Chiến lược của Trump-Clinton cho Syria: Xấu và tệ hại?

Giới quan sát nhận định, cả Donald Trump và Hillary Clinton đều có cho mình những chiến lược tệ hại. Không những thiếu hiệu quả mà còn khiến cuộc nội chiến ở Syria bùng nổ thêm.

Trong một số phát ngôn và các cuộc tranh luận gần dây, nhà tài phiệt Mỹ Donald Trump đã nhiều lần đề xuất và ủng hộ cho ý tưởng về một "khu an toàn" dành cho Syria, nhằm cách ly bạo lực ra khỏi thường dân.

Donald Trump và Hillary Clinton muốn lập "khu an toàn" và "vùng cấm bay" ở Syria.

Theo đó, khu vực này sẽ được thiết lập tại một vùng lãnh thổ phù hợp, nằm ngay bên trong đất nước, nơi toàn bộ những người tị nạn hiện nay sẽ tập trung cư trú tại đây thay vì phải chạy trốn sang châu Âu hay các quốc gia khác.

Trump chưa đưa ra được chi tiết về làm thế nào một khu vực như vậy sẽ được tạo ra, hoặc nó sẽ được tài trợ bởi ai. Tuy nhiên ông vẫn kêu gọi chính phủ Mỹ nên chấp nhận sáng kiến này và cho biết sẽ yêu cầu các quốc gia vùng Vịnh phải hỗ trợ chi phí để thực hiện kế hoạch.

Reuters dẫn lời Peter Van Buren, một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng, sáng kiến của Trump khá thú vị nhưng không khả thi khi thiếu trong đó tính chất “an toàn” như cái tên của nó.

Theo ông, trong bối cảnh Syria hiện tại, khó ai có thể tạo ra một khu vực an toàn mà không bao gồm cả các hoạt động hạn chế quân sự bắt buộc.

Về phía mình, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton lại muốn Syria sẽ thiết lâp một "vùng cấm bay" như từng thực hiện tại Lybia hồi năm 2011.

Bà cho rằng đây là cách tốt nhất để thực hiện cứu trợ nhân đạo và hạn chế tác động từ các hoạt động không kích.

Theo kế hoạch của bà Clinton, một phần không phận quốc gia Syria sẽ cách ly hoàn toàn với cả máy bay của Mỹ và đồng minh, còn các chiến đấu cơ của Nga hay máy bay trực thăng của chính phủ Syria nếu xâm nhập sẽ có nguy cơ bị bắn hạ.

Theo đánh giá của cựu quan chức ngoại giao Mỹ, kế hoạch của cả hai dù nghe có vẻ hợp lý nhưng trên thực tế "vùng cấm bay" của bà Clinton hay "khu an toàn" của Trump chẳng những không là giải pháp chấm dứt xung đột mà còn mở rộng nội chiến ở Syria với quy mô ngày càng lớn hơn.

Tướng Martin Dempsey, chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ từng giải thích hồi năm 2012 rằng, nếu lập một vùng cấm bay nói trên, nó cần phải đòi hỏi một lực lượng lên tới 70.000 lính mới có thể đủ sức dỡ bỏ hệ thống phòng không của Syria nhằm loại trừ khả năng lực lượng quân chính phủ nhắm bắn mục tiêu máy bay Mỹ.

Tuy nhiên, một cuộc tấn công quy mô cực lớn như vậy chắc chắn sẽ vấp phải một phản ứng dữ dội từ Nga.

Cùng với đó, dù là "vùng cấm bay" hay "khu an toàn" thì đây đều là động thái thách thức đối với Moscow khi Mỹ tập trung tiềm lực kiểm soát một lãnh thổ riêng ở Syria bị coi là nguy cơ tiềm ẩn đối với chính phủ Assad.

“Vùng cấm bay” ở Syria sẽ là động thái gây xung đột trực tiếp với Nga.

Ngoài ra việc bắn hạ chiến đấu cơ của Nga sẽ không khác gì châm ngòi cho một cuộc chiến tranh ở Syria và Washington còn phải tiếp nhận sự trả đũa đồng thời ở các khu vực khác mà hai nước đang đối đầu nhau.

Hiệu quả của một “vùng cấm bay” hoặc “khu an toàn” không mang nhiều giá trị trong việc thu hẹp các cuộc xung đột ở mức độ quốc gia và có tầm ảnh hưởng trên toàn cầu. Do đó Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bác bỏ ý tưởng này trong vài năm trở lại dây.

Dù là Donald Trump hay Hillary Clinton trở thành nhà lãnh đạo mới của nước Mỹ, kế hoạch nói trên vẫn là một bước đi rủi ro có thể dẫn đến một cuộc xung đột quân sự trực tiếp với Nga, điều mà người tiền nhiệm của họ đã cố tránh.

Trong nhiệm kỳ mới của mình, một trong hai nhân vật này sẽ được thừa hưởng nền tảng khá tốt để hỗ trợ cho chính sách của họ ở Syria.

Washington được cho là sẽ còn mở rộng thêm cả về nhiệm vụ lẫn số lượng quân tác chiến ở Syria giống như những gì đang diễn ra ở Iraq.

Cuộc chiến chống lại IS ở Iraq đã cho thấy lực lượng mặt đất của Mỹ tăng lên con số 6.000 quân triển khai thường xuyên, bên cạnh lực lượng Thủy quân lục chiến đang làm các nhiệm vụ tạm thời.

Mỹ đã chuyển hướng mục tiêu sâu hơn khi từ tư vấn hỗ trợ đến hành động trực tiếp, bao gồm triển khai cả pháo binh, các máy bay trực thăng tấn công mặt đất và trực thăng có vũ trang.

Tuy nhiên ở Syria, tương quan tình hình sẽ còn khó khăn hơn so với Iraq. Mỹ không chỉ phải đối mặt với IS mà còn quân chính phủ Syria dưới sự hậu thuẫn của Nga, lực lượng đặc biệt của Iran và lực lượng dân quân vũ trang chuyên nghiệp được đào tạo bởi Nga, Syria và Iran. Do vậy, bất kỳ một chiến lược mới nào được thực hiện ở Syria đều sẽ đưa hiện tại đến một tương lai phức tạp, khó đoán.

Trong định hướng của mình, Mỹ vẫn kiên quyết với mục tiêu hạ bệ Tổng thống Syria Assad bằng mọi giá với lời biện minh rằng đây là chìa khóa cho cuộc xung đột ở Syria sớm kết thúc.

Tuy nhiên, ông Peter Van Buren đặt ra câu hỏi, nếu Assad ra đi, ai có thể thay thế để giúp cho Syria trở nên ổn định mà không làm kích hoạt một vòng mới của cuộc nội chiến?

Ông cho rằng, trên thực tế, dù là chính sách của Donald Trump hay Hillary Clinton, thì đó đều là điều tồi tệ cho người dân Syria.

Ngày nào Mỹ còn lơ là trong nhiệm vụ tiêu diệt IS chính đáng để tập trung tạo dựng phe đối lập chống đối chính phủ Syria, thì cuộc nội chiến đẫm máu nơi đây sẽ vẫn tiếp tục.

Quốc Vinh

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/chien-luoc-cua-trump-clinton-cho-syria-xau-va-te-hai-a303345.html