Chia sẻ kinh nghiệm trong đo lường, đánh giá tác động xã hội của doanh nghiệp

Chiều 8/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo “Doanh nghiệp xã hội và cách thức đo lường, đánh giá tác động xã hội”.

Toàn cảnh hội thảo “Doanh nghiệp xã hội và cách thức đo lường, đánh giá tác động xã hội”. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm của Vương quốc Anh trong thực hiện đo lường, đánh giá tác động xã hội; đảm bảo thực thi thống nhất và hiệu quả các quy định của Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan tới doanh nghiệp xã hội; trong đó, có việc thực hiện Báo cáo đánh giá tác động xã hội.

Phát biểu tại hội thảo, ông Phan Đức Hiếu, Viện phó CIEM cho rằng, các doanh nghiệp Anh Quốc được coi là rất thành công trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội. Do đó, để tìm hiểu xem họ đã thực hiện như thế nào là công việc cần thiết đối với Việt Nam.

Theo ông Hiếu, đánh giá tác động xã hội còn là mục tiêu lưu trữ các thông tin của doanh nghiệp, một kênh để đưa doanh nghiệp ra ngoài xã hội rộng rãi hơn. Điều đó không chỉ phù hợp cho doanh nghiệp đã đăng ký mà mục tiêu quan trọng là giúp cho doanh nghiệp hướng tới cộng đồng tốt hơn. Doanh nghiệp xã hội là một vấn đề mới của Việt Nam

Chia sẻ kinh nghiệm, ngài Peter Holbrook, Giám đốc điều hành của Tổ chức doanh nghiệp xã hội Vương quốc Anh cho biết, đánh giá tác động xã hội của doanh nghiệp cần có kế hoạch, chọn phương pháp và các chỉ số đánh giá tác động xã hội. Đo lường xã hội sẽ không chỉ có 1 phương pháp mà có nhiều phương pháp khác mà Việt Nam có thể cân nhắc lựa chọn.

“Cách đánh giá tác động tốt nhất là chúng ta cần tư duy đo lường và phân tích thông tin, điều quan trọng nhất là doanh nghiệp cần cởi mở và minh bạch”, ngài Peter Holbrook nhấn mạnh.

Theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM), báo cáo về đánh giá tác động xã hội cần nhấn mạnh đến 2 điểm là sự minh bạch và trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp. Điều này không những giúp cho cơ quan quản lý nhà nước mà còn giúp cho các nhà đầu tư sẽ thấy được báo cáo của doanh nghiệp trung thực như thế nào.

Bà Thảo cho rằng, cần lựa chọn 3 vấn đề trong báo cáo là con người, nền kinh tế và môi trường. Đây là sẽ là những công cụ hữu ích, từ gợi ý của Vương quốc Anh để Việt Nam lựa chọn đánh giá tác động xã hội vào báo cáo.

Nói về thuận lợi và cơ hội mà doanh nghiệp xã hội có được, ông Phan Đức Hiếu chia sẻ, hoạt động kinh doanh vì mục tiêu xã hội, môi trường luôn là vấn đề được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm và nhờ Nghị định số 96/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp được ban hành, vấn đề này sẽ ngày càng được chú trọng hơn.

Mặt khác, Nhà nước sẽ có thêm đối tượng thứ 2 để cùng giải quyết vấn đề môi trường bởi nếu như cách thức giải quyết vấn đề xã hội, môi trường trước kia chỉ theo hình thức tài trợ thì nay, các tổ chức doanh nghiệp có thể dùng chính lợi nhuận của doanh nghiệp để giải quyết vấn đề này.

Tại hội thảo, các doanh nghiệp xã hội và các tổ chức có liên quan cũng đã có cơ hội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, bao gồm cả kinh nghiệm đăng ký thành lập mới, chuyển đổi doanh nghiệp xã hội…/.

>>> Phát hiện doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu gắn chip điện tử gian lận

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/chia-se-kinh-nghiem-trong-do-luong-danh-gia-tac-dong-xa-hoi-cua-doanh-nghiep/28251.html