Chiến lược của Lotte Mart tại Việt Nam: Quốc tế hóa hàng Việt

(baodautu.vn) Tăng cường đầu tư vào Việt Nam, các đại gia phân phối, bán lẻ nước ngoài không chỉ muốn nâng cao vị thế, mà còn muốn là kênh đưa hàng Việt ra thế giới.

Đầu tư nâng cao vị thế

Thị trường phân phối, bán lẻ Việt Nam đang ngày càng hấp dẫn các nhà đầu tư. Năm 2011, hai thương hiệu Aeon (Nhật Bản) và Giant (Hồng Kông) gia nhập thị trường Việt, khiến cho các nhà bán leû̉ nội và ngoại đều “sốt ruột”, muốn mở rộng hoạt động, nâng cao vị thế.

Sau 3 năm “làm quen”, Tập đoàn Lotte Mart (Hàn Quốc) xác định đã đến thời điểm thực hiện mục tiêu dài hạn tại thị trường Việt Nam. Mới đây, tập đoàn này đã được phía Việt Nam cấp phép đầu tư thêm 2 siêu thị tại Đà Nẵng và Đồng Nai, với tổng vốn đầu tư 70 triệu USD. Dự kiến, ngay trong quý IV/2012, cả hai siêu thị này sẽ được khai trương, nâng tổng số trung tâm thương mại của Lotte Mart tại thị trường Việt Nam lên con số 4. Mục tiêu đến năm 2020, Tập đoàn Lotte Mart sẽ mở 60 siêu thị trên khắp các tỉnh, thành ở Việt Nam.

So với các đại gia bán lẻ khác như Big C, Metro Cash & Carry, quy mô và mức độ chuyên nghiệp của Lotte Mart còn một khoảng cách khá xa. Tuy nhiên, năm 2011, thị trường bán lẻ thế giới chứng kiến hai “gã khổng lồ” Wal-Mart (Mỹ) và Carrefour (Pháp) phải rút khỏi thị trường Hàn Quốc vì không cạnh tranh nổi các đối thủ nội địa vốn có khả năng xoay sở nhanh và hiểu rõ thị hiếu tiêu dùng của người dân Hàn Quốc. Điều này càng giúp Lotte Mart thêm tự tin để thâm nhập thị trường Việt Nam. Ông Hong Pyong Gyu, Tổng giám đốc Công ty TNHH Lotte Vietnam cho biết: “Trong bán lẻ, hiểu được văn hóa tiêu dùng mới là người chiến thắng. Nếu Big C, Metro mang phong cách tiêu dùng của người châu Âu, chúng tôi sẽ mang phong cách tiêu dùng Hàn Quốc, vốn có nhiều nét tương đồng với Việt Nam”.

“Nội địa hóa” để phục vụ khách hàng Việt

Khi mở cửa thị trường bán lẻ, nhiều nhà bán lẻ nội lo lắng sẽ mất lợi thế sân nhà. Tuy nhiên, nếu biết hợp tác khắc phục điểm yếu, bổ sung điểm mạnh thì đây sẽ là kênh giúp các nhà sản xuất Việt Nam đưa ra các nhãn hàng độc quyền, phát triển kinh doanh.

Trường hợp của Lotte Mart là một ví dụ. Khi gia nhập thị trường Việt Nam, Lotte Mart muốn phát triển sâu rộng ngành phân phối, bán lẻ Việt Nam qua hai khía cạnh. Thứ nhất, phát triển thị trường xuất khẩu cho hàng Việt Nam thông qua chuỗi hệ thống siêu thị của họ trên toàn cầu. Thứ hai, thay vì chạy đua và cạnh tranh, họ sẽ hợp tác và hỗ trợ cùng lớn mạnh với doanh nghiệp bán lẻ nội địa. Lotte Mart đang tiếp tục giảm tỷ lệ hàng ngoại nhập để biến hệ thống Lotte Mart thành chuỗi siêu thị hàng Việt phục vụ người Việt. Hiện hàng Việt tại Lotte Mart đã chiếm hơn 95%, còn lại là hàng nhập.

Cùng với chiến lược đưa nhiều hàng Việt vào siêu thị, Lotte Mart cũng đi theo xu hướng bắt tay với các doanh nghiệp Việt Nam để sản xuất các mặt hàng mang nhãn hàng riêng (PB - private brand) của Lotte Mart, với tiêu chí chất lượng tốt, giá cạnh tranh. Năm nay, Lotte Mart sẽ tập trung phát triển hình thức kết hợp này, nâng tổng số mặt hàng từ 330 chủng loại (năm 2011) lên hơn 800 mặt hàng về thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng, thời trang... Ngoài ra, Lotte Mart cam kết sẽ hỗ trợ xuất khẩu hàng Việt vào thị trường Hàn Quốc và quốc tế, thông qua các trung tâm thương mại của Lotte Mart.

Theo quan sát của Lotte Mart ở Việt Nam, chuỗi siêu thị Co.opMart (thuộc Saigon Co.op) có thế mạnh về nguồn hàng đa dạng, phục vụ cho mọi phân khúc tiêu dùng, giá cả cạnh tranh. “Đó là những thế mạnh mà chúng tôi muốn có, ngược lại chúng tôi sẽ chia sẻ với họ về công nghệ. Bởi muốn tạo thành chuỗi cung cấp hàng Việt theo chuẩn quốc tế, thì buộc phải hoàn thiện từ khâu mua sản phẩm về, đưa sản phẩm đó đến tay người tiêu dùng” - ông Hong Pyong Gyu cho biết.

Nguồn Đầu Tư: http://www.baodautu.vn/portal/public/vir/baivietdoanhnghiep/repository/collaboration/sites%20content/live/vir/web%20contents/chude/doanhnghiep/thongtindoanhnghiep/7ed2c14b7f000001011ac0c17e76a013