọi là bang chiến trường.

Vấn đề then chốt đối với các ứng cử viên Tổng thống, vì vậy, là giành giật đại cử tri ở các bang chiến trường này!

Sở dĩ phải dài dòng về cái cơ chế đặc biệt này trong hệ thống bầu cử Tổng thống Mỹ bởi vì bà Hillary không chỉ sẩy chân ở các bang cứ địa của Dân chủ như Pennsylvania, Michigan, Wisconsin, mà còn thua trắng ông D.Trump tại các bang chiến trường then chốt như Bắc Carolina, Arizona. Đặc biệt, “cú đánh” nặng nhất giáng vào hy vọng chiến thắng của bà Hillary đã xảy ra ở Florida, khi bang này ngả sang màu đỏ rực trên bản đồ kiểm phiếu của nước Mỹ.

Nếu xét theo những gì mà đa số truyền thông Mỹ cũng như các cuộc thăm dò tiến hành trước khi bầu cử diễn ra với phần lớn kết quả nghiêng theo chiều hướng tích cực cho ứng cử viên của đảng Dân chủ, chiến thắng ngày 8-11 của ông Donald Trump quả là một chiến thắng kỳ lạ.

Sức mạnh của “đa số thầm lặng”

Người ta sẽ còn phân tích nhiều về thất bại gây sốc của bà Hillary, trong đó có cả những nguyên nhân trực tiếp và nguyên nhân sâu sa hơn, nằm trong lòng nước Mỹ.

Nguyên nhân trực tiếp có thể xuất phát từ những động thái Những người ủng hộ đảng Dân chủ hẳn sẽ có lý do để giận dữ khi cho rằng quyết định của Giám đốc FBI James Comey thông báo mở lại cuộc điều tra về các thư điện tử của bà Hillary chỉ 11 ngày trước khi diễn ra cuộc bầu cử, rồi sau đó chỉ công bố “giải oan” cho bà vào dịp cuối tuần (tức là vài ngày trước bầu cử) đã tác động vô cùng mạnh mẽ đến lá phiếu của cử tri Mỹ.

Nhưng khi người dân Mỹ đã thể hiện ý chí của mình qua lá phiếu thì hẳn là phải có những nguyên nhân sâu sa và bao trùm hơn để lý giải cho thất bại gây sốc của cựu Đệ nhất phu nhân nước Mỹ.

Rất có thể, đó là nỗi lo sợ sẽ mất đi công ăn việc làm của những người Mỹ thuộc tầng lớp dưới trung lưu, những người luôn cảm thấy bấp bênh trong một nước Mỹ hội nhập mạnh mẽ với các hiệp định thương mại tự do, các khu vực kinh tế. Đây là “số đông thầm lặng”, những người hoặc không tham gia vào các cuộc thăm dò ý kiến nhan nhản trước ngày bầu cử, hoặc nếu có tham gia thì cũng chưa chắc đã nói lên chính kiến của mình.

Rất có thể, đó là nỗi lo lắng trước nạn khủng bố liên tiếp xảy ra trên thế giới, trước cuộc khủng hoảng nhập cư trầm trọng ở châu Âu. Cử tri Mỹ muốn một nước Mỹ an toàn. Ứng cử viên D.Trump đã hứa hẹn mang lại một nước Mỹ như thế và ông đã nhận lại được những lá phiếu ủng hộ đủ để đưa ông vào Nhà Trắng.

Nỗi lo lắng nếu những lời hứa được thực hiện

Ước đoán những gì mà tân Tổng thống Mỹ sẽ làm trong nhiệm kỳ của mình về hoạt động đối ngoại là một công việc khó khăn và nhiều rủi ro, đặc biệt vào thời điểm ông D.Trump vẫn còn chưa tiếp quản Nhà Trắng từ tay người tiền nhiệm, Tổng thống B.Obama.

Tuy nhiên, nếu căn cứ vào những gì mà ông D.Trump cùng với đội ngũ cố vấn của mình đã hoạch định về đường hướng chính sách đối ngoại, người ta có lý do để lo ngại nếu như ông D.Trump thực hiện đúng các lời hứa của mình.

Ông D.Trump từng tuyên bố là nước Mỹ sẽ không bảo vệ an ninh “không công” cho các đồng minh nếu như các nước này “không trả đủ tiền!”. Như vậy, những đồng minh chủ chốt ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có nhiều lý do phải lo lắng. Ngay cả với các đồng minh thân thiết trong NATO, ứng cử viên D.Trump cũng từng “dọa” là nước Mỹ sẽ chỉ bảo vệ nếu họ bị tấn công trong trường hợp các đồng minh này đã hoàn thành nghĩa vụ đóng góp (tài chính) vào NATO. Nước Mỹ sẽ không sẵn sàng đóng góp hơn 70% ngân sách của NATO nữa!

Ông D.Trump từng hứa sẽ “cài đặt” lại quan hệ với nước Nga của Tổng thống V.Putin theo hướng kéo hai siêu cường xích lại gần nhau, cùng tham gia giải quyết những vấn đề an ninh toàn cầu, những điểm nóng khu vực. Điều đó có nghĩa là với ông D.Trump ở trong Nhà Trắng, quan hệ Nga-Mỹ có thể hòa dịu hơn so với thời gian qua và điều này hẳn là không làm cho các đối tác của Mỹ ở châu Âu hài lòng.

Trung Quốc cũng sẽ phải đối mặt với thách thức lớn khi nhiều lần ông D.Trump tuyên bố sẽ có quan điểm cứng rắn trong quan hệ thương mại với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này, đăc biệt là trong vấn đề hàng xuất khẩu sang Mỹ và tỷ giá của đồng nhân dân tệ...

Nước láng giềng Mexico có lý do để lo lắng bởi vì ứng cử viên D.Trump cũng từng khăng khăng sẽ cho xây dựng một bức tường dọc theo biên giới giữa hai nước để ngăn chặn những người nhập cư bất hợp pháp, chi phí xây tường “sẽ do người Mexico trả!”.

Việc tiếp tục thực hiện hay thông qua các hiệp định tự do thương mại quốc tế cũng sẽ gặp khó khăn hơn nếu tân Tổng thống thực hiện các lời hứa tranh cử của mình. Ông D.Trump từng tuyên bố chống lại Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP. Với việc cả hai viện của Quốc hội Mỹ cũng đều nằm trong tay đảng Cộng hòa, việc thông qua TPP trong một tương lai gần có lẽ là điều khó xảy ra.

Trong lời chúc mừng gửi tới ông D.Trump sau khi nhà tỷ phú bất động sản đắc cử, Bộ trưởng ngoại giao Iran, ông Mohammad Javad Zarif cũng bày tỏ mong muốn Tổng thống mới của nước Mỹ tôn trọng các hiệp định quốc tế, trong bối cảnh ứng cử viên Cộng hòa từng tuyên bố có thể sẽ loại bỏ thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà Iran đã ký với nhóm P5+1...

*

* *

Người ta sẽ cần phải một thời gian dài nữa để đánh giá những tác động của sự kiện nhà tỷ phủ D.Trump trúng cử Tổng thống đối với bản thân nước Mỹ và cả thế giới. Chỉ có một điều chắc chắn là lịch sử chính trường Mỹ đã lật sang một trang mới.

Trong suốt một năm rưỡi, thế giới đã chăm chú theo sát tiến trình vận động bầu cử Tổng thống ở Mỹ với một sự quan tâm đặc biệt, bởi một lẽ đơn giản, nước Mỹ là siêu cường số 1 trên thế giới. Nay là lúc người ta sẽ quan sát những gì mà tân Tổng thống Mỹ hành động, điều mà không nghi ngờ gì nữa, sẽ giúp định hình diện mạo của nước Mỹ và phần nào cả thế giới trong ít nhất là bốn năm trước mắt.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/hangthang/quocte/tin-quoc-te/item/31376402-chien-thang-ky-la-cua-ong-donald-trump.html