Chị Vân khuyến học

Phải thuyết phục nhiều lần chị Nguyễn Thị Hồng Vân, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị, mới đồng ý cho tôi một cuộc hẹn. Chị rất ngại khi kể về những việc thiện mình đã làm.

Tôi phải “cắt ngang” lời chị việc thiện thì cần nhân rộng để nhiều nguời biết làm theo, lúc đó chị mới không thể từ chối.

Nắm chặt tay, truyền hơi ấm

Ở độ tuổi ngoài 65, trông chị rất hoạt bát, nhanh nhẹn. Hôm qua, chị lại leo đèo dốc, lội suối đến tặng quà cho bà con xã miền núi A Vao, A Ngo của huyện Đakrông.


Chị Hồng Vân đang trao quà cho người nghèo miền núi Quảng Trị

Sự hiện diện của chị giữa đại ngàn giá rét càng làm cho bao phận đời nghèo khổ ấm lòng hơn. Lần ấy, mỗi người nghèo được nhận quà của chị gồm một chiếc chăn ấm và 300 ngàn đồng. Mỗi chuyến chị đi trao quà nhiều đến 400-500 suất. Chị cẩn thẩn, trân trọng trao từng gói quà đến tận tay các địa chỉ cần giúp đỡ. Mỗi lần trao quà, chị nắm chặt tay bà con nghèo như truyền thêm hơi ấm, sức sống cho họ.

Hết xã này rồi đến xã khác, chị luôn có mặt ở các địa chỉ nghèo khó, hoàn cảnh cần giúp đỡ. Chị đến với họ bằng một sự chia sẻ đầy trân trọng, một niềm thấu hiểu ít ai bằng. Chị luôn tâm niệm người nghèo vật chất nhưng đầy trắc trở và tự trọng. Do đó phần quà mang đến cho bà con trước hết phải là xuất phát từ tấm lòng chân thành của người làm việc thiện để người nhận xoa dịu phần nào được nỗi đau đớn, khó khăn khi gặp phải hoàn cảnh éo le.

Song, số người được chị giúp nhiều nhất vẫn là học sinh nghèo hiếu học, học sinh vùng sâu, vùng xa. Mỗi năm chị trao hơn 500 suất quà cho các em có thêm điều kiện đến trường. Hết tiền, chị lại vất tả đi xin, làm sao để có thêm nguồn bổ sung. Vì chị hiểu xin thêm được vài trăm ngàn đồng là có thêm một học sinh nghèo nữa được giúp đỡ.

Thấy chị làm được việc ý nghĩa, nhiều mạnh thường quân gửi tiền về giúp chị. Chị nói khó nhất là để họ tin mình. Khi họ đã tin tưởng rồi thì các tổ chức, cá nhân hảo tâm luôn sẵn sàng giúp chị làm việc thiện. Từ năm 2008 đến nay, trung bình mỗi năm chị kêu gọi được hơn 3 tỷ đồng. Cũng tương ứng mỗi năm chị đã mang khoản tiền ấy ra giúp cho hàng ngàn cảnh đời nghèo khổ, hàng trăm học sinh nghèo hiếu học.

Trong cuộc đời làm việc thiện của mình, chị quan tâm nhất là giúp đỡ cho những học sinh, sinh viên nghèo. Mỗi mùa tựu trường chị lại tất tả đi kêu gọi giúp đỡ cho học sinh, sinh viên nghèo để các em có thêm điều kiện vào nhập học. Không ít học sinh, sinh viên nhờ chị mà được đi học đại học, ra trường trở thành cán bộ, kỷ sư trong các cơ quan, doanh nghiệp.

Trong lần trao quà tiếp sức đến trường cho các tân sinh viên Quảng Trị năm vừa rồi, chị gặp em Nguyễn Thị Thu Thương, sinh viên ĐH Nông lâm Huế. Thu Thương hiện đang sống bơ vơ một mình. Không còn một ai thân thích, cũng không có nổi một mái nhà để về.

Thương không có ba. Mẹ Thương người ở Gio Linh vào chợ thị xã Quảng Trị làm thuê. Cực chẳng đã không biết làm thuê gì, bà mới hàng ngày xuống sông Thạch Hãn múc nước sông gánh lên bán cho các tiểu thương trong chợ rửa đồ dùng để kiếm mỗi ngày một hai chục ngàn nuôi con.

Hai mẹ con không có nhà, không có đất ở nên được ban quản lý chợ cho che tạm một ô bằng mấy tấm tôn bên nách chợ để có chỗ che nắng che mưa. Khi Thương lên 7 tuổi thì mẹ lâm bệnh và mất. Trên tấm bia tại mộ mẹ Thương hiện tại vẫn ghi người lập bia là “bà con tiểu thương chợ thị xã Quảng Trị phụng lập”. Các tiểu thương trong chợ thấy Thương bơ vơ nên gửi thương vào trung tâm bảo trợ xã hội.

Lớn hơn một chút Thương mới biết mình còn có một người dì ruột. Dì sống ở một xã miền núi của huyện Gio Linh nhưng cũng quá nghèo khó nên không có điều kiện tìm và cưu mang cháu. Đến năm Thương mới vô lớp 12, dì cũng lâm bệnh và mất.

Trước khi dì mất, dì khuyên Thương nên đi tìm ba cùng một vài thông tin khá mơ hồ. Vì dù sao bây giờ ông cũng là người thân duy nhất của Thương. Thương lặn lội đi tìm thông tin về ba. Bạn bè thân trong lớp biết chuyện cũng góp đứa vài chục ngàn cho Thương có lộ phí đi tìm. Cả tháng trời Thương mới tìm được manh mối về ba mình. Ông đang sống cùng gia đình mới tại huyện Vĩnh Linh.

Thương chờ đến ngày nghỉ học để ra gặp ba. Nhưng khi ra đến nhà thì mới hay ba cũng vừa mất trước đó một ngày. Thương lặng lẽ vào thắp nhang cho ba như một người quen và không hề để ai biết mình chính là con gái của người vừa khuất.

Chị Vân kể xong câu chuyện, người kể và người nghe cũng không cầm được nước mắt. Nhờ sự giúp đỡ kịp thời của chị mà em Thương đã có tiền đi học đại học.

Chị nói để có những suất quà cho người nghèo, suất học bổng cho học sinh, sinh viên, hàng trăm nhà hảo tâm đã đóng góp từ mấy trăm ngàn đến mấy trăm triệu đồng. Việc làm của chị như chiếc cầu nối để giúp đỡ người nghèo và các em học sinh, sinh viên thực hiện ước mơ của mình. Cái tên gọi chị Vân khuyến học cũng xuất phát từ đó.

Hai lần tình nguyện vào chiến trường miền Nam

Ít ai biết chị Hồng Vân là người một người con gái đất Bắc vào miền Nam theo tiếng gọi của chiến trường. Quê chị ở Sơn Tây, Hà Nội. Năm 1969, khi đang là sinh viên năm nhất của khoa Văn, Đại học Sư phạm Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương mở lớp giáo viên cấp tốc hệ 10 + 1 kịp thời phục vụ con em miền Nam, vậy là chị tình nguyện sang học lớp Sư phạm cấp tốc.

Chị Nguyễn Thị Hồng Vân

Năm 1972, Bộ Giáo dục - Đào tạo phát động phong trào giáo viên tình nguyện vào Nam, chị viết đơn tình nguyện. Ba mẹ chị thương con nên không muốn con gái đi xa vào vùng mới giải phóng, nhưng tuổi hai mươi đầy sức sống, chị quyết tâm đến với vùng đất đầy bom đạn để cống hiến sức mình cho đất nước. Thấy con gái khăng khăng đòi vào Nam nên ba mẹ chị cũng đành chấp nhận động viên con hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Lúc ấy, Quảng Trị vừa mới giải phóng nên chị được cấp trên bố trí về công tác tại trường Sư phạm Quảng Trị, rồi dạy học ở trường Bổ túc Triệu Phong, đào tạo trình độ cho cán bộ các cấp thời ấy...

Làm cô giáo dạy văn chưa được bao lâu chị được cấp trên điều động về làm cán bộ Công đoàn. Cho đến năm 2007, chị là Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Trị. Khi về hưu chị lại được lãnh đạo tỉnh bố trí cho nhận nhiệm vụ mới ở Hội Khuyến học để tiếp tục vận động tài trợ giúp học sinh nghèo hiếu học.

Hơn 45 năm làm cán bộ, làm người con dâu của đất lửa Quảng Trị, chị luôn trăn trở ở đâu cũng là quê mình. Chị sống đầy trách nhiệm và cống hiến hết mình để xứng danh là người con gái đất Bắc đảm đang, nhân hậu.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/chi-van-khuyen-hoc-post185076.html