Chiến thắng của trí tuệ Việt Nam

Đoàn học sinh Việt Nam tham dự kỳ thi Ô-lim-pích quốc tế năm 2017 các môn: Toán học, Vật lý, Hóa học đã đạt thành tích cao nhất từ trước đến nay. Để đạt được kết quả này, ngoài sự nỗ lực, cố gắng của học sinh, còn có sự quan tâm của ngành giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) các địa phương trong chăm lo nâng cao chất lượng giáo dục nói chung, đặc biệt là giáo dục mũi nhọn.

Tất cả học sinh dự thi đều đoạt giải

Đại diện Bộ GD và ĐT cho biết, đoàn học sinh Việt Nam dự thi Ô-lim-pích Toán học quốc tế năm 2017 tại Bra-xin (gồm sáu học sinh), tất cả đều đoạt giải, gồm: Bốn Huy chương vàng, một Huy chương bạc và một Huy chương đồng. Đáng chú ý, không chỉ đạt nhiều huy chương, các học sinh Việt Nam đều đạt mức điểm cao trong các loại huy chương, cho nên đã vươn lên xếp vị trí thứ ba thế giới, sau Hàn Quốc và Trung Quốc. Trong đó, học sinh Hoàng Hữu Quốc Huy (lớp 12), Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Bà Rịa - Vũng Tàu), là một trong ba học sinh đoạt Huy chương vàng với số điểm cao nhất trong số hơn 600 học sinh của 112 đoàn tham dự kỳ thi năm 2017 (35 điểm). Trong khi đó, với đoàn học sinh dự thi Ô-lim-pích Vật lý quốc tế năm 2017 tại In-đô-nê-xi-a, cả năm em tham dự đều đoạt giải, gồm: Bốn Huy chương vàng, một Huy chương bạc. Thành tích nêu trên được ghi nhận cao nhất từ trước đến nay, xếp vị trí thứ năm sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga và Xin-ga-po.

Ở môn thi Ô-lim-pích Hóa học quốc tế năm 2017 tại Thái-lan có 76 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự với tổng số 297 học sinh. Trong đó cả bốn học sinh Việt Nam tham dự đều đoạt huy chương, gồm: Ba Huy chương vàng, một Huy chương bạc. Theo bảng xếp hạng, đoàn học sinh của Mỹ xếp vị trí thứ nhất với bốn Huy chương vàng; đoàn học sinh Việt Nam và Trung Quốc xếp vị trí thứ hai (cùng đoạt ba Huy chương vàng và một Huy chương bạc). Trong số ba học sinh đoạt Huy chương vàng, em Đinh Quang Hiếu (lớp 12), Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên thuộc Trường đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học quốc gia Hà Nội) đạt 92,13/100 điểm, đứng thứ chín trong tổng số 297 học sinh dự thi. Đây là kết quả cao nhất của đội tuyển Việt Nam tham dự Ô-lim-pích Hóa học quốc tế kể từ trước đến nay.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại kỳ thi Ô-lim-pích quốc tế môn Toán, Vật lý, Hóa học năm 2017, bên cạnh việc đạt thành tích cao (với tổng số 15 huy chương các loại), kỳ thi để lại nhiều ấn tượng. Năm 2017, cả nước có 11 tỉnh, thành phố và hai trường THPT chuyên thuộc Đại học quốc gia Hà Nội và Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh có học sinh dự thi; trong đó, tỉnh Bình Phước lần đầu có học sinh dự thi Ô-lim-pích Vật lý châu Á; Bà Rịa - Vũng Tàu lần đầu có học sinh dự thi Ô-lim-pích Toán học quốc tế. Trong tổng số 15 huy chương Ô-lim-pích quốc tế các môn: Toán học, Vật lý, Hóa học, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) có số học sinh đoạt huy chương nhiều nhất, gồm hai Huy chương vàng và hai Huy chương bạc (Nguyễn Cảnh Hoàng, Huy chương vàng môn Toán học; Trần Hữu Bình Minh, Huy chương vàng môn Vật lý; Phan Tuấn Linh, Huy chương bạc môn Vật lý; Hoàng Nghĩa Tuyến, Huy chương bạc môn Hóa học). Trong khi đó, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên cả ba học sinh dự thi đều đoạt Huy chương vàng (Tạ Bá Dũng, Huy chương vàng môn Vật lý; Đinh Quang Hiếu và Phạm Đức Anh, Huy chương vàng môn Hóa học). Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đoạt hai Huy chương vàng, một Huy chương bạc (Nguyễn Bằng Thanh Lâm, Huy chương vàng môn Hóa học; Đinh Anh Dũng, Huy chương vàng môn Vật lý; Phạm Nam Khánh, Huy chương bạc môn Toán học).

Có hai học sinh hai năm liên tiếp (năm 2016 và 2017) đoạt Huy chương vàng quốc tế là (Đinh Quang Hiếu, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Huy chương vàng môn Hóa học; Nguyễn Thế Quỳnh, Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp (Quảng Bình) Huy chương vàng môn Vật lý).

Nâng cao giáo dục toàn diện và mũi nhọn

Theo PGS, TS Lê Anh Vinh, Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Ô-lim-pích Toán học quốc tế năm 2017, đoàn Việt Nam năm nay được chuẩn bị chu đáo với khoảng hơn 20 giảng viên đại học và giáo viên THPT tập trung ôn luyện cho học sinh trong thời gian khoảng hai tháng. Cả sáu học sinh trong đội tuyển đều nỗ lực học tập, ôn luyện tốt và có ý thức tự học, tìm tòi, sáng tạo. Quá trình ôn luyện, em nào yếu, mạnh ở điểm nào đều được các thầy giáo, cô giáo bổ sung, nâng cao kiến thức, năng lực. Ngoài ra, trong quá trình ôn luyện, các em cũng hỗ trợ nhau khá tốt vì mỗi em có một thế mạnh riêng. Trong mỗi kỳ thi của đoàn, điều lo lắng nhất là ảnh hưởng tâm lý căng thẳng, các em sẽ không phát huy được hết năng lực, sở trường của mình. Tuy nhiên, kỳ thi năm nay, cả sáu học sinh đều khá vững vàng, nỗ lực làm bài tốt nhất và đạt kết quả cao. Đây là kết quả cao nhất trong lịch sử 43 lần dự thi Ô-lim-pích Toán học quốc tế của đội tuyển quốc gia Việt Nam. Trong khi đó, PGS, TS Nguyễn Thế Khôi, Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Ô-lim-pích Vật lý quốc tế năm 2017 cho biết, điều đáng mừng khi cả năm học sinh Việt Nam dự thi đều đoạt giải cao. Kết quả thể hiện nỗ lực rất lớn của học sinh, chứng tỏ các em đã chuẩn bị rất tốt, tự tin dự thi ở “đấu trường” quốc tế.

Theo PGS, TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ GD và ĐT), các đoàn dự thi nêu trên đã tỏa sáng trí tuệ Việt Nam trên “đấu trường” quốc tế. Thành tích của các đoàn thể hiện sự định hướng đúng đắn của Bộ GD và ĐT trong những năm qua, nhất là từ khi ngành GD và ĐT thực hiện việc đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT. Theo đó, trên cơ sở làm tốt giáo dục đại trà, các địa phương còn làm tốt giáo dục mũi nhọn nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và phát triển nhân tài. Bộ GD và ĐT không bất ngờ về thành tích của các đoàn vì đây là kết quả tất yếu bởi sự nỗ lực của các nhà trường, sự quan tâm của địa phương, nhất là nỗ lực của học sinh và sự hy sinh, chăm sóc của gia đình.

Cũng theo PGS, TS Mai Văn Trinh: Có nhiều nguyên nhân tác động để làm nên thành tích đáng tự hào. Trước hết là những nỗ lực, cố gắng vượt bậc, đặc biệt là niềm đam mê khoa học và sự sáng tạo trong học tập, rèn luyện của các em học sinh trong các đội tuyển quốc gia. Bên cạnh đó, năm 2017, Bộ GD và ĐT chủ trương tổ chức sớm kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia để tăng thời gian tập huấn các đội tuyển quốc gia dự thi Ô-lim-pích khu vực và quốc tế; có kế hoạch, chương trình tập huấn cụ thể ở các môn; tiếp cận dần với hình thức thi của khu vực và quốc tế. Mặt khác, việc tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác coi thi, chấm thi các vòng chọn học sinh giỏi bảo đảm khách quan, trung thực, đánh giá đúng trình độ học sinh để chọn được những học sinh giỏi nhất tham dự Ô-lim-pích khu vực và quốc tế.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/giaoduc/item/33642502-chien-thang-cua-tri-tue-viet-nam.html