Chỉ mới 13% thịt heo vào chợ đầu mối có truy xuất nguồn gốc

Kết quả kiểm tra vào đêm 30-7 tại hai chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn của Sở Công Thương cho thấy: Chỉ có 3.351 con heo được truy xuất nguồn gốc tại các trang trại (chiếm 35% tổng lượng thịt heo nhập vào các chợ đầu mối). Từ trang trại đến khâu giết mổ, tỷ lệ 35% này “bốc hơi” chỉ còn 21% (1.991 con) do không có việc giám sát của cơ quan thú y, và khi đưa tới hai chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền, tỷ lệ này chỉ còn có 13% (1.205 con)...

Ngày 31-7, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh họp báo, công bố tình hình kiểm tra truy xuất nguồn gốc thịt heo tại hai chợ đầu mối.

Bắt đầu từ ngày 1-8, TP Hồ Chí Minh chính thức kiểm soát toàn bộ thông tin truy xuất nguồn gốc thịt heo kinh doanh tại hai chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết: Lượng thịt heo cung ứng cho thị trường TP Hồ Chí Minh thì chợ đầu mối chiếm 80%, hệ thống kinh doanh hiện đại chiếm 16-17%... Vì vậy, nếu kiểm soát được nguồn gốc thịt heo nhập vào các chợ đầu mối thì gần như kiểm soát được nguồn thịt heo cung ứng cho thị trường TP.

Tuy nhiên, kết quả kiểm tra vào đêm 30-7 tại hai chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn của Sở Công Thương cho thấy: Chỉ có 3.351 con heo được truy xuất nguồn gốc tại các trang trại (chiếm 35% tổng lượng thịt heo nhập vào các chợ đầu mối). Từ trang trại đến khâu giết mổ, tỷ lệ 35% này “bốc hơi” chỉ còn 21% (1.991 con) do không có việc giám sát của cơ quan thú y, và khi đưa tới hai chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền, tỷ lệ này chỉ còn có 13% (1.205 con). Trong khi đó, lượng thịt heo vào chợ Bình Điền và Hóc Môn bình quân 8.400 con.

Người tiêu dùng chỉ mới truy xuất được nguồn gốc thịt heo tại kênh phân phối hiện đại.

Theo ông Hòa, TP Hồ Chí Minh là đơn vị duy nhất thực hiện đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo. Nhưng thực tế, lượng thịt heo cung ứng cho thị trường TP có đến 85% nguồn heo từ các tỉnh nhập vào. Vì vậy, khi thực hiện đề án này phụ thuộc nhiều vào sự hợp tác với các địa phương có nguồn thịt heo cung ứng cho TP, nên cũng gặp không ít khó khăn.

Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo triển khai thử nghiệm từ ngày 16-12-2016 đã nhận được sự tham gia của 25 cơ sở giết mổ, 1.280 cơ sở chăn nuôi ở TP Hồ Chí Minh và 15 địa phương. Sau hơn 6 tháng thử nghiệm, hiện nay tại kênh phân phối hiện đại siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm...) đã triển khai hoàn tất và đầy đủ truy xuất nguồn gốc thịt heo với hơn 800 điểm bán tại TP Hồ Chí Minh và 50 điểm bán tại các tỉnh, thành thông qua các hệ thống siêu thị Co.op Mart, LOTTE Mart, Aeon…

Theo kế hoạch, sau khi thử nghiệm tại kênh phân phối hiện đại (tháng 12-2016) thì ngày 1-3-2017 triển khai tiếp tại hai chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn và 11 chợ loại 1 của TP. Tuy nhiên, với tình hình thực tế như trên thì việc truy xuất nguồn gốc thịt heo tại hai chợ đầu mối không chuyển biến.

Nhiều ý kiến cho rằng, để đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo khả thi, vấn đề cần làm là bên cạnh vận động, cần có biện pháp chế tài mạnh mẽ tại cơ sở giết mổ. Chỉ cần các lò giết mổ yêu cầu heo phải có nguồn gốc thì lò mổ mới tiếp nhận giết mổ thì khi khi đó sẽ tác động dây chuyền đến các trang trại chăn nuôi. Khi lò giết mổ làm tốt việc truy xuất nguồn gốc, thì chợ đầu mối chỉ cần kích hoạt, kiểm tra, đưa heo ra thị trường tiêu thụ. Dùng cơ chế vận hành của thị trường, thực hiện kiên quyết tại chợ đầu mối thì giải quyết được bài toán truy xuất nguồn gốc tại lò mổ ở các tỉnh.

Ông Hòa cho biết, với những khó khăn như hiện nay tại các chợ đầu mối, Sở Công thương sẽ báo cáo với UBND TP Hồ Chí Minh để có giải pháp xử lý cụ thể.

Thúy Hà

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/thi-truong/chi-moi-13-thit-heo-vao-cho-dau-moi-co-truy-xuat-nguon-goc-451932/