Chỉ tập trung sửa đổi những quy định rõ ràng có sai sót của BLHS năm 2015

Sáng 3/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 4.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp

Sau phiên khai mạc, UBTV Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13.

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, Ủy ban Tư pháp tán thành với các quan điểm chỉ đạo xây dựng dự thảo Luật đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh, việc sửa đổi phải trên cơ sở rà soát đầy đủ các sai sót của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Rút kinh nghiệm từ nguyên nhân chính dẫn đến sai sót của Bộ luật Hình sự năm 2015 là do sức ép quá lớn về thời gian, mong muốn có thêm thời gian để tiếp tục rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng các nội dung tránh những sai sót có thể tái diễn, đa số ý kiến trong Ủy ban Tư pháp đề nghị UBTV Quốc hội trình Quốc hội cho phép thông qua dự án Luật tại 2 kỳ họp (tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội thảo luận cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 3).

Về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng chỉ tập trung sửa đổi những quy định rõ ràng có sai sót dẫn đến bỏ lọt tội phạm, hoặc có thể dẫn đến tùy tiện trong áp dụng hoặc thiếu nhất quán về chính sách hình sự… Tuy nhiên, việc sửa đổi phải bảo đảm khắc phục hết được những sai sót, tránh tình trạng sau khi thi hành lại tiếp tục phát hiện có sai sót. Bên cạnh đó, cũng cần phải nghiên cứu để sửa đổi các điều luật có quy định chưa rõ về nội dung, mâu thuẫn với luật chuyên ngành, sai hoặc không phù hợp về kỹ thuật lập pháp; gây khó khăn trong xử lý tội phạm, thiếu tính dự báo… để bảo đảm tính thống nhất của cả Bộ luật cũng như với các đạo luật khác.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên UBTV Quốc hội cơ bản nhất trí với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, Ban soạn thảo cần tập trung sửa đổi các sai sót về mặt kỹ thuật, còn những nội dung liên quan đến chính sách hình sự, các chính sách mới, chưa được thực tiễn kiểm nghiệm chưa nên sửa đổi, bổ sung lần này.

Về việc dự thảo Luật quy định chi tiết 31 loại tội phạm của pháp nhân thương mại, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt câu hỏi, việc sửa đổi như vậy có gây ảnh hưởng gì đến quyền tự do kinh doanh của tổ chức, cá nhân hay không? quy định như vậy đã đúng với tinh thần của Hiến pháp chưa? Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát kỹ hơn các quy định của dự thảo Luật, đánh giá tác động của từng điều luật, tránh xảy ra thêm sai sót.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho rằng, Ban soạn thảo nên cân nhắc thận trọng, bám sát quan điểm giảm tối đa án tử hình được dư luận và đồng tình cao cũng như thể hiện được tính nhân văn của Bộ luật.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, phạm vi sửa đổi bổ sung của dự thảo Luật tập trung vào các điều khoản có lỗi kỹ thuật, về nội dung, đồng thời bảo đảm tuân thủ các chính sách hình sự đã được thông qua của Bộ luật Hình sự. Về mặt nguyên tắc, dự thảo Luật sẽ không sửa đổi các nội dung về phần quy định chung về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân; các quy định về trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội; không sửa đổi các điều luật theo hướng làm tăng nặng trách nhiệm hình sự…

* Chiều 3/10, UBTV Quốc hội đã cho ý kiến về kế hoạch kiểm toán năm 2017 của Kiểm toán nhà nước.

Thảo luận tại phiên họp, đa số thành viên UBTV Quốc hội ghi nhận những nỗ lực mà ngành kiểm toán đã thực hiện trong thời gian qua, góp phần hoàn thiện cơ chế quản lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Tuy nhiên, các Ủy viên UBTV Quốc hội cũng cho rằng, để nâng cao hơn nữa hiệu quả kiểm toán thì việc thực hiện kế hoạch kiểm toán trong năm 2017 cần phải tiến hành tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải.

Về chất lượng của kết quả kiểm toán, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt nêu thực tế: Vụ Vinashin có hơn 10 đoàn kiểm tra, kiểm toán vào nhưng không phát hiện được sai phạm, sau đó mới phát hiện ra. Sau này có những vụ án, vụ việc từ việc đơn giản nhưng sau đó ra hàng loạt vấn đề.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt phát biểu tại phiên thảo luận

Ông Võ Trọng Việt ví von: “Nhiều người nói với tôi rằng kiểm tra, kiểm toán với tham nhũng, tiêu cực là 2 đường thẳng song song, thỉnh thoảng có ga mới gặp được nhau, mà ga đó nhờ người dân, báo chí phát hiện”.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị giảm các đầu mối cơ quan để tập trung các vấn đề bức xúc của xã hội, bởi nếu làm theo kê khai thì sợ rằng lực lượng kiểm toán không đủ để tập trung kiểm toán những vấn đề lớn của đất nước.

Cùng quan điểm, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, làm thế nào để nâng cao chất lượng của kết quả kiểm toán là điều quan trọng. Thực tế là hiện nay không thể nào thực hiện kiểm toán được hết các cơ quan sử dụng ngân sách và các chương trình dự án.

“Chính vì vậy, để tránh dàn trải, nâng cao hiệu quả kiểm toán, cần phải rút bớt lại một số chuyên đề, nên tập trung lại một số chuyên đề lớn để kiểm toán. Kiểm toán rồi thì phải có kiến nghị rõ ràng, xác định ai đúng, ai sai, kiến nghị vấn đề gì để từ đó hoàn thiện cơ chế chính sách” – Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói.

T.Toàn

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/chi-tap-trung-sua-doi-nhung-quy-dinh-ro-rang-co-sai-sot-cua-blhs-nam-2015/