Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam

QĐND - Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 (sau đây gọi tắt là Chiến lược). Chiến lược có mục tiêu chung là xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội. Để đạt được mục tiêu chung này, chiến lược đã đề ra 3 mục tiêu cụ thể với nhiều chỉ tiêu bao quát vấn đề của gia đình và xã hội. Chiến lược cũng đề ra 10 nhóm giải pháp, trong đó có những giải pháp mới, thiết thực. Hy vọng cùng với 7 đề án được thực hiện trong khuôn khổ của Chiến lược sẽ là liệu pháp “gạn đục khơi trong” giúp giải quyết những vấn đề của gia đình, làm cho gia đình Việt Nam thêm tiến bộ, hạnh phúc.

QĐND - Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 (sau đây gọi tắt là Chiến lược). Chiến lược có mục tiêu chung là xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội. Để đạt được mục tiêu chung này, chiến lược đã đề ra 3 mục tiêu cụ thể với nhiều chỉ tiêu bao quát vấn đề của gia đình và xã hội. Chiến lược cũng đề ra 10 nhóm giải pháp, trong đó có những giải pháp mới, thiết thực. Hy vọng cùng với 7 đề án được thực hiện trong khuôn khổ của Chiến lược sẽ là liệu pháp “gạn đục khơi trong” giúp giải quyết những vấn đề của gia đình, làm cho gia đình Việt Nam thêm tiến bộ, hạnh phúc.

Triển vọng thực thi những giải pháp

Bà Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VH-TT và DL) khẳng định, những giải pháp của Chiến lược đã được nghiên cứu kỹ lưỡng và chi tiết trong quá trình xây dựng Chiến lược. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện Chiến lược từ nay đến năm 2020 (được chia thành hai giai đoạn: 2012-2015 và 2016-2020) hằng năm sẽ có hoạt động sơ kết, bổ sung giải pháp để phù hợp với điều kiện thực tế. Chúng tôi cho rằng, về cơ bản nhiều giải pháp phù hợp và có khả năng thành công trong điều kiện hiện nay. Cụ thể, Chiến lược nhắc tới những giải pháp về lãnh đạo, tổ chức, quản lý; tuyên truyền vận động; giáo dục và cung cấp kiến thức về xây dựng gia đình; chương trình về an sinh xã hội... đã chỉ ra được cách bố trí nguồn lực, đội ngũ thực hiện. Tuy nhiên, điều băn khoăn cũng nảy sinh vì lực lượng này còn mỏng, cần phải có thêm lực lượng cộng tác viên hỗ trợ.

Rộn ràng ngày gặp gỡ trên đảo Song Tử Tây. Ảnh: Minh Trường.

Bà Trần Tuyết Ánh cho biết thêm: “Đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình hiện nay tại 63 tỉnh, thành phố đã có Phòng Nếp sống gia đình thuộc các sở VH-TT và DL. Mỗi phòng bố trí 2 đến 3 chuyên viên phụ trách mảng gia đình hoạt động dưới sự phụ trách của phó giám đốc sở. Hiện còn thiếu mạng lưới cán bộ ở cấp xã, chúng tôi đang phấn đấu xây dựng từ nay đến năm 2015 sẽ có hệ thống cộng tác viên ở chính quyền cấp xã”.

Được biết hiện nay ở cấp xã, phường, các cán bộ phụ nữ thường được giao nhiệm vụ “kiêm nhiệm” về lĩnh vực gia đình. Song công việc này cũng rất đơn sơ, phần nhiều mang hình thức trao đổi tâm tư tình cảm. Tài liệu quá lắm cũng chỉ vài ba đầu sách được giữ tại văn phòng. Nếu trong tương lai, đội ngũ cộng tác viên ở cấp xã, phường được đào tạo và hưởng lương chắc chắn ta sẽ có một mạng lưới chuyên sâu các “chuyên viên” tư vấn về gia đình.

Chiến lược cũng nhắc đến việc hỗ trợ các gia đình phát triển kinh tế. Đây là điều không mới mẻ vì hiện nay đã có rất nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp lớn của Nhà nước nhằm xóa đói giảm nghèo. Song điểm mới đáng nói của Chiến lược chính là chủ trương xã hội hóa hoạt động này. Theo đó, gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư và các tổ chức xã hội được khuyến khích hỗ trợ các gia đình phát triển kinh tế. Tôi thấy đây là một điều khá thú vị và có tâm sự với một anh bạn làm doanh nghiệp. Anh này nói: Nếu hỗ trợ gia đình phát triển kinh tế mà được giảm thuế thì bất cứ doanh nghiệp nào cũng mong muốn làm. Ngẫm ra điều này rất có lý, rất có cơ sở hiện thực.

Hiệu quả xã hội của Chiến lược

Nhiều đại biểu tham dự lễ công bố Chiến lược có tâm sự chung: Đáng ra chúng ta phải có chiến lược này từ lâu rồi mới phải. Đại diện Hội Nhà báo Việt Nam, ông Lê Văn Thiềng tâm sự rằng, ông rất bức xúc với nhiều tờ báo hiện nay đưa quá nhiều tin tức liên quan đến những vấn đề loạn luân, bạo lực gia đình giống như một “chiêu” câu khách. Theo ông Thiềng, những loại tin tức này sẽ xâm hại gia đình Việt Nam. Ông nói: “Chúng tôi rất mong giải báo chí quốc gia có nhiều bài viết về vấn đề gia đình được giải cao. Thêm nữa, Ban Chỉ đạo thực hiện Chiến lược rất nên có những lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho những nhà báo viết về vấn đề gia đình”.

Rõ ràng, mảng đề tài gia đình được báo giới quan tâm khai thác. Song thay vì tuyên dương những gia đình hạnh phúc, ấm no thì không ít tờ báo lại tập trung khai thác những vấn đề tiêu cực của gia đình. Hiện tượng này gây ra một hiệu ứng tiêu cực trong xã hội. Nếu không có những giải pháp hiệu quả, hợp lý, hiệu ứng tiêu cực này sẽ trở thành định kiến xã hội. Định kiến xã hội giống như hòn đá tảng, khó phá vỡ.

Có người băn khoăn rằng việc xây dựng cơ sở dữ liệu về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình sẽ được thực hiện như thế nào? Chúng tôi cho rằng ngoài việc tập hợp những tấm gương, điển hình về gia đình, dòng họ để in sách làm tài liệu tuyên truyền chúng ta còn cần cả một hệ thống tài liệu đưa ra những bài học răn đe chống lại những cá nhân có hành vi phá hoại gia đình. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo cũng nên có những vệt đợt, phát động toàn thể xã hội làm tốt công tác gia đình thông qua các hình thức thi trên sách, báo, nêu gương điển hình tiên tiến, đưa những vấn đề gia đình vào dạy tại các trường học như hoạt động ngoại khóa; hoặc các hình thức tổ chức câu lạc bộ, hội, nhóm... sẽ rất cần thiết đối với xã hội.

Một điểm mới được đề cập đến trong Chiến lược là xây dựng mạng lưới cung cấp dịch vụ gia đình. Đó là những dịch vụ về chăm sóc người cao tuổi, bệnh nhân, giúp việc gia đình, hỗ trợ bình đẳng giới, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình v.v.. Bà Trần Tuyết Ánh cho biết, đây là vấn đề mới mẻ ở Việt Nam. Trong năm 2013, Vụ Gia đình sẽ khảo sát và phát triển mạng lưới dịch vụ này. Nếu trong tương lai mạng lưới dịch vụ gia đình này phát triển thành công thì sẽ tạo ra nhiều việc làm cho xã hội. Có người nói vui: Những ông chồng hay hành hung vợ có thể sẽ phải dè chừng với dịch vụ vệ sĩ chống bạo hành gia đình.

Người Việt Nam với truyền thống trọng tình sẽ luôn muốn đề cao cái tôi trong việc tạo dựng hạnh phúc. Chiến lược có thể sẽ tạo ra nhiều công cụ mạnh, song ý thức của mỗi người giữ gìn ngọn lửa hạnh phúc trong chính gia đình mình luôn quan trọng!

Các hoạt động nhân ngày Gia đình Việt Nam 28-6

Từ ngày 26 đến 28-6, tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa - Nghệ thuật Việt Nam sẽ có Ngày hội Gia đình Việt Nam năm 2012 với nhiều hoạt động phong phú bổ ích dành cho nhiều lứa tuổi như biểu diễn hát ru, mừng thọ cựu chiến binh, hội thi “phụ nữ với gia đình”, tọa đàm về gia đình trẻ và nhiều hoạt động văn hóa, thể thao...

Ngày 28-6, tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, 8 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội sẽ diễn ra chương trình kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam với các hoạt động: Ký kết chương trình phối hợp về công tác gia đình giữa Bộ VH-TT và DL và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, trao thưởng cuộc thi vẽ tranh của thiếu nhi: Hạnh phúc gia đình trong mắt tuổi thơ.

Lê Đông Hà

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/7/22/22/194461/Default.aspx