Chỉ tiêu còn nhiều, thí sinh cân nhắc lựa chọn

GD&TĐ - Rất nhiều chỉ tiêu ở cả các trường tốp đầu lẫn tốp giữa. Lời khuyên của các chuyên gia tuyển sinh đưa ra là thí sinh phải cân nhắc kỹ vì lần xét bổ sung này, thí sinh có quá nhiều lựa chọn với 3 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng.

Thí sinh cần đặc biệt lưu ý là một số trường đại học lớn có tính cạnh tranh rất cao. Việc rút hồ sơ ra nộp lại là hoàn toàn không nên vì quy chế không cho phép. Nếu thí sinh rút hồ sơ là bỏ lỡ cơ hội học tập của mình.

Nhiều chỉ tiêu ở các khối ngành

Đến hết ngày 23/8, đã có danh sách, chỉ tiêu của hơn 150 đại học, trường đại học, học viện, cao đẳng thông báo xét tuyển bổ sung nguyện vọng đợt 1. Năm nay, nhiều trường đại học tốp đầu cho đến tốp giữa, tốp dưới đều tuyển bổ sung từ hàng trăm đến hàng nghìn sinh viên.

Trong đó Đại học Bách khoa Hà Nội tuyển bổ sung gần 800 chỉ tiêu, Đại học Y Hà Nội hơn 200 chỉ tiêu. Học viện Báo chí và Tuyên truyền xét tuyển bổ sung 500 chỉ tiêu. Đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên) tuyển bổ sung 1.554 chỉ tiêu. Học viện Ngoại giao tuyển bổ sung cho các ngành Quan hệ quốc tế, Kinh tế quốc tế, Luật quốc tế, Truyền thông quốc tế với mức điểm từ 21 trở lên các khối A1, D1, D3.

Ở phía Nam, Trường Đại học Mở TPHCM tuyển 380 chỉ tiêu bổ sung. Trường ĐH Ngân hàng TPHCM xét tuyển 350 chỉ tiêu bổ sung cho các ngành. Trường Đại học Kiến trúc xét tuyển bổ sung 150 chỉ tiêu cho các cơ sở đào tạo tại TPHCM và Cần Thơ. Trường Đại học Công nghệ TPHCM cho biết tiếp tục xét tuyển với 1.600 chỉ tiêu ĐH, CĐ.

Trường Đại học Kinh tế Tài chính TPHCM cũng tuyển 550 chỉ tiêu cho tất cả các ngành đào tạo ĐH, CĐ. Đại học Tài chính - Marketing tuyển bổ sung hơn 1.000 chỉ tiêu với điểm xét tuyển giảm từ 3,5 đến 5,75 điểm tùy theo ngành so với mức đợt 1. Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng thông báo xét tuyển bổ sung 5 ngành với mức điểm nhận hồ sơ giảm so với đợt 1: Răng Hàm Mặt (22,25); Điều dưỡng (20,25); Kỹ thuật y học (20,75); Khúc xạ nhãn khoa (18,75); Y tế công cộng (20,25). Trong đó, ngành Điều dưỡng có chỉ tiêu xét tuyển bổ sung nhiều nhất là 49 chỉ tiêu.

Trong số các trường và đơn vị trực thuộc của Đại học Quốc gia TPHCM, Trường Đại học Quốc tế tuyển 505 chỉ tiêu cho 15 ngành đào tạo với điểm nhận hồ sơ 17 - 22 điểm. Trường Đại học Công nghệ thông tin cũng tuyển bổ sung 240 chỉ tiêu cho 7 ngành đào tạo với điều kiện thí sinh đạt 18 - 20 điểm, tùy ngành.

Trường Đại học Khoa học Tự nhiên tuyển 330 chỉ tiêu đại học chính quy: Toán học, Vật lý học, Hải dương học, Địa chất học... 120 chỉ tiêu đại học chính quy chương trình chất lượng cao, tiên tiến, liên kết ở ngành Công nghệ kỹ thuật Hóa học, Công nghệ thông tin. Khoa Y tuyển thêm 50 chỉ tiêu ngành Dược học theo tổ hợp xét tuyển Toán, Hóa, Sinh với yêu cầu đạt 21,5 điểm trở lên.

Thí sinh cần cẩn trọng

Rút kinh nghiệm khi kết thúc đợt xét tuyển lần thứ nhất, trong đợt xét tuyển bổ sung này nhiều trường ĐH, CĐ đã đưa ra ngưỡng nhận đăng ký xét tuyển gần với điểm chuẩn dự kiến hơn. Nói về việc hạ điểm chuẩn nguyện vọng bổ sung, như ở Đại học Y Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Đến thời điểm hiện tại, trường cũng đã nhận được số lượng hồ sơ tương đối.

Tuy điểm nhận hồ sơ của trường đưa ra có thấp hơn mức điểm chuẩn đợt 1 xét tuyển một chút nhưng không có nghĩa điểm chuẩn đợt xét tuyển bổ sung sẽ thấp hơn đợt 1. Ông đưa ra ví dụ, với ngành Y Đa khoa, chúng tôi tuyển 41 chỉ tiêu, mức hồ sơ nhận từ 23,5 điểm. Nếu có 100 hồ sơ nộp, chúng tôi sẽ lấy từ trên xuống đến đúng chỉ tiêu 41. Vì vậy, chưa chắc điểm trúng tuyển đã thấp hơn đợt 1 - ông Hinh khẳng định.

Lời khuyên của các chuyên gia tuyển sinh cho lúc này là, thí sinh phải cân nhắc kỹ vì lần xét bổ sung này, thí sinh có nhiều lựa chọn với 3 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng. Thí sinh cần đặc biệt lưu ý là một số trường đại học lớn có tính cạnh tranh rất cao, có thể mức điểm nhận đăng ký xét tuyển bổ sung đưa ra chỉ ở mức thấp hơn đợt 1, hoặc bằng với ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ GD&ĐT, tuy nhiên chưa chắc điểm trúng tuyển sẽ ở mức đó vì sẽ có nhiều thí sinh cùng có nguyện vọng vào trường này, theo quy luật, trường sẽ lấy thí sinh từ điểm cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu, như vậy nếu điểm không cao thì rất có thể thí sinh sẽ lại trượt nguyện vọng bổ sung.

Không nên rút hồ sơ

Những ngày qua ở một số trường ĐH, CĐ, ngoài thí sinh đến nộp nguyện vọng bổ sung thì cũng có những thí sinh cho dù đã trúng tuyển nhưng vẫn đến xin rút hồ sơ để nộp vào trường khác, nhất là những trường trong khối Quân đội khi những trường này công bố xét tuyển bổ sung hơn nghìn chỉ tiêu khiến thí sinh hy vọng với mức điểm cao của mình, nếu rút ra nộp lại mình sẽ trúng tuyển vào những trường này.

Về việc này, PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Bách khoa Hà Nội có lời khuyên với thí sinh: Việc rút hồ sơ ra là không nên bởi thí sinh có thể gặp rủi ro khi xét tuyển sang trường khác. Theo quy định, khi nộp hồ sơ trúng tuyển, Giấy chứng nhận gốc về trường thì trường đã cập nhật và gửi dữ liệu về hệ thống của Bộ GD&ĐT. Dữ liệu này Bộ nắm và các trường không có quyền can thiệp, việc này đồng nghĩa với mã xét tuyển của các em đã hết thời hạn và không thể thay đổi được nữa.

Cũng như vậy, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân là đại học tốp đầu, trường đã hoàn thành công tác tuyển sinh và không xét tuyển bổ sung. Tuy nhiên cũng có những thí sinh đã trúng tuyển vào trường nhưng vẫn muốn thay đổi nguyện vọng sang học trường khác. Ông Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Đào tạo nhà trường - cho biết: Những ngày qua cũng có thí sinh đến xin rút hồ sơ để nộp vào trường Quân đội.

Nghe trình bày thì chúng tôi cũng thông cảm vì đây là hoàn cảnh và sở thích của các em, thế nên trước ngày 19/8 khi chưa hết thời hạn nộp hồ sơ trúng tuyển, trường đã giải quyết vì còn nắm dữ liệu, còn sau 20/8 thì dữ liệu đã gửi về hệ thống của Bộ nên trường không giải quyết cho thí sinh rút hồ sơ nữa, vì nếu để các em rút ra không nhập học được trường khác và quay về cũng không được thì thiệt cho các em.

Có thể đồng tình hoặc không đồng tình với việc rút hồ sơ nộp lại của thí sinh, nhiều ý kiến vẫn nghiêng về việc thí sinh cần phải chấp nhận “luật chơi”, như kỳ thi “3 chung” trước đây, thí sinh cũng vẫn phải đăng ký xét tuyển vào trường nào trước khi thi, không phải không có thí sinh điểm cao nhưng vẫn tiếc nuối vì chót đăng ký vào trường thấp hơn.

Nói như ông Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Kinh tế Quốc dân: “Việc thí sinh đến xin rút hồ sơ là hiệu ứng tất yếu của quy định cho phép các trường hạ điểm chuẩn để tuyển bổ sung trong quy chế tuyển sinh năm nay. Đây là luật chơi đã đặt ra và thí sinh buộc phải chấp nhận để đảm bảo công bằng cho các thí sinh khác. Sẽ không có một phương pháp tuyển sinh nào hoàn hảo nhất là trong bối cảnh hiện tại” - ông Triệu nhấn mạnh.

Theo nhận định của các chuyên gia tuyển sinh, vẫn còn nhiều thí sinh có mức điểm cao (trên 20 điểm) chưa trúng tuyển đợt 1 và còn rất nhiều cơ hội cho thí sinh ở các trường từ tốp trên đến tốp giữa. Các chuyên gia cho rằng với 6 nguyện vọng ở đợt bổ sung này cùng với hơn 150 trường xét tuyển bổ sung thì không thiếu cơ hội vào học một trường nào đó theo mong muốn của thí sinh.

Vấn đề là phải đưa ra quyết định chính xác, thí sinh cần đặc biệt lưu ý điểm được các trường đưa ra là ngưỡng tối thiểu chứ không phải điểm chuẩn vào trường nên phải tiếp tục tham khảo điểm chuẩn vào các ngành, các trường của đợt xét tuyển đầu tiên, sau đó tính toán để đưa ra quyết định nộp đăng ký xét tuyển sao cho phù hợp với kết quả thi của mình.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/chi-tieu-con-nhieu-thi-sinh-can-nhac-lua-chon-2219226-b.html