Chiến thắng của Trump, nhìn từ một túp lều rách bên cạnh Nhà Trắng 3 thập kỷ qua

Ngay lúc này, tất cả nên dành cho ông Trump một tấm lòng mở, để ông có thể dẫn dắt. Nhưng trong bất kỳ trường hợp nào, quyền quyết định chính trị, vẫn nằm trong tay người dân.

Tỷ phú Donald Trump giành chiến thắng đầy bất ngờ trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

12h trưa qua, giờ Mỹ, Hillary Clinton gửi một email đến cho từng người ủng hộ mình – những người đã đăng ký tới dự buổi vận động của bà trên khắp nước Mỹ.

Trong thư, bà chia sẻ cảm xúc tới hàng chục triệu người đã ủng hộ và bỏ phiếu cho mình. “Điều này thật đau đớn, và sẽ còn đau trong một thời gian dài”. Bà Clinton cũng thừa nhận, rằng “quốc gia bị chia rẽ nhiều hơn chúng ta nghĩ”. Nhưng cuối thư, bà dành những lời tốt đẹp cho Donald Trump, như ông đã dành cho bà trong diễn văn mừng chiến thắng. “Donald Trump sẽ trở thành tổng thống của chúng ta” - bà viết - “Chúng ta nợ ông ấy một tấm lòng cởi mở và một cơ hội để dẫn dắt”. Đó có lẽ là thông điệp cuối của bà Clinton trong cuộc bầu cử tổng thống này.

Từ vài ngày trước, tôi đã hỏi nhiều người, trong đó có cả các học giả và chính trị gia đảng Dân chủ, rằng điều gì sẽ xảy ra nếu ông Trump thắng cử. Nhiều người trả lời rằng họ hoàn toàn không biết, kèm theo một nụ cười diễu nhại.

Nhưng Grier Martin, dân biểu bang North Carolina, thì cho tôi một câu trả lời rất bất ngờ: “Cha tôi bảo, Donald Trump thắng cử có thể là điều tuyệt vời nhất với đảng Dân chủ lúc này”. Cha ông, D. G. Martin, một nhà báo kỳ cựu từng chạy đua đến ghế thượng nghị sỹ bang, cũng là đảng viên Dân chủ. Nhưng cha con Martin cho rằng, nếu ngày mai, họ thức dậy và thấy Donald Trump thắng cử, thì họ sẽ không bi quan, mà mong chờ vào điều tốt đẹp nhất.

Bà Hillary Clinton kêu gọi người dân Mỹ hãy cởi mở với Trump. (Ảnh: Mashable)

Điều tốt đẹp nhất, là ngay cả nếu Donald Trump có trở thành một tổng thống tồi, thì chính điều đó sẽ trả lại uy tín và cơ hội cho đảng Dân chủ ở tầm quốc gia. Cuộc bầu cử Hạ viện tiếp theo sẽ diễn ra vào năm 2018. Hiện tại, phe Cộng hòa chiếm đa số tại Hạ viện. Nhưng rất có thể, nếu Trump làm không tốt, thì “điều tuyệt vời nhất” mà cha con Martin nghĩ đến, là người dân sẽ vì thế mà bỏ phiếu cho phe Dân chủ trở lại đa số. Còn nếu ngược lại, Donald Trump trở thành một tổng thống tốt, người dân vẫn tin tưởng đảng Cộng hòa, thì không còn gì để bàn.

Bà Clinton cũng đã nhắc nhở người ủng hộ mình về điều đó trong lá thư riêng. “Nền dân chủ hợp hiến của chúng ta đòi hỏi sự tham gia của mọi người, không chỉ cứ 4 năm một lần, mà mọi lúc”. Tổng thống Mỹ không có quyền lực tuyệt đối. Bên cạnh ông, còn có lưỡng viện và Tối cao Pháp viện. Những lời hứa (mà phần nhiều khá cực đoan) của ông Donald Trump, có thực hiện được hay không, còn phải xem thái độ từ phía bên kia đại lộ Pennsylvania, nơi đặt tòa nhà Quốc hội. Bây giờ, đảng Cộng hòa đang chiếm đa số tại Hạ viện và Thượng viện. Nhưng hiến pháp Mỹ cho phép người dân thay đổi điều đó hai năm một lần.

Có thể tóm lược thông điệp cuối cùng mà Hillary Clinton đưa ra: Ngay lúc này, tất cả nên dành cho ông Trump một tấm lòng mở, để ông có thể dẫn dắt. Nhưng trong bất kỳ trường hợp nào, quyền quyết định chính trị, vẫn nằm trong tay người dân.

Để kết bài, tôi xin kể câu chuyện về một người đàn ông lập dị. Tên ông là Philipos Melaku-Bello. Hầu hết các du khách đi thăm quan Nhà trắng đều thấy ông. Người đàn ông này, cùng với các “đồng đạo”, đã dựng một ngôi lều nylon trước cổng Nhà trắng từ hàng thập kỷ qua, để kêu gọi giải trừ vũ khí hạt nhân. Ngày trước, có hai người thay phiên, nhưng nay người bạn của ông đã qua đời, nên Philipos ngồi đó gần như 24/24. Có nhiều người bảo Philipos bị điên, một số thì bảo ông chỉ “làm trò” để xin tiền khách qua đường. Cũng có người tin rằng ông thực sự lý tưởng.

Philipos Melaku-Bello. (Ảnh: ABC News)

Nhiều báo lớn đã viết về ông. Nhưng nhiều viên chức Bộ Ngoại giao đồng ý với tôi rằng, kể cả Philipos có nghĩ gì, thì việc nước Mỹ để ông ở đó suốt 30 năm, với một cái lều rách và rất nhiều biểu ngữ chính trị, cách Nhà trắng vài chục mét, là một biểu hiện của giá trị Mỹ.

Một đêm, tôi quay lại cổng Nhà trắng tìm Philipos. Vì một sự kiện ngoại giao nào đó, người ta đã đuổi ông ra công viên gần đó. Tôi hỏi ông ăn gì chưa. Ông bảo, từ sáng đến giờ chưa ăn gì. Trông tình trạng của Philipos khá tệ. Không nói ra, nhưng tôi hiểu ông không có tiền. Tôi đi bộ đến một nhà hàng Italy gần đó, mua cho Philipos một bữa tươm tất. Ông ăn ngấu nghiến. Vừa ăn, chúng tôi vừa nói chuyện. Tôi hỏi Philipos, rằng ông nghĩ việc mình làm có thay đổi được điều gì không? “Có chứ, họ đã giải trừ hơn 10 nghìn đầu đạn hạt nhân. Chính là công của tôi” - Philipos quả quyết, nói hai lần.

Có thể nhiều người không tin. Cả tôi cũng không dám nói rằng mình tin cái lều của Philipos là nguyên nhân khiến chính phủ Mỹ giải trừ vũ khí hạt nhân. Nhưng ông – một người nhỏ bé, ngồi xe lăn trong cái lều rách, không có cả tiền ăn cơm – vẫn cương quyết nuôi niềm tin rằng mình có tiếng nói trong hệ thống chính trị Mỹ. Thậm chí là tiếng nói to lớn.

Niềm tin, có lẽ đó chính là điều mà bà Clinton muốn mọi người dân nhớ trong bài diễn văn cuối. Cho dù, có thể rất nhiều người đang thất vọng, thậm chí mang cảm giác bất lực. Nhưng từ Clinton, Grier Martin đến Philipos, đều từ chối từ bỏ niềm tin.

Niềm tin về sự chủ động, niềm tin rằng bất kể anh có là ai, thì vận mệnh đất nước vẫn sẽ nằm trong tay anh - những người dân, chứ không phải trong tay một người, dù đó là nguyên thủ.

Theo Đức Hoàng (VnExpress)

Vntinnhanh đặt lại tiêu đề bài viết

Nguồn Tin Nhanh: http://vntinnhanh.vn/cafe-sang/chien-thang-cua-trump-nhin-tu-mot-tup-leu-rach-ben-canh-nha-trang-3-thap-ky-qua-133743