Chiếc rìu - biểu tượng sức mạnh khai phá

Hình tượng chiếc rìu gửi gắm một thông điệp sâu xa hơn của tác giả khi xét trên khía cạnh tinh thần. Chiếc rìu tượng trưng cho sự khai phá. Ở đây chính là cuộc chinh phục thế giới tự nhiên của con người. Trong cuộc đấu tranh sinh tồn ấy, con người đã chiến thắng.

***** Tên sách: Chiếc rìu Tác giả: Gary Paulsen Dịch giả: Tố Nga Nhã Nam & NXB Hội Nhà Văn Nhắc đến Gary Paulsen, người ta thường nghĩ ngay tới các câu chuyện phiêu lưu liên quan đến đề tài rừng hoang và tuổi mới lớn. Niềm say mê ấy đã được nhà văn truyền tải thành công trong tác phẩm nổi tiếng "Chiếc rìu" - cuốn sách được đánh giá là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Paulsen, không phải chỉ bởi những giải thưởng danh giá mà nó đạt được, mà còn bởi những thông điệp sâu xa về những giá trị tinh thần vĩnh cửu ẩn đằng sau một câu chuyện phiêu lưu đầy ly kỳ, hồi hộp. Tác phẩm nổi tiếng này cũng được cho là có tác động sâu sắc tới nhiều thế hệ thiếu nhi Mỹ trong những thập kỷ qua. Câu chuyện kể về Brian Robeson - một cậu bé thành thị 13 tuổi - là hành khách độc nhất trên chuyến bay từ New York đến một khu khai thác dầu mỏ ở Canada, nơi cha cậu đang làm việc. Nhưng có một sự cố bất ngờ xảy ra khi viên phi công bị một cơn đau tim và qua đời. Brian đã phải một mình điều khiển chiếc máy bay cho đến khi nó rơi xuống một chiếc hồ nằm trong vùng rừng hoang thuộc Canada. Từ đó, chuyến phiêu lưu của cậu bắt đầu. "Chiếc rìu" là một tác phẩm thuộc dòng văn học thiếu nhi nhưng không phải vì thế mà đối tượng độc giả của nó bị bó hẹp trong phạm vi tuổi mới lớn. Bằng ngòi bút tinh tế của một nhà văn giàu kinh nghiệm, câu chuyện của Gary Paulsen đã lôi cuốn được những độc giả khó tính nhất vào cuộc phiêu lưu đến với thế giới tự nhiên vốn đã ẩn chứa nhiều bí ẩn, đó là rừng hoang. Có thể sự so sánh chưa thực tương xứng, nhưng ở một khía cạnh nào đó, có thể nói nếu như cách đây hơn 3 thế kỷ, cuộc phiêu lưu một mình trên hoang đảo của Robinson Crusoe đã làm say đắm trái tim của triệu triệu độc giả thì ngày nay, cuộc phiêu lưu của cậu bé Brian cũng phần nào làm người ta nhớ lại Daniel Defoe và tác phẩm xuất sắc nhất trong sự nghiệp sáng tác của ông. Cậu bé 13 tuổi một mình trong rừng hoang, chỉ riêng bối cảnh ban đầu ấy cũng đủ gợi cho người đọc thấy trước được những hiểm nguy, khó khăn và thách thức trong cuộc phiêu lưu của Brian. Thông qua việc tái hiện lại đầy sinh động cuộc sống của nhân vật chính trong khu rừng, tác giả đã lồng ghép vào đó những bài học cuộc sống quý giá - những bài học có thể đã được nhăc đến nhiều trong các sách đạo đức, nhưng vẫn sẽ không bao giờ là cũ. Đặc biệt, nó lại đang được làm mới một cách đầy tinh tế dưới bàn tay của Gary Paulsen. Trước tiên, đó là bài học về lòng dũng cảm, dũng cảm để dám đứng lên đương đầu với những khó khăn, thử thách, dũng cảm để tiếp tục bám trụ và sống sót, để không thôi hy vọng dù hy vọng thật mong manh. Từ một cậu bé 13 tuổi được sống êm ấm dưới một mái nhà chẳng bao giờ lo mưa nắng, khi đói thì chỉ việc mở tủ lạnh, khi hết thức ăn có thể đến cửa hàng, Brian giờ đây đang phải đối mặt với một khu rừng hoang vu bí ẩn, nơi không những không có nơi ăn, chốn ở mà còn chứa chấp đầy những nguy hiểm của thiên nhiên hoang dã. Nhưng Brian đã khắc phục tất cả những điều đó. Cậu tự làm cho mình một "ngôi nhà" vững chắc để che mưa nắng, tự chế ra những dụng cụ để săn bắt, tự tạo ra lửa để nấu nướng và xua đuổi thú dữ... Và đồng hành với tất cả những việc đó là niềm hy vọng mình sẽ được giải cứu vào một ngày nào đó bởi những người tìm kiếm cứu nạn: "Cậu phải tiếp tục nghĩ về họ bởi vì nếu cậu quên họ và không nghĩ về họ, họ có thể quên mất cậu. Và cậu phải tiếp tục hy vọng. Cậu phải tiếp tục hy vọng" Đó còn là bài học về sự cần thiết phải lo xa và có những hoạch định trong tương lai. Sống trong rừng hoang, Brian luôn trù tính cho mình những tình huống xấu nhất có thể xảy ra và tìm cách đối phó với nó từ trước. Nhờ việc chăm chỉ kiếm củi để dự trữ hàng ngày, hay chế ra một chiếc "ao" mini để dự trữ nguồn cá tươi mà Brian đã có thể xoay xở được khi bị con nai sừng tấm tấn công đến thương tích đầy mình, hay khi có một cơn lốc bất ngờ ập đến... Bài học còn có thể đến từ những sai lầm, giống như việc vấp ngã, dù đau nhưng bao giờ cũng khiến người ta học được một điều gì đó. Sai lầm của Brian là đã suy nghĩ quá đơn giản về khu rừng hoang. Cậu không hiểu được quy luật tối thượng của thế giới tự nhiên chính là quy luật sinh tồn. Và để sinh tồn, mọi sinh vật đều tìm kiếm thức ăn. Brian đã mất cảnh giác khi bảo quàn nguồn thực phẩm của mình, để rồi nhận được một bài học đắt giá từ loài chồn hôi. Cuốn sách "Chiếc rìu" bản gốc tiếng Anh Trong rừng hoang, chẳng có điều gì là dễ dàng, cho nên, sau rất nhiều vất vả để tìm cách nhóm lửa cũng như chế ra cung tên để săn bắt, khi tìm ra chiếc túi cứu sinh chứa đầy đủ đồ dùng cần thiết trên máy bay, Brian đã có cảm giác "vừa vui vừa buồn": "Ngọn lửa đã tắt thế là cậu dùng một chiếc bật lửa ga và một mẩu nhỏ vỏ cây bulô cùng với vài cành nhỏ để nhóm bếp - kinh ngạc về sự đơn giản quá đỗi nhưng đồng thời cảm giác đó lại quay về, rằng chiếc bật lửa bằng cách nào đó đã kéo cầu khỏi nơi cậu đang ở, và những gì cậu phải học. Với ngọn lửa có sẵn, cậu không cần phải biết cách làm tổ mồi lửa, hoặc làm thế nào để giữ cho bếp lửa này cháy suốt. Và cũng như khẩu súng trường, cậu không chắc là cậu thích sự thay đổi này. Vừa vui vừa buồn, cậu nghĩ. Cái túi thật tuyệt nhưng nó làm cậu vừa vui vừa buồn". Phải chăng một lần nữa, thông qua nhân vật Brian, Gary Paulsen lại dạy chúng ta thêm một bài học về sự cần thiết phải có những khó khăn, thử thách ở trong đời. Chúng ta chẳng thể lớn khôn nếu như cuộc đời chỉ là thảm hoa hồng. Chính trong khốn khó, con người ta mới có thể phát huy hết khả năng sáng tạo cũng như những năng lực tiềm tàng trong mình. Xuyên suốt tác phẩm là hình tượng chiếc rìu. Xét ở khía cạnh vật chất, nó là công cụ giúp Brian có thể tồn tại được trong khu rừng hoang. Nhờ có chiếc rìu, Brian mới nhóm được lửa, làm được "nhà", tạo ra cung tên để săn bắt, xua đuổi được thú dữ, chế ra chiếc bè cũng như phá được vỏ máy bay để lấy chiếc túi cứu sinh... Chiếc rìu đã đồng hành cùng Brian trong suốt hành trình, từ điểm xuất phát cho tới chặng cuối cùng của cuộc phiêu lưu. Nhưng hình tượng chiếc rìu còn gửi gắm một thông điệp sâu xa hơn của tác giả khi xét trên khía cạnh tinh thần. Chiếc rìu tượng trưng cho sự khai phá. Ở đây chính là cuộc chinh phục thế giới tự nhiên của con người. Trong cuộc đấu tranh sinh tồn ấy, con người đã chiến thắng. Brian không những sống sót mà còn trở nên mạnh mẽ hơn, khỏe khoắn hơn, kiên cường hơn, hiểu biết hơn. Chiếc rìu lúc này còn tượng trưng cho sức mạnh và lòng quả cảm luôn tồn tại trong bản thân con người. Bình thường, vì những lý do khách quan lẫn chủ quan, nó có thể bị ẩn đi, nhưng khi gặp thời điểm cần thiết, nhất định nó sẽ bùng phát và trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Với tác phẩm "Chiếc rìu", Gary Paulsen đã ghi tên mình bằng hàng loạt giải thưởng danh giá: A Newbery Honor Book; An ALA Best Book for Young Adults; An ALA Notable Children's Book; A Booklist Editors' Choice; A Notable Children's Book in the Field Social Studies.

Nguồn TuanVietNam: http://tuanvietnam.net/2010-07-16-chiec-riu-bieu-tuong-suc-manh-khai-pha-cua-loai-nguoi