Chỉ thị 20 thần tốc của Thủ tướng

Ngay sau khi kết thúc Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký chỉ thị 20 tránh thanh tra chồng chéo. Đây là chỉ thị được giải quyết ngay tại chỗ, điều chưa từng có trước đây.

Chia sẻ với báo chí tại cuộc Họp báo chiều 17/5 sau khi kết thúc Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng tiết lộ: “Một ngày trước khi Hội nghị diễn ra, sáng 16/5 Thủ tướng giao nhiệm vụ cho VPCP, Thanh tra CP và Bộ Tư pháp, chỉ 1 ngày là các cơ quan được giao nhiệm vụ đã soạn xong Chỉ thị để trình Thủ tướng ký vào đầu giờ chiều 17/5”.

Quan điểm của Chỉ thị là trong 1 năm chỉ được thanh, kiểm tra hoặc kiểm toán 1 lần. Về thẩm quyền của Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, đầu năm phải phê duyệt kế hoạch thanh tra theo kế hoạch. Như vậy, cơ quan Công an có thẩm quyền liên quan dến kiểm tra phòng chống cháy nổ; Sở TN&MT liên quan đến thanh tra về môi trường; Cục Thuế liên quan đến thanh tra thuế; Sở Xây dựng liên quan đến thanh tra về xây dựng... Như vậy, Thanh tra tỉnh, thành phố là đầu mối chủ trì tiếp nhận toàn bộ đề xuất về thanh tra của các Sở, ngành, qua đó xây dựng kế hoạch để trình Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phê duyệt kế hoạch thanh tra.

“Hàng năm, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố ký quyết định thanh, kiểm tra theo kế hoạch theo thẩm quyền của tỉnh, thành phố. Khi có phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật, nhưng yêu cầu phải có chứng cứ, có dấu hiệu rõ ràng, chứ không phải cứ vào thanh tra nhưng cuối cùng không phát hiện dấu hiệu”.

Khi các cơ quan phát hiện có sự thanh kiểm tra chồng chéo, yêu cầu báo cáo Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố giải quyết, nếu để DN kiến nghị lên cấp cao hơn, người đứng đầu các tỉnh, thành phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ.

“Chúng ta có thanh kiểm tra theo kế hoạch và thanh kiểm tra đột xuất. Khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng sẽ tiến hành thanh tra đột xuất. Còn thanh, kiểm tra theo kế hoạch là thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố”, Bộ trưởng – Chủ nhiệm VPCP khẳng định.

Cũng theo Chỉ thị 20, nếu các tổ chức, cá nhân không thực hiện Chỉ thị, người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng, nếu vi phạm pháp luật phải xử lý theo quy định của pháp luật.

Khi DN đặt vấn đề về phí không chính thức và phí chính thức rất cao, đây cũng là nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là xây dựng đề án giảm phí các loại cho DN. Hiện nay rất cần có một cơ chế chính sách để khuyến khích gần 5 triệu hộ kinh doanh cá thể đăng ký thành lập DN, đó cũng là nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bộ Tài nguyên và Môi trường có nhiệm vụ báo cáo Chính phủ sửa đổi Luật Đất đai. Bộ Tài chính có trách nhiệm tháo gỡ các thủ tục liên quan đến thuế, hải quan, giảm thời gian, giảm chi phí thông quan,…

“Chính phủ cũng bàn tới cơ chế giám sát khi DN phản ảnh “trên nóng dưới lạnh”, thậm chí không lạnh mà còn “đóng băng”, “trên cởi trói nhưng dưới thắt lại”; ngay cả vấn đề nhận thức, quan điểm, chuyên môn của công chức, Chỉ thị cũng nêu rõ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 13 của Thủ tướng, đó là cần có biện pháp mạnh như cách chức, thuyên chuyển đối với cán bộ công chức. Tiếp tục giao cho Bộ, ngành và địa phương quản lý theo hướng đó,” Bộ trưởng – Chủ nhiệm VPCP cho biết.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, “khi Chỉ thị đã được ban hành, với sự giám sát của người dân, doanh nghiệp và cơ quan báo chí, các cơ quan tổ chức buộc phải chấp hành, kể cả doanh nghiệp. Doanh nghiệp tạo ra cán bộ hư là cũng có lỗi của doanh nghiệp. Tất cả phải cùng nhau giám sát để Chỉ thị của Thủ tướng đi vào hiệu quả”.

Việc giảm chi phí cho DN là vấn đề rất quan trọng, Chỉ thị sẽ tập trung tháo gỡ rào cản, giấy phép con, xóa bỏ lợi ích nhóm, giảm giá thành để DN có thể cạnh tranh sản phẩm.

Nguyễn Tuân

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/chi-thi-20-than-toc-cua-thu-tuong-post227847.info