Chiến thắng bất ngờ của Thủ tướng Thái

Chính quyền của nữ Thủ tướng Thái Lan xinh đẹp Yingluck Shinawatra hôm qua (12/2) đã bất ngờ giành được một chiến thắng quan trọng trong cuộc “đấu” với phe biểu tình nhằm thành lập một chính phủ mới.

Nữ Thủ tướng xinh đẹp Yingluck của Thái Lan

Theo đó, Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã chính thức bác bỏ đơn kiện đòi hủy bỏ cuộc bầu cử ngày 2/2 vừa rồi của Đảng Dân chủ đối lập.
Tòa án Hiến pháp Thái Lan tuyên bố, họ không phát hiện được các bằng chứng hay lý do gì cho thấy, cuộc tổng tuyển cử diễn ra hôm 2/2 vi phạm Hiến pháp.
Trước đó, Đảng Dân chủ đối lập đã phát đơn kiện đòi hủy bỏ cuộc bầu cử vì nhiều lý do, trong đó có lý do cuộc bầu cử này không được hoàn tất trong một ngày như quy định của Hiến pháp. Tuy nhiên, chính phủ đã đáp trả bằng lập luận, sở dĩ cuộc tổng tuyển cử không được hoàn thành trong một ngày là do các hành động cản trở, quấy phá của những người biểu tình.
Không dễ để có thể hiểu được tường tận lý do đằng sau phán quyết mới nhất nói trên của một tòa án hiến pháp đã từng truất quyền một Thủ tướng chỉ vì ông này xuất hiện trên một chương trình nấu ăn trên đài truyền hình. Cũng chính tòa án này gần đây đã ra phán quyết rằng Thái Lan chư sẵn sàng cho việc xây dựng đường sắt cao tốc trong khi vẫn còn nhiều con đường chưa được trải nhựa.
Tuy nhiên, cơ quan quan trọng trên được tạo ra để kiểm soát quyền lực của các chính phủ được bầu và nó đóng một vai trò then chốt trong lịch sử Thái Lan gần đây. Hầu như tất cả các phán quyết lớn của Tòa án Hiến pháp Thái Lan đều không có lợi cho đảng Pheu Thai cầm quyền và “ông chủ của đảng” – cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.
Giới lãnh đạo Đảng Dân chủ đối lập từng rất tự tin cho rằng, cuộc bầu cử hôm 2/2 vừa rồi chắc chắn sẽ bị tòa án tuyên bố hủy bỏ. Vì thế, việc Tòa án Hiến pháp bác bỏ đơn kiện của Đảng Dân chủ gây ngạc nhiên lớn và nó được coi là một chiến thắng hoàn toàn bất ngờ cũng như rất quan trọng cho nữ Thủ tướng Yingluck.
Trước đó, chính phủ của bà Yingluck đã có những thời gian căng thẳng, hồi hộp bởi Tòa án Hiến pháp thường không đứng về phe của bà và tòa án này cũng từng ra phán quyết hủy bỏ một cuộc bầu cử cách đây 7 năm chỉ vì một số điều phạm quy vặt vãnh.
Tòa án Hiến pháp Thái Lan cũng từng hai lần giải tán các đảng tiền thân của Đảng Pheu Thai hiện nay và hai lần truất quyền Thủ tướng thân Thaksin.
Phán quyết của Tòa án Hiến pháp Thái Lan ngày hôm qua đã mở đường cho chính phủ tiến hành các cuộc bỏ phiếu mới ở những đơn vị bầu cử bị ngăn trở bởi người biểu tình hôm 2/2 vừa rồi.
Mặc dù bị xử thua lần này nhưng phe đối lập vẫn còn trông chờ vào con đường pháp lý để lật đổ chính quyền của nữ Thủ tướng Yingluck. Người đứng đầu nhóm cố vấn pháp lý của Đảng Dân chủ - ông Wiratana Kalayasri vừa mới đây đã tuyên bố, ông “tôn trọng quan điểm của tòa án” những sẽ tiếp tục phát đơn kiện nếu “chính phủ mắc thêm các sai lầm”.
Hiện tại, Thủ tướng Yingluck và chính phủ của bà vẫn còn phải đối mặt với một loạt thách thức pháp lý khác liên quan đến chương trình trợ cấp giá gạo cho người nông dân và cáo buộc về tham nhũng...
Ngoài phán quyết gây bất lợi cho Đảng Dân chủ đối lập, Tòa án Hiến pháp hôm qua cũng ra một phán quyết có lợi cho đảng này. Theo đó, tòa án Thái Lan cũng bác bỏ cáo buộc của Đảng Pheu Thai cầm quyền cho rằng thái độ của Đảng Dân chủ đối với cuộc bầu cử vừa rồi là không hợp hiến. Tòa án Hiến pháp cũng tuyên bố, những cuộc biểu tình chống phá cuộc bầu cử hôm 2/2 là hợp pháp.
Chính trường Thái Lan tiếp tục tê liệt
Tuy đã giành được thắng lợi trong việc đảm bảo tính hợp pháp cho cuộc tổng tuyển cử mới đây nhưng chính quyền của nữ Thủ tướng Yingluck vẫn còn một con đường dài phía trước phải vượt qua trước khi đến được cái đích là thiết lập một chính phủ mới.
Ủy ban Bầu cử Thái Lan hôm 11/2 cho biết, cơ quan này sẽ cố gắng hoàn tất cuộc bầu cử bị phá quấy vừa rồi vào cuối tháng 4. Như vậy, đất nước Thái Lan tiếp tục phải đối mặt với tình trạng tê liệt chính trị trong vòng 2,5 tháng nữa với một chính phủ tạm thời có quyền lực hạn chế.
Những người biểu tình đã tìm cách lật đổ chính phủ của nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra từ hồi tháng 11 năm ngoái. Trong một nỗ lực nhằm tháo gỡ cuộc khủng hoảng chính trị, bà Yingluck đã tổ chức một cuộc bầu cử sớm hôm 2/2 vừa rồi. Tuy nhiên, lực lượng biểu tình đã tiến hành các hoạt động chống phá ở 1/5 số đơn vị bầu cử, khiến hàng triệu cử tri không được thực hiện quyền bỏ phiếu của mình. Điều này đồng nghĩa với việc Quốc hội Thái Lan không có được đủ số đại biểu cần thiết để có thể làm việc và thiết lập một chính phủ mới.
"Hoạt động bỏ phiếu ở các đơn vị bầu cử bị cản trở hôm 2/2 sẽ được tổ chức lại vào ngày 27/4 tới", một quan chức của Ủy ban Bầu cử Thái Lan Somchai Srisutthiyakorn thông báo.
Tuy nhiên, Ủy ban Bầu cử Thái Lan vẫn chưa đưa ra được quyết định liên quan đến việc 28 đơn vị bầu cử không có ứng cử viên tham gia vì sự tẩy chay của Đảng Dân chủ đối lập.
Trong khi đó, lực lượng biểu tình tuyên bố sẽ tiếp tục chiến dịch của họ nhằm gây sức ép đến cùng, buộc bà Yingluck phải ra đi. Với diễn biến như thế này, chính trường Thái Lan được cho là còn tê liệt trong thời gian dài dài.

Kiệt Linh - (tổng hợp)

Nguồn VnMedia: http://www6.vnmedia.vn/vn/quoc-te/tin-tuc/17_2171974/chien_thang_bat_ngo_cua_thu_tuong_thai.html