Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội đến năm 2030

Đến 2030, mức thu nhập bình quân đầu người của Hà Nội phấn đấu đạt 12.000 USD/năm, tăng gấp 7 lần so với năm 2010. Đến năm 2050 Hà Nội sẽ là thành phố giàu, đẹp, văn hiến, văn minh, thanh lịch và hiện đại. Hà Nội cũng sẽ trở thành trung tâm sáng tạo hàng đầu của cả nước với nhiều lĩnh vực đạt trình độ quốc tế… Đây là một phần trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được HĐND thành phố Hà Nội thông qua. Để đạt được mục tiêu này, theo nhiều đại biểu HĐND, thành phố cần chọn khâu đột phá vào chính quyền đô thị.

Theo Báo cáo về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 của UBND thành phố trình tại kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội: Mục tiêu dài hạn-tầm nhìn đến năm 2050 là đưa Hà Nội thành đô thị đặc biệt, giàu, đẹp, văn hiến, văn minh, thanh lịch, dân tộc và hiện đại, tiêu biểu cho cả nước. Hà Nội sẽ trở thành trung tâm văn hóa lớn, nơi hội tụ các giá trị văn hóa truyền thống, hiện đại đặc sắc của Việt Nam. Thủ đô sẽ là trung tâm sáng tạo hàng đầu của cả nước với nhiều lĩnh vực đạt trình độ quốc tế. Không những thế, Hà Nội sẽ còn là trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ và thương mại lớn nhất ở phía Bắc, thứ hai của cả nước và có vị trí cao trong khu vực, kinh tế tri thức phát triển với cơ cấu hiện đại, năng động và hiệu quả, về cơ bản không còn khoảng cách giữa đô thị và nông thôn. Hệ thống kết cấu hạ tầng đa dạng, hiện đại, đồng bộ liên hoàn kết nối thông suốt trong thành phố và với tất cả các địa phương trong nước và quốc tế. Hà Nội đi đầu về phát triển xã hội, thực hiện an sinh xã hội và là trung tâm giao dịch quốc tế chính của cả nước và giao dịch quốc tế quan trọng trong khu vực. Năm 2050, Hà Nội sẽ là thành phố xanh, kết hợp hài hòa giữa các đô thị và khu vực nông thôn với hệ sinh thái bền vững, sạch, đẹp, môi trường được bảo vệ tốt; là khu vực phòng thủ vững mạnh, an ninh chính trị được đảm bảo; “Thành phố Hòa Bình”, trật tự an toàn xã hội tốt. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, Hà Nội phấn đấu có tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) bình quân hàng năm từ 9 đến 10% (thời kỳ 2011-2020) và từ 7,5 đến 8,5% (thời kỳ 2021-2030). GDP (theo giá so sánh) năm 2020 tăng khoảng từ 2,5 đến 2,7 lần so năm 2010 và năm 2030 tăng từ 2,2 đến 2,4 lần so năm 2020. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) bình quân đầu người năm 2020 đạt khoảng 5.100 đến 5.300 USD, năm 2030 đạt khoảng 12.000 USD, cao gấp 7 lần so với hiện nay. Cơ cấu lao động năm 2020 của Thủ đô sẽ là: Dịch vụ 55-56%; công nghiệp-xây dựng 29-30%; nông nghiệp 14-16%; năm 2030 tương ứng là: 59-60%; 34-35% và 5-6%. Quy mô dân số năm 2020 của Hà Nội sẽ vào khoảng 8 triệu người, tỷ lệ dân số đô thị khoảng 54-55%; năm 2030 khoảng 9,5 triệu người, tỷ lệ dân số đô thị khoảng 67-70%. Chỉ số phát triển con người (HDI) đạt khoảng 0,86-0,90. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực đô thị năm 2020 dưới 5%. Hệ thống giáo dục và đào tạo của Hà Nội cũng sẽ được chuẩn hóa, tiên tiến và hiện đại. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2020 dự kiến đạt 70-75% và năm 2030 là khoảng 85-90%. Hà Nội cũng sẽ đảm bảo cho người dân được sống trong môi trường an toàn. Ô nhiễm không khí được duy trì ở dưới mức cho phép, đảm bảo diện tích cây xanh bình quân đầu người đạt khoảng 10m2 kể từ năm 2020 trở về sau. Bảo đảm 100% người dân được chăm sóc sức khỏe, tuổi thọ trung bình khoảng 80 tuổi. Đề án Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được các đại biểu HĐND thành phố trong kỳ họp đánh giá cao và cơ bản đồng tình. Tuy nhiên, thảo luận về đề án, nhiều đại biểu cho rằng, để đề án thành hiện thực, thành phố phải chọn khâu đột phá, trong đó cần phải nâng cao trình độ, hiệu quả và hiệu lực bộ máy chính quyền, đổi mới mô hình quản lý đô thị gắn với hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính; Xây dựng và thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội. Đại biểu Ngô Văn Ny cho rằng: “Khi có đường lối đúng, có chiến lược quy hoạch đầy đủ mà cán bộ bố trí không tốt, vẫn chạy theo tư duy nhiệm kỳ, chưa thực sự năng động, sáng tạo thì không thể phát triển kinh tế, xã hội được”. Một số đại biểu phân tích: Thực tế phát triển của Thủ đô trong thời gian qua cho thấy, ở đâu chính quyền cơ sở mạnh, tuân thủ nghiêm pháp luật, tôn trọng dân thì ở đó kỷ cương phép nước được thực hiện nghiêm. Chính quyền cơ sở lơ là là tình trạng xây dựng trái phép, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường diễn ra. Do vậy, thành phố cần chọn khâu đột phá là xây dựng chính quyền đô thị mạnh. Được biết, trong dự án Luật Thủ đô dự kiến trình Quốc hội trong kỳ họp tới, vấn đề xây dựng chính quyền đô thị đặc thù của Thủ đô sẽ có những quy định cụ thể, tạo hành lang pháp lý cho các cấp chính quyền ở Hà Nội hoạt động hiệu quả hơn. Tuy nhiên, vấn đề quyết định là việc lựa chọn những con người cụ thể ở các cơ quan bộ máy này. Đỗ Phú Thọ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/2/97/97/110831/Default.aspx