Chiến hạm Mỹ suýt đắm vì máy bay dân dụng Iraq như thế nào

Iraq đã cải tiến máy bay chở khách Dassault Falcon 50 để phóng hai quả tên lửa khiến tàu USS Stark bị thương nặng trong cuộc chiến năm 1987.

USS Stark bị thương nặng do hai quả Exocet của Iraq. Ảnh:Wikipedia.

Đêm 17/5/1987, tàu hộ vệ tên lửa USS Stark (FFG-31) bất ngờ bị một máy bay lạ của Iraq tấn công bằng hai quả tên lửa chống hạm Exocet AM39 từ khoảng cách 35 km, khiến tàu chiến Mỹ thủng một lỗ lớn và suýt bị đánh chìm. Nhiều năm sau, người Mỹ mới biết chiến hạm của họ suýt bị đánh đắm bởi một máy bay chở khách của Iraq, theo War is Boring.

Tàu chiến này của Mỹ là nạn nhân ngoài dự kiến của cuộc chiến tranh nổ ra giữa Iraq và Iran từ năm 1980 đến 1988. Năm 1986, khi cuộc chiến bước vào giai đoạn ác liệt, Không quân Iraq (IQAF) liên tục tấn công đảo Khark, cửa ngõ xuất khẩu dầu chủ lực của Iran, buộc Tehran phải chuyển các hoạt động bán dầu sang trung tâm xuất khẩu mới là đảo Sirri, cách xa lãnh thổ Iraq.

Đảo Sirri nằm cách căn cứ không quân gần nhất của Iraq tới 750 km, ngoài tầm chiến đấu của tiêm kích IQAF, nên Iran cho rằng các tàu chở dầu sẽ an toàn trước các cuộc tấn công của chiến đấu cơ Iraq.

Không quân Iraq nhận được thông tin tình báo và tìm mọi cách tấn công đảo Sirri, nhưng họ không hề biết đặc điểm nhận dạng của hòn đảo, cũng như hệ thống phòng thủ được bố trí tại đây. Khoảng cách quá xa cũng khiến Iraq không thể trinh sát hòn đảo này, dù sở hữu các tiêm kích do thám hiện đại như MiG-25RB của Liên Xô và Mirage F.1EQ của Pháp.

Cơ quan tình báo Iraq (IIS) đã đề xuất sử dụng máy bay chở khách Dassault Falcon 50 trang bị nhiều máy quay để do thám khu vực Sirri. Nó sẽ bay theo các tuyến bay dân dụng để che giấu mục đích thật của mình.

Tư lệnh không quân Iraq chấp nhận giải pháp này. Chỉ vài ngày sau, một chiếc Falcon 50 được sơn phù hiệu hãng hàng không Iraq bắt đầu hành trình do thám của mình. Trên máy bay gồm tổ lái hai người của IIS cùng 3 phi công tiêm kích Mirage dày dặn kinh nghiệm trong vỏ bọc doanh nhân giàu có.

Tuyến bay của chiếc Falcon 50 chỉ cách đảo Sirri 30 km, đủ gần để phi công chụp ảnh hòn đảo này. Kết quả trinh sát thành công giúp Phi đội số 81 của Iraq hoàn tất một cuộc đột kích vào đêm 12/8/1986. Nó cũng thay đổi suy nghĩ của nhiều sỹ quan chỉ huy IQAF.

Vị trí đảo Sirri ngoài khơi Iran. Đồ họa:Google

Họ nảy ra ý tưởng sử dụng máy bay chở khách hoán cải để đột nhập vào không phận Iran mà không bị phát hiện rồi tung đòn tấn công. Họ quyết định chỉnh sửa chiếc Falcon 50 để mang được hai tên lửa Exocet AM39, cho phép nó tung đòn đánh uy lực hơn các tiêm kích Mirage F.1EQ-5, vốn chỉ mang được một quả tên lửa.

Iraq yêu cầu tập đoàn Thales của Pháp thay đổi Falcon 50 với lý do cần máy bay huấn luyện chuyển loại cho phi công Mirage. Nhà thầu Pháp đã nhanh chóng đáp ứng yêu cầu này khi lắp đặt radar và hệ thống vũ khí của Mirage F1.EQ-5 lên Falcon 50. Chiếc máy bay sau đó mang tên "Susanna".

Đến đêm 17/5/1987, bộ chỉ huy IQAF cho phép Susanna xuất kích làm nhiệm vụ trên vịnh Persian. Thiếu tá Mohammad là người chỉ huy tổ lái. Máy bay thực hiện hành trình song song bờ biển Kuwait và Arab Saudi, sau đó rẽ trái 90 độ về phía Iran.

Sau khi bay vào vùng chiến sự do Iraq đặt ra, Mohammad kiểm tra vị trí trên bản đồ và khởi động radar, tìm kiếm mục tiêu là các tàu biển cỡ lớn. Ngay lập tức, một tín hiệu xuất hiện trên màn hình radar. Mohammad nhận định đây là tàu hải quân cỡ vừa của Iran đang đi sát giới tuyến để tránh bị tấn công.

Mohammad quyết định tấn công mục tiêu bằng cả hai quả tên lửa Exocet, sau đó điều khiển chiếc Susanna quay trở về căn cứ Wahda của Iraq. Thiếu tá này không hề biết mình đã nhằm vào một tàu chiến Mỹ đang hoạt động gần đảo Sirri.

Radar của tàu chiến USS Stark không phát hiện được hai quả tên lửa đang phóng tới, thủy thủ đoàn không hề biết mình bị tấn công. Cả hai quả Exocet chỉ bay cách mặt biển 3 m, đánh trúng vào khu vực có tiết diện phản xạ radar lớn nhất trên thân tàu.

Quả tên lửa đầu tiên xuyên thủng thân tàu, ngay bên dưới đài chỉ huy. Dù đầu đạn của nó không phát nổ, phần nhiên liệu thừa đã bắt lửa và gây cháy diện rộng. Quả Exocet thứ hai cũng xuyên vào đúng vị trí đó và phát nổ, tạo lỗ thủng rộng 3 m, cao 4,6 m trên thân tàu.

Chiếc Susanna với một quả Exocet AM39 dưới bụng. Ảnh:War is Boring.

Hai tên lửa Exocet đã gây thiệt hại nặng cho USS Stark, tạo ra vụ cháy kéo dài gần 24 giờ đồng hồ. 29 thủy thủ thiệt mạng tại chỗ, trong đó có hai người không được tìm thấy. 8 người khác chết sau đó vì vết thương quá nặng. Để tránh bị chìm, thuyền trưởng phải ra lệnh xả nước vào khoang bên mạn phải tàu, giúp lỗ thủng bên trái nổi lên cao hơn mực nước biển.

Đây cũng là lần duy nhất máy bay Susanna xuất kích tấn công thành công mục tiêu. Trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, IQAF quyết định gửi Susanna sang Iran để tránh bị tiêu diệt. Kể từ đó, nó không còn xuất hiện nữa.

VnExpress

Vị trí đảo Sirri ngoài khơi Iran. Đồ họa:Google

Chiếc Susanna với một quả Exocet AM39 dưới bụng. Ảnh:War is Boring.

Nguồn Đấu Thầu: http://baodauthau.vn/quoc-te/chien-ham-my-suyt-dam-vi-may-bay-dan-dung-iraq-nhu-the-nao-29617.html