Chiêm ngưỡng “thời trang” cung đình trên phố cổ Hà Nội

Được coi là điểm nhấn trong chuỗi hoạt động văn hóa chào mừng ngày Di sản Việt Nam, 9 bộ áo dài cung đình do Nghệ nhân nhân dân Vũ Văn Giỏi phục dựng sẽ mang đến cho công chúng cái nhìn toàn cảnh về trang phục cung đình triều Nguyễn. “Mỗi bộ trang phục là một câu chuyện, không chỉ về kỹ thuật thêu mà là một hành trình dài tìm hiểu, nghiên cứu.” – nghệ nhân Vũ Văn Giỏi tâm sự.

Nghệ nhân Vũ Văn Giỏi là người làng Quất Động (huyện Thường Tín, Hà Nội), nơi nổi tiếng với nghề thêu truyền thống đã đạt tới trình độ tinh xảo, kỹ thuật điêu luyện. Nghề thêu tay ở Quất Động có từ hơn 350 năm trước, do ông tổ nghề thêu là Tiến sĩ Lê Công Hành, tên thật là Trần Quốc Khái (1606-1661) truyền dạy. Đến cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, truyền nhân của các nghệ nhân thêu Thường Tín được đưa tới Huế để làm trang phục cung đình cho triều Nguyễn, từ mũ, hia, hài đến áo cho vua quan, các bậc vương tôn công tử, công chúa…

Nghệ nhân Vũ Văn Giỏi được mệnh danh là người có “đôi bàn tay vàng”

Do chiến tranh, loạn lạc và nhiều nguyên nhân khác như thời tiết, thiên tai, những bộ Long bào, Hoàng bào của vua chúa thời xưa không nhiều, chỉ còn rất hiếm hoi. Do vậy, công tác bảo tồn, phục dựng trang phục cổ, nhất là trang phục cung đình của nghệ nhân Vũ Văn Giỏi mang giá trị, ý nghĩa to lớn, không chỉ ở phạm vi lưu giữ, tiếp nối tinh hoa văn hóa dân tộc mà còn là hành trình kế tục, phát huy kỹ thuật đỉnh cao của nghề thêu tay truyền thống, nhất là khi lối thêu cung đình bị mai một nhiều.

Dù sinh ra trong một gia đình có 5 đời làm nghề thêu truyền thống, nhưng nghệ nhân Vũ Văn Giỏi cũng phải mất 4 năm “xôi hỏng bỏng không” và làm hỏng gần 20 cái áo trước khi có một sản phẩm phục dựng hoàn chỉnh, ưng ý. Ông kể: “Cái thì dùng không đúng chỉ, cái thì lối thêu không đúng, có cái vải thêu không chuẩn”. Cứ thế, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, sai đâu sửa đó, đến nay nghệ nhân Vũ Văn Giỏi phục dựng thành công khoảng 40 bộ trang phục cung đình, nổi bật là Long bào vua Bảo Đại và lễ phục của Nam Phương hoàng hậu.

Áo Nhật Bình công chúa

Đường nét hoa văn tinh xảo thể hiện sự tỉ mẩn, kỹ thuật điêu luyện của nghệ nhân thêu tay

Theo Nghệ nhân nhân dân Vũ Văn Giỏi, ông cũng rất may mắn vì được tiếp xúc với các nghệ nhân trong làng thêu Quất Động từ những năm 1994 – 1995: “Thời đó, các cụ nghệ nhân còn sống nên tôi được học hỏi được những lối thêu xưa nhất là lối thêu cung đình”.

Phục dựng trang phục cung đình là việc làm khó khăn, gian khổ, không chỉ đòi hỏi kỹ thuật thêu mà còn vốn hiểu biết của người nghệ nhân để có thể “sao chép” lại chính xác từng đường kim mũi chỉ. Nghệ nhân Vũ Văn Giỏi chia sẻ, để phục dựng thành công 9 bộ trang phục cung đình theo kích cỡ nguyên bản dưới triều nhà Nguyễn, ông mất gần 30 năm.

Áo Mệnh Phụ Từ Cung (hoàng thái hậu)

Áo bào Măng Lan tay chẽn (vua Khải Định đỏ)

Ông nói: “Thời gian làm một bộ nhanh nhất cũng 3 tháng với 4-5 người làm. Cái lâu nhất cần 8 người làm trong 15 tháng. Nếu không thì cũng 8 tháng đến 1 năm với sự góp sức của 6-7 người thợ giỏi”.

Qua bộ sưu tập trang phục cung đình được dày công nghiên cứu, tương đối hoàn chỉnh, nghệ nhân cũng bày tỏ mong muốn giới thiệu với tất cả bạn bè, công chúng, người xem những trang phục thời xưa của vua chúa, dòng tộc vương quyền ở các ngôi vị như: vua, thái hậu, hoàng hậu, công chúa, hoàng tử…

Áo Sa vua Tự Đức

Phượng bào hoàng hậu Nam Phương

Ước muốn, đam mê được “hồi sinh” những trang phục cung đình đến từ khi ông cảm nhận được cái hồn trong từng họa tiết thêu xưa rồi tự nhủ tại sao mình không làm được như thế khi xưa kia không phải thời đại khoa học công nghệ mà các cụ đã đạt được trình độ đỉnh cao như vậy.

Những họa tiết, hoa văn thêu trên triều phục nhà Nguyễn được phục chế gần như hoàn hảo

Nhìn từng đường nét hoa văn, mảng màu, họa tiết… trên mỗi bộ trang phục nghệ nhân có thể phân biệt từng ngôi vị cụ thể như ngôi vương, ngôi hậu và sự chúc tụng, ca ngợi uy quyền của các bậc vua chúa, sự phúc hậu nhân từ của các phu nhân. Chính tầng sâu ý nghĩa ẩn trong đó đã thôi thúc, tạo đam mê và động lực để nghệ nhân Vũ Văn Giỏi bắt tay vào thực hiện công việc chẳng mấy ai làm. Ngày nay, những làng nghề đều tìm cách tạo ra các sản phẩm mang tính ứng dụng cao, lợi nhuận tốt chứ mấy ai tìm tòi để phục dựng lại những gì đã mai một dù là tinh hoa, là nguồn cội.

Không gian trưng bày bộ trang phục cung đình do nghệ nhân Vũ Văn Giỏi phục dựng

Áo quan triều Nguyễn

Trong số trang phục cung đình ông phục dựng, có người ra giá 1,3 tỷ để mua chiếc long bào của vua nhưng ông nhất quyết không bán dù cũng cần tiền để sinh sống. Nghệ nhân Vũ Văn Giỏi giải thích: “Không phải vì số tiền 1 tỷ hay vài tỷ mà công sức tôi bỏ ra là vô giá. Đấy là giá trị của văn hóa nên tôi không bán. Tôi bỏ rất nhiều công sức với chiếc áo đó, có thể nói là bằng cả máu. Giá trị của văn hóa là vô giá với những người biết và giá không đáng 1 xu với người không biết”.

Với nghệ nhân Vũ Văn Giỏi, mỗi bộ trang phục không chỉ là một sản phẩm phục dựng thành công mà còn mang trong đó một câu chuyện riêng về quá trình nghiên cứu, tìm hiểu lối thêu, kỹ thuật thêu, tìm đúng chất liệu vải, chủng loại chỉ, tơ… Mỗi cái áo đều khác nhau về vật liệu. “Như áo long bào Mây Lam của vua Đồng Khánh phải dùng chỉ tơ to, xe 2 chiều, ngân tuyến viền hoa văn khuy, kim xa đồng mạ vàng. Áo của hoàng tử cũng dùng chỉ xe 2 chiều nhưng lại là sợi tơ nhỏ” – nghệ nhân chỉ rõ. Do đó, ông không thể so sánh chiếc áo phục dựng nào để cho ông ấn tượng nhất, mà cái nào cũng có ấn tượng riêng, khó quên.

Du khách nước ngoài chiêm ngưỡng triều phục nhà Nguyễn

Tâm sự về nghề, ông nói có đôi lúc nản nhưng rồi khi cần trên tay cây kim thêu, cơn say nghề lại trở về, khiến ông quên tất cả mệt nhọc đời thường, chỉ còn chú ý đến từng nét thêu, mỗi cái đâm kim rút chỉ. Tất cả những công việc ông đã và đang làm chỉ với một mong ước giản dị là “muốn gìn giữ, lưu truyền và phát huy văn hóa xưa để lưu lại cho đời sau”.

Chia sẻ về những dự định tương lai, nghệ nhân Vũ Văn Giỏi cho biết ông còn rất nhiều ấp ủ phục dựng triều phục của các triều đại khác như triều nhà Lê, nhà Lý… nhưng thực tế rất khó khăn vì mất nhiều công sức, thời gian và tiền bạc. “Dù bây giờ kinh nghiệm đời và kinh nghiệm nghề cũng có rồi nhưng phải từng bước một. Tôi chưa dám làm luôn vì đã vấp rất nhiều, mất nhiều thời gian tiền bạc khi phục dựng trang phục cung đình. Thế nên tôi phải tìm chắc chắn rồi mới tiến hành” – ông tâm sự.

9 bộ trang phục cung đình phục dựng của nghệ nhân Vũ Văn Giỏi được trưng bày ở tầng 1, Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ (50 Đào Duy Từ, Hà Nội) từ ngày 18 – 27/11. Đây là một phần trong chuỗi các hoạt động tôn vinh, phát huy giá trị văn hóa truyền thống kỷ niệm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11.

Minh Phương

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/van-hoa-nghe-thuat/chiem-nguong-%e2%80%9cthoi-trang%e2%80%9d-cung-dinh-tren-pho-co-ha-noi