Chiếm lĩnh thị trường tôm thế giới: Cơ hội không chờ Việt Nam

Theo dự báo của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc, năm 2020 thế giới sẽ cần 6,44 triệu tấn tôm trong khi nguồn cung ước đạt 4,9 triệu tấn.

Lượng tôm thiếu hụt - hơn 2 triệu tấn - cao gấp 3 tổng sản lượng tôm của Việt Nam hiện nay. “Lỗ hổng” đó chính là thiên thời, tạo cơ hội cho ngành tôm Việt Nam vươn ra chiếm lĩnh, nhất là khi chúng ta có sẵn địa lợi - điều kiện tự nhiên rất phù hợp với con tôm.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ luôn dẫn đầu ngành thủy sản, chiếm 45% tổng giá trị. Việt Nam hiện nằm trong top 5 nước xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới.

Không thể không nói đến yếu tố nhân hòa, với chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Việt Nam phấn đấu trở thành một công xưởng sản xuất tôm của thế giới”; “ngành tôm được khẳng định cả về mặt quản lý và khoa học là có thể phát triển thành ngành mũi nhọn”. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định: “Chưa đối tượng nuôi nào mang lại giá trị cao như con tôm, trong một thời gian ngắn. Ví như tôm thẻ chân trắng, nếu nuôi tốt chỉ mất 60-65 ngày một lứa”.

Thế nhưng, mâm cỗ đã dọn sẵn đó không chỉ chờ Việt Nam ngồi vào. Bởi với sự phát triển chóng mặt của công nghệ, sẽ rất nhanh, ưu thế về địa lợi của chúng ta không còn là yếu tố quyết định nữa và khi đó, thiên thời cũng mất đi. Thế giới đã phát triển thành công công nghệ nuôi tôm trên cạn với năng suất trên 50 tấn/ha.

Trong khi đó ở Việt Nam, các mô hình nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến, bán thâm canh cho năng suất từ 0,15-2 tấn/ha, chỉ một số ít công ty nuôi siêu thâm canh đạt 8-15 tấn/ha. Công nghệ nuôi tôm trên cạn hiện đã lan tỏa ra các vùng sa mạc, bán sa mạc của châu Mỹ và đến nay, ngay cả sa mạc Sahara cũng đã có trại nuôi tôm.

Đồ họa: Hoàng Hiệp

Rõ ràng, để có địa vị “công xưởng sản xuất tôm của thế giới”, chúng ta phải tranh giành và theo TS Nguyễn Việt Thắng - Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, không thể chỉ chạy đua về sản lượng mà phải nâng giá trị con tôm lên gấp 2-3 lần hiện nay, phải giải quyết được vấn đề hạ tầng và sản xuất giống.

Trong cả 2 vấn đề đó, khoa học và công nghệ đều đóng vai trò quan trọng. Và để ngành tôm san bằng thách thức, kịp thời nắm bắt cơ hội, phát huy thế mạnh riêng, giành lấy vị trí của mình trên thị trường thế giới, như ông Nguyễn Xuân Cường khẳng định “cần có quyết tâm cao từ Chính phủ đến người nuôi”.

Kim Bích

Nguồn KH&PT: http://khoahocphattrien.vn/khoa-hoc/chiem-linh-thi-truong-tom-the-gioi-co-hoi-khong-cho-viet-nam/20170322100054959p1c160.htm