Chiến thắng 'con ma rừng', đôi vợ chồng 'đũa lệch' tìm thấy hạnh phúc

Sỏi đá cũng cần có nhau, tình người và sự cảm thông đã giúp cho hai mảnh đời bất hạnh - cùng bị bệnh phong - vượt lên rào cản dân tộc, ngôn ngữ, định kiến xã hội để vun đắp hạnh phúc…

Vợ chồng ông Sung - bà Wẹ.

Bị đuổi khỏi làng vì nghi là “con ma rừng”

Dọc theo con đường bêtông nhỏ chạy giữa những dãy nhà cũ kỹ, chúng tôi tìm tới làng phong Quy Hòa (TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định). Làng về trưa càng yên bình. Bất chợt, chúng tôi bắt gặp hình ảnh một người đàn ông tật nguyền đang vá xe đạp. Đó là ông Phạm Văn Sung (SN 1972, người dân tộc Hrê, quê ở tỉnh Quảng Ngãi). Ông là con trai cả trong gia đình có 4 anh em. Nhà nghèo, cha mẹ ông phải làm thuê làm mướn khắp nơi. Cuộc sống du canh du cư nên ông Sung chẳng được học hành, các em cũng đều mù chữ. Ông Sung lớn lên như chim trên rừng, như cá dưới suối, cùng bạn bè hăng say làm nương rẫy, săn bắn thú rừng, chăn trâu thuê kiếm cái ăn về cho gia đình.

Năm 15 tuổi, ông Sung đột nhiên bị tê nhức tay chân, căn bệnh lạ mỗi tháng tái phát một lần. Chẳng ai biết ông bị bệnh gì, gia đình cũng không biết đường thuốc thang. Đến khi bàn tay phải mất đi cảm giác, gia đình hoảng quá mới mời thầy cúng về đẩy “con bệnh” ra khỏi người. “Dân làng thấy vậy bảo rằng, “con ma rừng” sẽ ăn dần thịt của tôi nên cần phải cách ly. Trước sức ép của dân làng, gia đình phải cất một cái chòi riêng ở ngoài rẫy cho tôi ở, nhằm tránh “con ma rừng” từ trong người tôi chạy đến lây bệnh cho người làng”, ông Sung cho biết.

Sống lủi thủi ở chòi hơn 13 năm, đến cuối năm 2000, ông Sung lên cơn sốt. Đêm đó, ông ngủ quên, tay phải vô tình thò vào bếp lửa nhưng vì mất hết cảm giác nên ông không hề hay biết. Đến khi nghe nóng bật dậy thì bàn tay đã bị cháy hết mấy ngón. “Phát hiện mấy ngón tay cháy hết, tôi sợ quá vừa chạy vừa kêu cứu. Gặp suối nước, tôi nhúng tay vào, toàn thân tôi lúc đó đau nhức. Cố gắng đi về làng, nhưng nhìn thấy tôi, người làng liền hắt hủi. Họ bảo kiếp trước tôi là “con ma rừng” hại người nên kiếp này bị “con ma rừng” nó hại lại. Ngay cả già làng đứng ra khuyên giải, người làng cũng không chịu tin”, ông Sung kể.

Ngay sau đó, chính quyền địa phương phối hợp với gia đình đưa ông Sung đi điều trị. Nhờ vậy, ông được phát hiện mắc bệnh phong và cho uống thuốc cầm chừng. Tuy nhiên, dân làng xa lánh, xua đuổi ông lên rừng vì sợ bị lây bệnh. Không còn cách nào khác, ông Sung phải trở lại sống ở cái chòi trên rẫy trước đây.

“Bây giờ, nhắc lại chuyện cũ chỉ càng thêm đau lòng, nhưng đó là một phần quá khứ của tôi. Dù không muốn nhưng mỗi lần tâm trí gợi lại những ngày tháng cơ cực ấy là mỗi lần nước mắt tôi như chực trào. Nói thật, lúc ấy tôi chết cũng dễ lắm, chỉ cần ăn một nắm cây độc trên rừng là xong ngay. Nhưng tôi nghĩ phải cố gắng mà sống, chứ chết thì dân làng sẽ nguyền rủa gia đình tôi, có khi còn trục xuất khỏi buôn làng” - ông Sung buồn bã nhớ lại.

Cuối năm 2003, ông được một bác sĩ tốt bụng thương tình đưa xuống làng phong Quy Hòa để điều trị. Khi nhập viện, chân phải của ông đã hoại tử nên phải cắt bỏ cẳng chân. Ba năm sau đó, ông Sung lại phải cắt chân lần thứ 2. “Từ đó đến nay, chân tay tôi không bị cắt lần nào nữa, cũng không còn đau nhức như xưa. Tôi vô cùng cảm ơn các bác sĩ đã tận tình điều trị cho tôi. Tôi như được sống lại lần hai”, ông Sung cho biết.

Vợ chồng ông Sung sống ở ngôi nhà tập thể được bệnh viện cấp.

Sỏi đá cũng cần có nhau

Suốt thời gian dài sống ở làng phong Quy Hòa, ông Sung vẫn một thân một mình. Đến năm 2011, ông mới tìm được “nửa kia”. Năm đó, bệnh viện tiếp nhận một nữ bệnh nhân tên Ka Wẹ (SN 1963, người dân tộc Châu Mạ, quê ở tỉnh Lâm Đồng). Bà Wẹ vốn có chồng và 4 người con nhưng năm 30 tuổi chẳng may mắc bệnh phong, thuốc thang không đỡ. Sau khi uống thuốc từ lá rừng không khỏi, gia đình mời thầy về cúng bái. Cầu cạnh nhiều thầy bói nhưng tay chân vẫn không bớt mà còn bị nứt nẻ, hoại tử, năm bà Wẹ 40 tuổi đã bị người chồng xua đuổi ra khỏi nhà vì cho rằng bà bị “con ma rừng” hãm hại, gieo rắc tai họa. Bị người thân và làng bản hắt hủi, bà Wẹ lủi thủi khắp rừng kia núi nọ một thời gian dài rồi trôi dạt xuống Quy Hòa.

Ngày xuống Quy Hòa, bà Wẹ quên mang theo cục sạc điện thoại. Đến khi máy hết pin, bà đi mượn các bệnh nhân nhưng chỉ có ông Sung dùng cùng loại sạc. Ban đầu, bà ái ngại nên phải nhờ mọi người mượn giúp. Sau thấy ông Sung tốt bụng, bà mới ngỏ lời làm quen, hai người xin số điện thoại trò chuyện. Sau một tháng chữa trị, bà Wẹ được xuất viện và trở về Lâm Đồng. Khi đã cách xa hàng trăm cây số, hai người mới nhận ra tình cảm dành cho nhau. Bà Wẹ gọi điện thể hiện tình cảm với ông Sung. “Bà ấy gọi điện xuống bảo là nhớ tôi quá. Lúc ấy tôi cũng có tình cảm với bà ấy nên bảo nhớ thì xuống lại Quy Hòa đi. Bà ấy đồng ý rồi sau đó xuống thật. Thế là rổ rá cạp lại, thành vợ thành chồng”, ông Sung vừa kể vừa nhìn vợ tươi cười.

Từ năm 2012, ông Sung đưa bà Wẹ về sống chung trong ngôi nhà do bệnh viện cấp. Ông bị tàn tật đôi chân nên được bệnh viện cho làm công việc chăm sóc vườn cây với số tiền 600.000 đồng/tháng. Bà Wẹ bị liệt một bàn tay, đôi chân vì bệnh phong nên đi khập khiễng nhưng vẫn sớm tối đi nhặt nhạnh ve chai. Cuộc sống hiện tại dù vất vả, khó khăn nhưng hai vợ chồng đều mãn nguyện. Bà Wẹ từng một lần trắc trở tình duyên nên trân trọng hạnh phúc hiện tại, ông Sung thì đã qua con dốc cuộc đời mới có được mái ấm nên cũng không mong gì hơn.

Lúc chúng tôi ngỏ ý chụp hình hai vợ chồng, bà Wẹ ân cần dìu chồng ngồi lên giường. Hai vợ chồng vừa tươi cười nhìn nhau vừa như tỏ vẻ ái ngại trước ống kính. Trong lúc chụp ảnh, ông Sung lấy bàn tay trần trụi nhẹ nhàng vén tóc vợ, bà Wẹ cũng ngồi im để chồng sửa lại mái đầu. Có lẽ, chỉ khi nhìn khoảnh khắc yêu thương của hai vợ chồng họ, mới thấy được tình cảm mà họ dành cho nhau nhiều như thế nào.

Ông Trần Công Nghĩa - Chủ tịch Hội đồng bệnh nhân phong ở Quy Hòa - cho biết: “Làng phong Quy Hòa hình thành hơn nửa thế kỷ, tập trung không biết bao nhiêu bệnh nhân tới đây điều trị, sinh sống. Đã có thời điểm ngôi làng nhỏ bé này có tới cả nghìn bệnh nhân. Ngoài vợ chồng ông Sung - bà Wẹ, ở đây còn có rất nhiều trường hợp người Kinh lập gia đình với người dân tộc thiểu số. Dù có nhiều bất đồng về ngôn ngữ, văn hóa nhưng họ biết yêu thương, nương tựa nhau để sống, để hòa nhập tốt với cộng đồng”.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-doi-song/chien-thang-con-ma-rung-doi-vo-chong-dua-lech-tim-thay-hanh-phuc-586691.bld