Chi tiết vụ phá rừng pơ mu lớn nhất Quảng Nam

Chiều 25/8, Công an tỉnh Quảng Nam vừa tổ chức họp báo công bố thông tin về việc điều tra vụ án phá rừng pơ mu tại Rừng phòng hộ Nam Sông Bung, giáp ranh giữa huyện Nam Giang (Quảng Nam) và huyện Đắc Chưng (tỉnh Sê Kông – Lào).

Chủ trì họp báo có Đại tá Nguyễn Viết Lợi, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam và Đại tá Huỳnh Sông Thu, Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam.

Theo kết quả điều tra ban đầu vụ án “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”, cơ quan điều tra đã khởi tố 9 đối tượng trong đường dây phá rừng này.

Ngày 26/7, Công an đã bắt đối tượng Nguyễn Văn Thắng (quê huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) là nhóm trưởng trực tiếp chặt phá rừng. Sau đó tiếp tục bắt một số đối tượng, trong đó có Nguyễn Văn Quang (trú quận 12, TP. HCM), người tổ chức thuê nhóm khai thác và nhóm vận chuyển gỗ.

Tính đến nay, cơ quan chức năng đã ra quyết định khởi tố 9 bị can. Ngoài ra, nhiều đối tượng được cho tại ngoại, có đối tượng vẫn đang lẩn trốn.

Đại tá Nguyễn Viết Lợi, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam chủ trì buổi họp báo

Về việc 4 cán bộ đã bị đình chỉ công tác để phục vụ cho việc điều tra, Đại tá Nguyễn Viết Lợi, Giám đốc CA tỉnh Quảng Nam, cho biết: “Đây là một vụ việc có tổ chức nhưng cho đến bây giờ vẫn chưa có bất cứ chứng cứ hay tài liệu nào chứng minh việc có sự bảo kê hay tham gia tổ chức của các cơ quan chức năng được giao quản lý trên địa bàn”.

Đại tá Lợi còn cho biết thêm, đây mới chỉ là kết quả ban đầu, vụ việc có tổ chức nên trách nhiệm của Cơ quan điều tra là phải làm rõ về trách nhiệm quản lý nhà nước có liên quan hay không.

Toàn cảnh vụ họp báo chiều 25/8

Được biết, ngày 19/8, cơ quan điều tra vừa bắt được đối tượng Tiêu Hồng Tư (một trong những đối tượng cung cấp tài chính cho các đối tượng khai thác gỗ) tại sân bay Đà Nẵng. Tuy nhiên, hiện các đối tượng vẫn chưa khai ra thông tin gì liên quan đến các cán bộ hải quan, biên phòng nên chưa thể thông tin được gì.

Khi các PV đề cập đến số gỗ phát hiện và thu giữ nằm xung quanh khu vực biên phòng, hải quan có phải số gỗ Pơmu nằm trong vụ án phá rừng này hay không, Đại tá Lợi cho biết “hiện vẫn đang chờ kết quả giám định của cơ quan chức năng, khi nào có kết luận trưng cầu giám định thì chúng tôi mới tiếp tục thông tin thêm”.

Đại tá Huỳnh Sông Thu, Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam tóm tắt vụ án phá rừng pơ mu

Tại buổi họp báo, Đại tá Nguyễn Viết Lợi bày tỏ cảm ơn các cơ quan báo chí thời gian qua đã đưa thông tin kịp thời và hỗ trợ tích cực cho Cơ quan điều tra.

Sáng cùng ngày, UBND tỉnh Quảng Nam vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về vụ án phá rừng pơ mu như chỉ đạo trước đó.

Trước đó, ngày 9/7, công an phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung kiểm tra khu vực biên giới và phát hiện, thu giữ 280 phách gỗ pơ mu được tập kết cách Trạm Cửa khẩu huyện Nam Giang khoảng 500 mét.

Tiếp theo đó, lực lượng chức năng liên tục kiểm tra và phát hiện nhiều phách gỗ pơ mu ở sát khu vực trạm biên phòng, trong khuôn viên trụ sở Chi cục Hải quan cửa khẩu Nam Giang. Ngay sau khi nhận được thông tin vụ việc, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã băng rừng để tiến hành kiểm tra vụ việc.

Hàng trăm phách gỗ pơ mu bị lâm tặc đốn hạ

Nhận định vụ phá rừng pơ mu tại khu vực vành đai biên giới Nam Giang là vụ việc có tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh, các lực lượng chức năng vào cuộc điều tra, khởi tố vụ án, tạm đình chỉ công tác và bắt tạm giam một số đối tượng có liên quan.

Trong đó, ba cán bộ biên phòng gồm Thượng tá Nguyễn Tấn Lạc (Đồn trưởng Đồn biên phòng La Dêê), Thiếu tá Đỗ Hoàng Minh (chính trị viên) và Đại úy Lê Xuân Chính (Đồn phó kiêm Trạm trưởng Trạm Kiểm soát biên phòng cửa khẩu Đắc Ốc) cũng đã bị Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng tạm đình chỉ công tác.

Nhiều gốc pơ mu lớn bị chặt hạ

Ngoài ra, Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cũng đã có văn bản yêu cầu Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Quảng Nam tạm đình chỉ công tác đối với ông Lê Trung Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Nam Giang.

Đặc biệt, ngày 21/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có văn bản chỉ đạo xử lý vụ việc và giao cho Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, UBND tỉnh Quảng Nam điều tra làm rõ vụ việc, đồng thời xử lý nghiêm, kịp thời các đối tượng vi phạm.

Các đối tượng đã bị bắt khẩn cấp gồm: Nguyễn Văn Thắng (1978), nhóm trưởng khai thác; Nguyễn Văn Sanh (1982), nhóm trưởng vận chuyển; Lê Trọng Dương (1968), nhóm phó khai thác. Các đối tượng trú tại Quảng Bình.

Nguyễn Văn Quang (1982) trú Bắc Trà My, tổ chức nhóm đối tượng khai thác gỗ; Tiêu Hồng Tư (1967), trú tại Hoàng Mai, Hà Nội. Đây là đối tượng cung cấp tài chính cho các đối tượng khai thác gỗ.

Nhóm đối tượng đã đầu thú gồm: Phạm Văn Bỗng (1990); Mai Văn Châu (1990); Mai Văn Cường (1986) và Lê Hồng Diêu (1982).

11 đối tượng vận chuyển đang bỏ trốn gồm: Nguyễn Văn Ngự (1980); Nguyễn Văn Tùng (1989); Nguyễn Văn Phường ( (1984); Nguyễn Văn Tiến (1982); Cao Văn Hới (1992); Hoàng Văn Luận (1978); Nguyễn Văn Thu ( 1990); Hoàng Văn Sử (1981); Nguyễn Văn Danh ( 1989); Nguyễn Văn Long (1993); Nguyễn Văn Dũng (1986).

Clip: Phóng sự điều tra phá rừng ở Đắk Lắk do VTV24 thực hiện

Đại Nguyên

Bình luận

Nguồn VTC: http://vtc.vn/chi-tiet-vu-pha-rung-po-mu-lon-nhat-quang-nam-d272951.html