Chìa khóa tháo gỡ khó khăn cá tra VN

Ngành nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra là một trong những ngành thủy sản có tiềm năng phát triển lớn, cơ hội sinh lời cao và luôn đóng một vai trò quan trọng trong bức tranh tổng thể của kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, con cá tra Việt Nam đang bị khó khăn “bủa vây” trong thời gian quan bởi nhiều yếu tố. Trước những “rào cản” đặt ra, CTCP Đầu tư và Phát triển đa quốc gia I.D.I (Công ty thành viên của Sao Mai Group) đã tìm cho mình chiếc chìa khóa tháo gỡ khó khăn, bằng cách tập trung hoàn thiện quy trình sản xuất khép kín chuỗi thủy sản.

Quy trình sản xuất khép kín bao gồm: từ con giống, ao nuôi, đến nhà máy chế biến với công nghệ hiện đại, công nhân lành nghề, hệ thống quản lý chất lượng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Và khâu đầu tiên vô cùng quan trọng trong chuỗi quy trình khép kín là nâng cao chất lượng con giống, vì nó có khả năng sẽ ảnh hưởng đến tất cả các khâu còn lại của chuỗi sản xuất.

Hiện nay việc nâng cao chất lượng con giống là điều cần thiết. Nếu trong trồng trọt, giống đứng hàng thứ 4: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, trong chăn nuôi, việc lựa chọn con giống được ưu tiên hàng đầu. Nếu cá thể bố mẹ không được nuôi và chăm sóc tốt thì chất lượng con giống của thế hệ sau sẽ kém.

Hơn nữa, kể từ tháng 3-2016, khi Đạo luật Farm Bill 2014 có hiệu lực, con cá tra Việt Nam sẽ chịu sự kiểm soát chất lượng sản phẩm và cả vùng nuôi từ FSIS (Cơ quan Kiểm tra và An toàn thực phẩm thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ - USDA). Theo đó, yêu cầu cấp bách đặt ra cho các hộ nuôi cá tra chính là đi tìm nguyên nhân cho việc suy giảm chất lượng giống, từ đó đặt ra những giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng con giống.

Có như vậy thì cá tra Việt Nam mới đảm bảo chất lượng để xuất sang Hoa Kỳ cũng như một số nước khác. Nguyên nhân chính dẫn đến suy giảm chất lượng giống do chất lượng đàn cá bố mẹ bị thoái hóa, lai cận huyết, sự cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các cơ sở sản xuất cá bột, cho cá đẻ ép, đẻ non và đẻ nhiều lần trong năm dẫn đến nhiều hệ lụy kèm theo trong việc nuôi cá như: dịch bệnh nhiều hơn, tỷ lệ hao hụt lớn, chi phí nuôi năng cao, chất lượng cá nguyên liệu giảm.

Theo kết quả khảo sát gần đây của Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt Nam bộ, tỷ lệ cá tra nuôi ở ĐBSCL bị nhiễm bệnh là khá cao. Hầu như tất cả các vùng nuôi đều xuất hiện những loại bệnh phổ biến trên cá tra như xuất huyết, trắng mang, trắng gan, và nhất là căn bệnh nguy hiểm gan thận mủ…

Có những vùng nuôi, tỷ lệ cá tra nhiễm bệnh gần như tới 100%. Cá tra ở ĐBSCL bị bệnh từ nhiều nguyên nhân. Trước hết, là do cá bị nhiễm khuẩn gây các bệnh xuất huyết, đốm trắng… hoặc bị các loài ký sinh trùng (trùng mặt trời, trùng bánh xe…), giáp xác ký sinh và nấm gây hại. Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng cho cá không cân đối đã gây ra hội chứng thiếu vitamin, thiếu canxi; môi trường vùng nuôi bị ô nhiễm….

Ông Lê Thanh Thuấn, Tổng GĐ Tập đoàn Sao Mai làm việc với đối tác để
đầu tư phát triển quy trình sản xuất khép kín thủy sản.

Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, đến năm 2015, toàn vùng ĐBSCL có hơn 230 cơ sở sản xuất cá tra giống, trên 4.000 hộ ương dưỡng với diện tích hơn 2.250ha, với số lượng hơn 2 tỷ con cá giống. Đến nay, tổng số cá tra bố mẹ chất lượng cao do Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II cung cấp cho các tỉnh 105.423 con; tuy nhiên, tỷ lệ hao hụt khá cao lên đến 22% (một số địa phương tỷ lệ thất thoát cao như Vĩnh Long, An Giang…).

Chi cục Thủy sản Tiền Giang cũng cho biết tỷ lệ hao hụt trong các ao nuôi cá tra hiện nay lên đến 30 - 35%. Bên cạnh đó, có những ao nuôi cá tra có tỷ lệ hao hụt lên đến 40 - 50% do thả cá với mật độ quá cao (trên 100 con/m2). Những con số này cho thấy số lượng con giống đang hao hụt khá lớn trong quá trình nuôi.

Xảy ra tình trạng này cũng là do việc sản xuất giống cá tra hiện nay mặc dù phát triển theo quy luật cung – cầu nhưng còn mang tính tự phát, sản xuất chạy theo số lượng, không quan tâm đến chất lượng và tình trạng cá nhiễm dịch bệnh cao. Hơn nữa, nhiều cơ sở sản xuất giống không đảm bảo các điều kiện sản xuất, kinh doanh.

Trước đây, do giống cá tra còn tốt nên thời gian nuôi bình quân khoảng 5 - 6 tháng cá đã đạt tiêu chuẩn sản xuất (0,8 – 0,9 kg/con), với hệ số thức ăn chỉ khoảng 1,5kg. Còn hiện nay để đạt được size cá trên người nuôi phải mất khoảng 8-9 tháng với hệ số thức ăn 1,55 – 1,6kg. Vì thế, chi phí thức ăn trong quá trình nuôi cũng tăng thêm khá cao, chi phí nuôi cao dẫn tới nhiều gian lận thương mại, như nhiều hộ nuôi sẽ dùng thuốc tăng trọng cho con cá nhằm giảm chi phí thức ăn, kiếm lời bất chính, dẫn đến chất lượng thịt cá giảm, ảnh hưởng uy tín con cá tra Việt Nam trên thương trường thế giới.

Chất lượng giống cá tra có vai trò quan trọng. Nếu cá bị dịch bệnh nhiều, còi cọc, dị hình, thì ảnh hưởng lớn đến chất lượng cá nguyên liệu dẫn đến tỷ lệ thu hồi fillet giảm. Chính vì vậy, lượng phụ phẩm sau khi fillet cá là rất lớn. Nếu nâng cao chất lượng con giống chắc chắn sẽ nâng cao được tỷ lệ fillet cá, cũng đồng nghĩa với việc giảm lượng phụ phẩm, tăng hiệu quả sản xuất, giảm nhẹ việc xử lý chất thải, tránh lãng phí nguyên liệu...

Nâng cao chất lượng con giống là bước đầu trong chuỗi sản xuất khép kín Công ty I.D.I đang áp dụng để từng bước thoát khỏi những khó khăn của ngành cá tra Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Huy Điền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thủy sản, việc cải thiện chất lượng giống cá tra là không thể chần chừ, chờ đợi thêm nữa, mà phải bắt tay vào làm quyết liệt ngay từ bây giờ. Chính vì những thách thức và mục tiêu phát triển bền vững nên Công ty I.D.I đang hướng tới việc xây dựng một trung tâm giống hiện đại, ứng dụng công nghệ hiện đại từ việc lai tạo, phát triển những gen tốt cho ra cá tra giống tốt để khắc phục những nhược điểm hiện tại như rút ngắn thời gian nuôi, giảm hệ số thức ăn, nâng cao sức đề kháng cho cá....

Từ đó sẽ giảm chi phí trong việc nuôi cá, kiểm soát giá thành trong việc nuôi, nâng cao chất lượng cá thành phẩm giúp cho sản phẩm của công ty có chất lượng tốt, có tính cạnh tranh hơn.

Vừa qua, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 2 (RIA 2) đã chuyển giao 101.000 con cá tra bố mẹ hậu bị cho 9 tỉnh nuôi cá tra ở ĐBSCL. Dự kiến, nguồn cá bố mẹ hậu bị này sẽ đáp ứng được 60% nhu cầu cá tra giống của người nuôi tại các tỉnh ĐBSCL. Đó cũng là tín hiệu khá lạc quan cho các doanh nghiệp.

Có con giống tốt, bước tiếp theo trong chuỗi quy trình khép kín mà I.D.I sẽ thực hiện chính là hình thành vùng nuôi đạt chuẩn Global G.A.P, A.S.C, B.A.P để đảm bảo nguồn nguyên liệu cung cấp cho chuỗi sản xuất, mặc khác đảm bảo chất lượng cá cũng như việc kiểm soát giá thành, từng bước “gỡ rối” trước những khó khăn của ngành cá tra Việt Nam.

CTCP Đầu tư và Phát triển đa quốc gia (IDI) tên gọi tắt là Công ty IDI (tọa lạc tại Cụm công nghiệp Vàm Cống, trên QL80 thuộc địa bàn ấp An Thạnh, xã Bình Thành, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp), được thành lập năm 2003, là một trong những doanh nghiệp do Tập đoàn Sao Mai thành lập. Hoạt động chính của IDI liên quan chủ yếu là đầu tư và kinh doanh Cụm công nghiệp Vàm Cống tại huyện Lấp Vò, cũng như đầu tư sản xuất kinh doanh các nhà máy nằm trong Cụm công nghiệp này, thuộc chuỗi giá trị nuôi trồng - chế biến - xuất khẩu cá tra và các sản phẩm phụ, sản phẩm giá trị gia tăng của cá tra. IDI được xem là một trong những công ty chế biến xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam và là nhà cung cấp sản phẩm cá tra có uy tín trên thị trường thế giới.

Như Ý - Đức Trung

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20161019/chia-khoa-thao-go-kho-khan-ca-tra-vn.aspx