Chị Y ngày ấy – Chị Trương Mỹ Hoa bây giờ

Trong cuốn "Sống như anh" của nhà văn Trần Đình Vân có đề cập đến một người tù chính trị anh dũng, kiên cường. Chị Y chính là nguyên Phó chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam.

Cách nay chưa lâu, có một cuốn sách được tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh bình chọn là một trong số ba tác phẩm văn học hay nhất, cóa tác dụng giáo dục nhất trong mấy thập kỷ qua, đó là tác phẩm “Sống như anh” của nhà văn Trần Đình Vân. Trong cuốn sách ấy, ngoài cái tên anh Trỗi, chị Quyên, anh Lời còn có hình ảnh những chiến sỹ cách mạng nêu cao khí phách, không chịu khuất phục trước quân thù, cùng đồng chí, đồng bào vượt bao nỗi cam go giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Một trong những người tù chính trị được đề cập trong cuốn “Sống như anh” là chị Y.

Năm tháng trôi đi, giờ đây lần giở lại tác phẩm văn học ấy, nhiều người, nhất là các bạn trẻ vẫn đặt câu hỏi: Nhân vật chị Y trong sách là ai và bây giờ ở đâu? Xin thưa, đó là chị Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Nguyên Phó Chủ tịch Trương Mỹ Hoa chụp ảnh lưu niệm với các Cựu chiến binh và nhóm phóng viên báo Kinh doanh & Pháp luật tại Lễ kỷ niểm 10 năm Ngày thành lập Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đầy.

Gặp lại chị trong Lễ kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập Bảo tàng các chiến sĩ cách mạng bị tù đày ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội vào một chiều cuối năm 2016, gặp lại chị, chúng tôi thật xúc động khi biết một phụ nữ như chị đã trải qua 11 năm sống, chiến đấu trong nhà tù Mĩ – ngụy, chịu biết bao đòn thù tra tấn dã man của kẻ thù. Khi kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng sống và hoạt động trong nhà tù, đôi mắt chị tỉnh táo và gương mặt đầy cương nghị. Nhưng khi nhớ lại những ngày để tang Bác Hồ tại nhà giam Chí Hòa hay khi nhắc về những ân nghĩa của đồng chí, đồng bào trong chiến tranh, những bức xúc của người dân bây giờ, chị lại không kìm được những dòng nước mắt…

Quê chị ở Gò Công, tỉnh Tiền Giang, quê hương của người anh hùng dân tộc Trương Định, người được phong là Bình Tây Đại Nguyên soái. Ông một mực không nhận sắc phong của triều đình mà lại nhận tấn phong của nhân dân… Sinh ra và lớn lên ở một miền quê giàu truyền thống ấy, cũng như những người Việt Nam yêu nước, ngay từ nhỏ chị đã “thấy ghét lính Pháp, ghét bọn tay sai”, biết gác cho mấy chú hội họp, biết mang truyền đơn đi rải chỗ này, chỗ kia… Từ khi ba chị tập kết ra Bắc, kẻ địch biết mọi người trong gia đình chị đều đi theo cách mạng nên đã dùng nhiều thủ đoạn mua chuộc, dụ dỗ, o ép, đàn áp và khủng bố.

Năm 1957-1958, má chị bị bắt giam do một tên chỉ điểm. Lúc bấy giờ, chị hai của chị chưa đầy mười sáu tuổi, em nhỏ nhất chưa được ba tuổi, được sự cưu mang đùm bọc của bà con, sáu chị em chị tự bảo ban nhau trong lúc “gà con lạc mẹ”. Do không khai thác được gì, sau hơn một năm chúng phải thả má con chị ra. Để tránh sự kiểm soát của địch, má chị phải đưa chị vàchị hai lên sài Gòn để tiếp tục hoạt động.

Vậy là gia đình chị bị xé làm ba. Ba chị thì đi tập kết, ba mẹ con chị lên Sài Gòn, bốn em nhỏ ở lại Gò Công gửi cho cậu dì nuôi mỗi người một đứa. Khi tình hình tạm ổn, má chị lần lượt đưa các em chị lên Sài Gòn và sau này đều tham gia cách mạng. Chị tham gia hoạt động trong phong trào học sinh, sinh viên khu Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định.

- Thưa chị, trong gia đình chị là thứ hai, cho đến bây giờ, người thân vẫn gọi chị là Bảy Thư, nghĩa là…

- Không, đó là bí số hoạt động của tôi, bí danh của tôi là Anh Thư. Những năm 1960 - 1964, tổ chức điều động tôi qua học nhiều trường để gây dựng cơ sở. Tại trường Trí Đức, tôi thích nhất hai câu đôi trước cổng trường: “Đức hạnh dồi dào trang liệt nữ. Trí tài bồi bổ bậc anh thư”.

Thế là từ đó, tôi lấy bí danh là Anh Thư.

- Thưa chị, có lần chị Phan Thị Quyên, vợ của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi kể rằng, sau ngày anh Trỗi hi sinh, chị Quyên được đưa ra vùng giải phóng rồi được ra miền Bắc học tập. Tại đây, chị Quyên đã mang tên của chị khai trong tù là Nguyễn Thị Tâm để đặt cho mình?

- Nguyễn Thị Tâm là tên tôi có ý thức chọn, phòng khi bị địch bắt. Do vậy, khi bị địch bắt ngày 15 tháng 4 năm 1964 và bị giam ở Tổng nha cảnh sát ngụy, tôi đã khai tên là Tâm. Một lý do đơn giản là tôi thích chữ Tâm. Và tên Tâm không trùng với ai trong gia đình, bạn bè và đồng đội tôi. Hồi ở tù với anh Trỗi và chị Quyên, tôi mang tên Tâm, song lúc đó để giữ bí mật nêm trong cuốn “Sống như anh” nhà văn Trần Đình Vân đổi thành chị Y như các anh đã biết.

Vừa mới đây, chị Quyên ra thăm Hà Nội, ghé thăm tôi và nhắc lại chuyện này. Theo chị Quyên thì sở dĩ chị thay tên Tâm là để nhớ tới người bạn tù đã giác ngộ cách mạng cho mình, còn họ, nguyên là họ của anh Trỗi.

Ngày ấy trong tù, chị là người giúp chị Quyên hiểu về việc làm của anh Trỗi, hiểu về cách mạng, hướng dẫn chị Quyên đối phó với thủ đoạn của địch để bảo vệ anh Trỗi, bảo vệ mạng lưới hoạt động bí mật, đọc nhiều bài thơ của Tố Hữu cho chị Quyên nghe và dạy chị Quyên hát “Bài ca hi vọng” của nhạc sỹ Văn Ký. Cũng tại nhà tù Mỹ - ngụy, chị là một trong số tù chính trị chống chào cờ của địch.

Có lần, bọn cai ngục đe: “Chống chào cờ là chống chế độ”, với lý lẽ hợp pháp, chị đáp lại: “Tôi là học sinh, là người vô tội, các ông bắt tôi không cho đi học là bắt oan, lại còn đánh đập tra tấn dã man, giam hãm tuổi xuân tôi trong lao tù, vì thế tôi căm ghét chế độ này và tôi không chào cờ”.

Nhắc về những ngày ở khám Chí Hòa, nghe tin Bác Hồ mất, giọng chị nghẹn lại và những giọt nước mắt lại lăn chảy… “Tháng 9/1969 đó, tôi đang ở khám Chí Hòa thì nghe bọn giám thị báo tin Bác Hồ mất. Lúc đầu, tụi tôi lặng đi nhưng không tin, sau hỏi những anh em ở bệnh xá, có liên lạc ngoài đời, mời biết là đích xác. Lúc đó hai đầu gối như khuỵu xuống, nước mắt chảy ròng ròng. Tụi tôi là con gái, ngồi tù, biết tin Bác mất, tủi thân ghê lắm. Nhưng tập thể chúng tôi lập tức lên kế hoạch để tang Bác trong một tuần”. Kể đến đây, im lặng một lúc lâu, bất giác, kìm nén nỗi xúc động nhưng vẫn không thể ngăn nổi những giọt nước mắt lăn trên gò má…

Sau ngày ấy, chị và tập thể nữ tù chính trị bị địch đày ra Côn Đảo và giam ở chuồng cọp, một “địa ngục ở trần gian” chưa từng thấy trên thế giới. Chuồng cọp chỉ cao khoảng hai mét, chiều ngang một mét rưỡi, dài khoảng hai mét ba mà chúng nhốt đến năm người. Tại đây, chúng đã dùng những thủ đoạn thâm độc, “dùng tù trị tù”.

Ngoài bộ máy cai trị có sẵn, chúng dùng những tù quân phạm, thường phạm, ác ôn làm tay sai để khủng bố, đàn áp những người tù chính tị. Bên trên chuồng cọp, bất cứ lúc nào mà bọn chúng cũng có thể quất roi mây vào đầu người tù. Dã man đến kinh khủng, chúng còn đổ vôi bột xuống chuồng cọp rồi giội nước, vôi ướt bám vào miệng, vào mũi làm người tù không thể hô đấu tranh được. Suốt cả năm không được tắm, tối ngủ cát thổi vào ngàn ngạt, cơm ăn trộn cát. Ai chào cờ địch, ai ly khai với tập thể thì được ra khỏi chuồng cọp, không bị đày đọa nhưng gian khổ, đòn roi và cùm kẹp không khuất phục được các chị, các chị vẫn kiên trung giữ vững khí tiết.

Có lần bọn cai ngục Côn đảo còn mỉa mai chế độ của chúng, chúng kêu với nhau: Từ đời ông, đời cha đến giờ, nay mới thấy đàn bà ngồi chuồng cọp…” Hiệp định Paris 1973 ký kết, bọn ngụy quyền Sài Gòn ngoan cố giấu lại số đông tù chính trị Côn Đảo, trong đó có chị. Vì sợ Ủy ban Quốc tế phát hiện âm mưu của chúng nên thành tù hình sự với tội danh là “gian nhân hiệp Đảng”. Tập thể nữ tù đã chủ trương chống lại âm mưu này, chống đàn áp, nhắm mắt, há miệng, không để cho chúng chụp được hình và đêm đêm các chị mài ngón tay xuống nền xi măng cho tứa máu nhằm làm hỏng vân tay không cho bọn chúng lấy dấu vân tay. Đó là cuộc đấu tranh quyết liệt đã làm thất bại âm mưu, ý đồ của địch.

Bị bắt ngày 15 tháng 4 năm 1964 lúc mới mười chín tuổi, vậy mà lúc ra tù ngày 7 tháng 3 năm 1975 chị đã bước sang tuổi ba mươi. Ngày chiến thắng trở về, chị mới biết trong gia đình chị, chỉ trừ cô út sau Hiệp định Paris vượt Trường Sơn ra miền Bắc với ba, còn lại má và năm chị em đều bị địch bắt giam, tổng cộng cả nhà bị giam đến 48 năm tù. Tính riêng tại nhà tù Thủ Đức của địch thì cả ba thế hệ trong gia đình chị đều bị địch bắt tù. Đó là má (bị bắt lần hai), chị cả Mỹ Lê, chị và cháu Minh Trang, con gái chị Mỹ Lệ sinh trong tù. Chồng chị cũng là một chiến sĩ cộng sản bị địch bắt giam tại nhà tù Côn Đảo. Vậy, sức mạnh nào để những người tù cộng sản làm nên chiến thắng và trở về từ địa ngục trần gian Côn Đảo? Nghe chúng tôi hỏi, chị Trương Mỹ Hoa vội lau nước mắt rồi mỉm cười:

- Cuộc đấu tranh nào rồi cũng sẽ có người rơi rớt. Hồi ở tù, chúng tôi luôn khẳng định cách mạng sẽ chiến thắng, kẻ địch sẽ thua, vì chúng ta là chính nghĩa, kẻ thù là phi nghĩa. Vì thế chúng tôi luôn lạc quan, vượt lên trên thực tại giam cầm, không tiếc thân vì đất nước.

Phải chăng niềm tin vào sự tất thắng của cách mạng là tài sản tinh thần vô giá giúp những người cộng sản vượt lên? Ở tù, bài học đầu tiên của chị là phải dựa vào tạp thể, đặt niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường CNXH mà Bác Hồ, Đảng, nhân dân ta đã lựa chọn, dẫu con dường đó trải qua nhiều khó khăn, gập ghềnh, nhưng chắc chắn sẽ cập bến bờ tươi sáng.

- Thưa chị, từ một nữ chiến sĩ cộng sản bị địch cầm tù, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, từ một Bí thư cấp phường, Bí thư Quận ủy, rồi trải qua nhiều cương vị khác nhau như Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, PCT Quốc hội rồi Phó Chủ tịch nước, điều gì khiến chị quan tâm nhất?

- Quan tâm thì nhiều vấn đề, nhưng điều tôi đặc biệt quan tâm là các vấn đề xã hội, vấn đề trẻ em – tương lai của đất nước và phụ nữ. Hiện tại, có nhiều vấn đề xã hội bức xúc, ta đã làm nhưng tiến triển chậm quá. Tôi là người trưởng thành từ một cán bộ cơ sở nên càng thấy nhân dân chính là tấm gương soi cho mọi cán bộ, Đảng viên.

Ngày xưa chúng ta tồn tại được là nhờ dân, không có dân bao bọc thì chúng tôi không thể hoạt động được. Nay, mỗi lần đi thăm nơi này, địa phương kia, chỗ nào thấy dân còn khổ, đến gia đình cách mạng nào thấy bà con vất vả, nghèo khó, chính sách đền ơn đáp nghĩa chưa đến được với gia đình, tự mình thấy buồn, cả thấy như có lõi cả với người còn sống và cả những người đã khuất…

Được biết, từ ngày nghỉ hưu, tưởng đâu chị nghỉ ngơi sau những tháng ngày hoạt động cách mạng, nhưng không chị vẫn không ngơi nghỉ. Chị vẫn là Chủ tịch Quỹ "Vừ A Dính" cà Chủ nhiệm Câu lạc bộ "Hoàng Sa và Trường Sa" với nhiều hoạt động sôi động và phong phú cuốn hút bao người tham gia.

Có lẽ vì thế khi tiễn nhóm nhà báo chúng tôi ra về, chị nhắn nhủ: “Báo chí phải làm sao tuyên truyền để cả dân tộc ra quân xây dựng kinh tế, phát triển đất nước, thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Để thực hiện mục tiêu đó, báo chí cần góp phần vào việc giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc hiệnnay như: xóa đói, giảm nghèo, việc làm cho thanh niên, vấn đề trẻ em lang thang cơ nhỡ, tệ nạn xã hội v.v…”

Lúc này, chúng tôi thấy chị rất vui. Có lẽ niềm tin vào cách mạng, vào sức mạnh nhân dân đã làm chị có nụ cười ấm áp ấy.

Lưu Vinh/KD&PL

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/chi-y-ngay-ay-%e2%80%93-chi-truong-my-hoa-bay-gio-p44463.html