Chiến đấu cơ Trung Quốc dọa máy bay Mỹ trên Biển Đông

Hai tiêm kích J-10 của Trung Quốc đã áp sát máy bay tuần thám hàng hải P-3 Orion của Mỹ trên không phận Biển Đông ở khoảng cách chưa tới 200m.

Đài ABC dẫn nguồn tin từ các quan chức giấu tên của Mỹ cho biết sự việc xảy ra vào ngày 25/5 (giờ địa phương) nhưng đến tận cuối ngày 26/5 mới được phép tiết lộ.

Chiến đấu cơ J-10 của Trung Quốc mang tên lửa trong một đợt bay tuần tra - Ảnh: Air Power Australia

Hai tiêm kích J-10 của không quân Trung Quốc đã thực hiện động tác đánh chặn máy bay P-3 Orion của Mỹ trên không phận quốc tế, cách Hong Kong khoảng 240km về phía tây nam. Các máy bay của Trung Quốc đã bay ngay trước máy bay Mỹ với khoảng cách chưa đầy 200m.

Theo các chuyên gia quân sự, hành động này ngoài việc mang tính "dằn mặt" còn nhằm khóa đường bay của P-3 Orion, hạn chế khả năng cơ động của máy bay Mỹ.

Một quan chức Mỹ giấu tên nhấn mạnh hành động của máy bay Trung Quốc là "không an toàn và thiếu chuyên nghiệp". Các quan chức Mỹ khẳng định Washington sẽ giải quyết vụ này với Bắc Kinh thông qua kênh ngoại giao và quân sự.

Đây là lần thứ hai trong vòng 1 tuần qua máy bay Trung Quốc thực hiện các động tác đánh chặn "không an toàn và thiếu chuyên nghiệp" đối với máy bay Mỹ. Hồi tuần rồi, WC-135, máy bay chuyên dò phóng xạ của Mỹ cũng đã bị Trung Quốc vờn trên không phận quốc tế ở Hoàng Hải.

Tuy nhiên, trong sự việc lần này, nó rất đáng chú ý. Thứ nhất, máy bay Mỹ bị đánh chặn là P-3 Orion, loại chuyên dùng để tuần thám hàng hải và đã nhiều lần được sử dụng để chụp lại không ảnh các công trình bất hợp pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.

Thứ hai, việc P-3 Orion bị đánh chặn xảy ra cùng thời điểm với việc tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Dewey của Mỹ áp sát khu vực 6 hải lý xung quanh đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Thực thể này đang bị Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng phi pháp.

Ngày 25/5, một quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ USS Dewey đã áp sát đá Vành Khăn và tiến hành các hoạt động diễn tập “cứu người rơi xuống biển” trong lúc di chuyển hình zích zắc. Tàu chiến Mỹ đã bị hai khinh hạm Trung Quốc bám đuôi, cảnh báo và yêu cầu rời khỏi khu vực hơn 20 lần bằng sóng radio, theo USNI News.

Các quan chức Mỹ giấu tên khẳng định sự xuất hiện của USS Dewey là một phần trong các hoạt động đảm bảo tự do hàng hải và hàng không (gọi tắt là FONOPS) dưới thời chính quyền Donald Trump. Tuy nhiên, cho đến nay, Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn chưa lên tiếng xác nhận các hoạt động của USS Dewey bất chấp Bắc Kinh đã bực bội ra mặt và phản ứng mạnh.

Không rõ sự xuất hiện của P-3 Orion ngày 25/5 có nằm trong đợt FONOPS được xem là đầu tiên dưới thời ông Trump hay không.

Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao Mỹ và Trung Quốc hiện chưa đưa ra phản ứng./.

J-10 là một trong tiêm kích chiến đấu chủ lực của Không quân Trung Quốc. Nó được phát triển và chế tạo bởi Tập đoàn công nghiệp hàng không Thành Đô (Trung Quốc). Năm 2005, J-10 bắt đầu được biên chế. Theo ước tính của các trang mạng về quân sự thế giới, tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã có gần 400 máy bay loại này trong biên chế.

P-3 Orion là máy bay tuần thám cánh bằng của Mỹ được giới thiệu lần đầu vào những năm 1960. Tùy theo từng phiên bản, P-3 Orion có thể thực hiện nhiệm vụ chống ngầm, chống hạm hay tuần tra trinh sát hàng hải. Hải quân Mỹ đã bắt đầu loại biên dần P-3 Orion và thay thế bằng loại mới hơn là P-8 Poseidon trong những năm gần đây./.

Duy Linh/Tuổi trẻ

Nguồn VOV: http://vov.vn/quan-su-quoc-phong/chien-dau-co-trung-quoc-doa-may-bay-my-tren-bien-dong-629045.vov