Chi tiêu tiết kiệm: Bài toán của nhiều mẹ bỉm sữa

Chi tiêu thế thế nào cho hợp lý, vừa đảm bảo nhu cầu cá nhân, sinh hoạt gia đình và dự tính cho tương lai luôn là vấn đề muôn thưở của nhiều người vợ - người nắm quyền chi tiêu trong hầu hết gia đình trẻ khi ra ở riêng. Việc chi tiêu quá đà có thể dẫn đến khủng hoảng tài chính, thậm chí gây khó khăn cho cả hai vợ chồng khi có việc cấp bách. Nhưng nếu tiết kiệm sai cách cũng khiến nhiều bà vợ rơi vào cảnh dù “nhịn đủ thứ” ví vẫn chẳng có tiền. Việc chi tiêu sao cho hợp lý để vừa tiết kiệm, vừa đảm bảo nhu cầu cuộc sống đang trở thành những thách thức của nhiều bà vợ trong xã hội hiện đại.

“Vung tay” vào nhu cầu không cần thiết

Làm đẹp, tự chăm sóc bản thân là nhu cầu chính đáng của chị em. Thế nhưng đến cuối tháng, nhiều người không khỏi “tá hỏa” khi ngân sách gia đình hết veo, không dư ra khoản tiết kiệm nào, thậm chí tháng chưa qua mà tiền đã nhẵn. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nhiều chị em chưa biết chi tiêu hợp lý, “vung tiền” vào những bộ cánh thời thượng, những loại mỹ phẩm đắt tiền, nhưng không ít trong số đó lại chẳng phù hợp với bản thân. Cuối cùng, chúng chỉ nằm lăn lóc trong góc tủ hoặc thanh lý với mức giá rẻ hơn hẳn khi mua về.

Chi tiêu thế nào khi ở riêng đã trở thành bài toán khó của nhiều chị em

Có những loại mỹ phẩm mấy trăm nghìn, thậm chí cả tiệu đồng, nhưng chưa vội tìm hiểu kỹ nhiều chị em đã vội vung tiền. Cuối cùng thành tiền mất tật mang.

Chị Lê Ngọc Anh, 30 tuổi (sống tại Hoàng Mai) tâm sự: “Vợ chồng tôi đều có việc làm ổn định, thu nhập tốt, không phải lo lắng chuyện cơm-áo-gạo-tiền. Thành ra, tủ quần áo của tôi lúc nào cũng thay đổi. Có những bộ nhìn qua rất thích mắt, nhưng quả thực khi đem về rồi lại chẳng biết phải làm gì. Giờ tôi nhận thấy mình quá lãng phí, có những bộ chất xấu hay chọn kiểu không đẹp, nên khó có thể thanh lý cũng không thể mang tặng. Nhìn cả tủ quần áo chật ứ, không còn chỗ để, nhưng số dùng được lại chả được bao nhiêu tâm trạng rất khó chịu. Giá như hồi đó tỉnh táo một chút, biết cân nhắc thì đã tiết kiệm được một khoản kha khá rồi”.

Không chỉ có vậy, dù mặt hàng đó chưa biết xuất xứ từ đâu, chất thượng thế nào, nhưng chỉ cần được truyền tai bởi người quen hay qua lời giới thiệu đường mật của chủ cửa hàng là chị em đã vội rút ví mua về để rồi xếp xó. Thậm chí, nhiều loại mỹ phẩm có giá nhiều trăm nghìn đồng, nhưng được đóng hộp sơ sài, không có uy tín, cuối cùng cũng chỉ là kem trộn, dùng lâu ngày rất gây hại cho da.

Những dòng feedback không biết thật hay giả, nhưng cũng làm xuôi tai nhiều chị em

Có những mặt hàng vài trăm nghìn đồng, nhưng lại không tìm thấy địa chỉ uy tín

Chị Nguyễn Ngọc Thảo, 32 tuổi (sống tại Cầu Giấy) bày tỏ: “Mẹ chồng tôi vốn là người tằn tiện, còn tôi bản tính phóng khoáng. Kết quả từ ngày ra ở riêng, không bị ai kìm hãm, tôi cứ vậy mà vung tay quá đà. Giờ lục lại tủ đồ, tôi mới biết mình đã sai lầm thế nào. Có những loại mỹ phẩm vài trăm nghìn đồng, tôi đọc qua thấy hay mua về. Dùng vài ngày, vì không hợp hoặc lại thèm cái mới, thế là bỏ giở. Giờ toàn bộ chúng đã hết hạn sử dụng, tích lại cũng phải chục triệu đồng - đủ đóng tiền một khóa học tiếng Anh cho con”.

Không ai phê phán chị em làm đẹp cho bản thân. Nhưng nếu không biết sử dụng đồng tiền đúng chỗ sẽ thành lãng phí. Tuy nhiên, nhiều người lại tiết kiệm quá đà thành ra phản tác dụng.

“Năng nhặt chặt bị” thành lãng phí

Nhiều chị em mang tâm lý ham rẻ. Hai mặt hàng giống hệt nhau, một bên bày ở cửa hàng uy tín giá vài trăm nghìn đồng, một bên bán ở chợ đen giá mấy chục nghìn đồng. Không suy tính đến xuất xứ, chất lượng đã vội vàng nghiêng ví tiền vào bên rẻ hơn. Khi mua rồi mới tá hỏa đó chỉ là hàng giả, dùng vài ngày đã hỏng. Nhất là đối với mặt hàng mỹ phẩm, dễ gây kích ứng, làm hại sức khỏe của nhiều chị em.

Cùng là son maybeline, nhưng trên mạng rao bán 30 nghìn đồng,

còn website chính thức có giá 168 nghìn đồng.

Chị Phạm Phương Thảo, 26 tuổi (sống tại Hoàng Mai) cho biết: “Tiết kiệm là tốt, nhưng tiết kiệm quá mức là dại. Quần áo, mỹ phẩm tôi đều mua ở chợ. Có loại kem chống nắng bên ngoài bán hơn trăm nghìn đồng, nhưng ở đây bán có mấy chục nghìn đồng, không suy tính nhiều, lại ham rẻ nên mua về. Dùng được một tháng, thấy nổi mẩn đỏ, đi khám bác sĩ phán: dị ứng do kem trộn. Giờ hàng nhái nhiều quá, toàn lấy chất liệu từ đâu về, chỉ có mình ham rẻ lại thiếu hiểu biết, nên tự dùng tiền mua thiệt vào thân”.

Bên cạnh đó, nhiều chị em gia cảnh khấm khá, nhưng lại tiết kiệm quá đà. Dù thích một mặt hàng, chất lượng cũng ổn, giá cả phải chăng, phù hợp với bản thân, nhưng vì “sợ” lãng phí lại không dám mua. Tằn tiện là tốt, nhưng nếu không biết điều chỉnh sẽ gây tâm lý ức chế. Sự khó chịu đó kéo dài có thể “bùng cháy” vào thời điểm nào đó. Không tự chủ được, chị em sẽ vung tay đổ tiền vào những thứ không cần thiết và cuối cùng lại hối hận. Thậm chí khi đã lớn tuổi, những bộ đồ muốn mua đã không phù hợp nữa, những nơi muốn đến lại chẳng còn dành cho lứa tuổi của mình.

Chị Lê Kiều Anh, 30 tuổi (sống tại Mai Dịch) chia sẻ: “May mắn hơn nhiều chị em, gia đình tôi cũng có điều kiện, nhưng nghĩ xa cho tương lai mà dè xẻn quá mức. Từ miếng ăn, đến cái mặc, dù có thích đến đâu cũng tặc lưỡi cho qua. Nhưng đến một ngày, có lẽ do kìm nén đã lâu, nên tôi vung tay quá trán. Thành ra những khoản tiết kiệm bấy lâu thành quần áo, mỹ phẩm hết. Thậm chí, nhiều thứ trong đó chẳng cần dùng đến. Tối hôm ấy, con gái tôi xin tiền học thêm, lúc đó mới lặng người. Hối hận thì đã muộn”.

Cùng vấn đề trên, bác Hoàng Thúy An, 50 tuổi (sống tại Nam Từ Liêm) tâm sự: “Hồi mới ra ở riêng, vì điều kiện không cho phép, nên vợ chồng tôi cũng tiết kiệm lắm. Làm cái gì cũng cân đo từng chút một. Thích cái áo, dù chỉ vài chục nghìn đồng cũng không dám mua. Ngày cuối tuần, muốn đi đâu đó để thư thả đầu óc, dù giả cả phải chăng, nhưng thấy tiếc nên quyết định ở nhà. Giờ cuộc sống khấm khá, nhưng những bộ áo mình thích cũng không mua được. Những nơi mình muốn đến chỉ đành tặc lưỡi ngang qua. Vì tuổi đã cao rồi, sao phù hợp được nữa, những cái đó chỉ dành cho giới trẻ thôi”.

Đó chỉ là một trong rất nhiều người vợ đang loay hoay để tìm cách chi tiêu tiết kiệm trong cuộc sống hiện đại vốn có quá nhiều thứ có thể cần đến tiền. Thay vì phung phí không cần thiết hoặc tiết kiệm một cách gò bó như vậy, thiết nghĩ chị em nên lập ra phương pháp chi tiêu thông minh. Biết khi nào nên rút ví, khi nào không, tiêu tiền cho khoản nào, còn việc gì không cần thiết.

Việc ghi chép lại chi tiêu trong tháng sẽ giúp chị em hình dung được sinh hoạt của gia đình, biết được những khoản nào là cần thiết, khoản nào có thể thay đổi. Nhiều mẹ bỉm sữa cũng có thể áp dụng mẹo nhỏ mỗi tháng tiết kiệm một khoản nhất định dù khoản tiền này chỉ là vài trăm nghìn đồng mỗi tuần, 1-2 triệu/tháng, thì năng nhặt chặt bị, số tiền này sẽ giúp chị em có khoản chi tiêu gia đình khi có việc khẩn thiết. Học cách chia những khoản tiền cần chi tiêu thiết yếu trong gia đình như: tiền ăn, đóng học cho con, mua sắm cho gia đình… trong tháng từ khi có lương cũng sẽ giúp việc tiêu tiền trong gia đình trở nên khoa học hơn... Với vài lưu ý cùng chút khéo léo, các chị em vẫn có thể tiết kiệm trong chi tiêu mà lòng vẫn cảm thấy thoải mái vì những nhu cầu của cuộc sống vẫn được đáp ứng đầy đủ.

Tag:

Link:

Nguyễn Thị Xuân Quỳnh

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/xa-hoi-gia-dinh/chi-tieu-tiet-kiem-bai-toan-cua-nhieu-me-bim-sua