“Chị lao công đêm đông quét rác”

QĐND Online - Ngày bé cứ mỗi lần cầm chổi quét sân, tôi lại nhẩm đọc bài thơ "Tiếng chổi tre". Tôi nghĩ một ngày, mình cũng sẽ đi quét rác với chị lao công để hiểu công việc thầm lặng, cao quý này... và tôi đã được toại nguyện, mà lại quét rác trên đường Trần Phú - đúng như trong thơ Tố Hữu. Thế nhưng, cuộc sống luôn luôn khác với thơ.

Cầm chổi không dễ Hà Nội tháng cuối năm trời se lạnh. Cơn gió mùa bất chợt về đêm qua mang theo từng hạt mưa phùn làm không khí lạnh hơn. Lúc này phố xá đang say giấc nồng, chỉ còn bóng đèn điện cao áp chiếu lặng lẽ, vàng vọt trong sương và chị lao công quét rác lặng thầm. Như mọi hôm, từ ba giờ đêm chị Hòa, chị Oanh - những nữ công nhân thuộc Công ty môi trường số 1 - phường Điện Biên - Ba Đình (Hà Nội) lại bắt đầu ca làm việc mới trên đường Trần Phú. "Mỗi người nửa đường cứ vậy chia nhau quét, xong sớm nghỉ sớm nhưng đừng quá 6 giờ vì mọi người lúc ấy bắt đầu đổ ra đường đi làm" - chị Hòa mở đầu câu chuyện với tôi như vậy. Động tác nhanh nhẹn và thuần thục, chị đẩy xe rác vào lề đường cầm chổi quét. Chị kể: “Thấm thoát thế mà đã gần 20 năm trong nghề rồi em ạ. Nhanh thật đấy! Chị nhớ những ngày đầu vào nghề, đi làm cứ phải bịt kín mặt vì ngại bạn bè đi học qua nhìn thấy. Làm chưa quen nên người mệt mỏi, chân tay rã rời, mắt lúc nào cũng chỉ chực nhắm lại. Nhưng làm mãi thành quen, yêu nghề và gắn trọn cuộc đời với nó lúc nào chẳng hay”. Nói xong, chị Hòa đưa chổi quét qua vũng nước, nghe soạt một tiếng, mùi nước cống và rác rưởi bốc lên xộc thẳng vào mũi, làm tôi có cảm giác nao nao, ngai ngái như sắp buồn nôn. Thấy thế chị Hòa bảo tôi đứng ra xa, còn chị đã quá quen với mùi khó chịu này. Cứ vậy tôi đi cùng chị Hòa quét dọc một bên đường Trần Phú. Tôi hỏi: "Một tháng lương các chị được bao nhiêu?", chị ngừng nhát quét buồn rầu chép miệng: "Được hơn hai triệu em à. Chỉ đủ tiền đi ăn cưới và nuôi hai cháu ăn học. Được cái các cháu học giỏi, ngoan ngoãn và luôn tự hào về người mẹ có công việc làm sạch sẽ phố phường". Nói xong chị Hòa cười, tay chống chổi thở phào. Chị ngồi bệt xuống gốc cây sấu nghỉ ngơi, nhân đó tôi cầm chiếc chổi đi quét thay chị. Nhìn qua, tôi nghĩ chiếc chổi chắc là nhẹ nhưng không ngờ khi cầm lên quét nó khá nặng và chắc nịch. Tôi đưa từng nhát lóng ngóng quét xuống đường, làm được một đoạn thì chị Hòa nhìn tôi cười: "Quét như em thì có mà đến 11 giờ trưa mới xong". Tôi nhìn chị cười rồi hỏi: "Làm trong nghề bao năm, chị thấy ý thức vệ sinh của người dân thế nào?". Nghe câu hỏi này chị than: "Nhiều người ý thức kém lắm”. Họ biết quy định vứt rác bừa bãi sẽ bị phạt tiền nhưng vẫn tiện đâu vứt đấy, mặc dù có thùng rác để ven đường. Góp ý nhẹ nhàng họ lại nói: "Tôi vứt ra thì các bà mới có việc mà làm chứ! Đặt vị trí là người lao công, em nghe có bực mình không!?". Tôi chỉ biết nhìn chị cảm thông. Nghề mẹ truyền con nối Mưa phùn vẫn giăng khắp phố. Thi thoảng lại nghe rõ những chiếc lá sấu rụng trong đêm. Chị Hòa bảo: "Đường Trần Phú là một trong những con đường đẹp nhất Thủ đô vì có hai hàng sấu già. Bắt đầu từ tháng tới, lá sấu vào mùa rụng, thu gom phải đến 6-7 xe/ ngày". Chị vừa nói xong một cơn gió từ đâu ùa về, tức thì lá sấu rụng tung bay khắp nơi. Chị nói tiếp: "Em có biết tại sao chị lại chọn nghề lao công không?". Giọng chợt chùng xuống, rồi chị Hòa kể cho tôi nghe: “Trước đây mẹ chị cũng đã từng làm lao công trên chính con đường Trần Phú này, nay đã nghỉ vì thi thoảng lúc trái gió trở trời lại bị ho”. Nhớ ngày ấy mỗi chiều đi học về, thấy mẹ đang cặm cụi quét chị lại ra giúp. Thương con mẹ chị khóc, giục chị về nhà nghỉ ngơi nhưng chị nhất định không về. Hai mẹ con cứ vậy thay nhau quét cho đến tối mịt. Đến khi học xong lớp 12 do hoàn cảnh, chị không thi đại học mà quyết định đi làm lao công. Nói đến đây chị Hòa dừng quét, ngước nhìn lên hàng cây sấu: Con đường này gắn thời con gái của chị. Hà Nội khi ấy còn rất nhiều xe đạp, không khí trong lành. Bọn chị từng đôi yêu nhau đẹp lắm, cứ chiều nào rảnh là lang thang đạp xe... Những lời chúc bất ngờ Chị Hòa đã quét xong một bên đường Trần Phú. Chị nhờ tôi đẩy xe rác ra chỗ chị. Hót rác đổ lên xe đâu đấy, tôi theo chị sang quét nốt một bên đường. Chị chia sẻ, có lẽ buồn nhất là những đêm 30 tết đón giao thừa một mình cùng với chiếc chổi và con đường. Lúc ấy hay bị tủi thân lắm, nhìn gia đình họ tay trong tay lại nghĩ về gia đình mình nhưng vì công việc nên đành phải chấp nhận. Bù lại mình được rất nhiều người quan tâm như tết vừa rồi, có đôi bạn trẻ yêu nhau đi đón giao thừa về thấy chị đang cặm cụi quét dừng xe lại rồi nói: "Cô ơi! Năm mới chúng cháu chúc cô và gia đình nhiều sức khỏe, hạnh phúc". Chị chưa kịp cảm ơn hai đứa đã vù xe đi. Ngày 8-3 mới đây cũng vậy có hai bạn thanh niên chắc cũng trạc tuổi em đến chúc mừng và còn tặng chị một bó hoa to. Thật sự đó là những điều hạnh phúc, động viên tinh thần để chị gắn bó và yêu nghề hơn. Làm về đêm nên chị gặp khá nhiều chuyện hài, như gặp người say, có cả người nước ngoài. Một lần chị nhặt được dây chuyền vàng. Lập tức chị thông báo ai bị mất nhớ tìm gặp Hòa làm lao công đường Trần Phú. Mãi đến vài ngày sau có một bà già đến trình bày và xin lại dây chuyền. Khi về bà còn đưa tiền hậu tạ nhưng chị từ chối không nhận. Song có lẽ kỷ niệm nhất vẫn là lần chị và chị Oanh nhặt được chiếc điện thoại di động trông rất cũ kỹ. Mở máy gọi không được, chị mang về lấy sim lắp vào máy mình. Được vài giây thì có cuộc gọi đến, giọng đàn ông, bảo xin lại chiếc máy bằng mọi giá tiền chuộc vì nó là kỷ vật của người vợ đã mất. Khi chị trao lại chiếc máy ông ta xúc động cảm ơn rối rít, rồi lấy tiền ra biếu nhưng chị từ chối nhận. Trời tảng sáng, chị Hòa cũng vừa quét xong. Trước khi ra về, tôi không quên cảm ơn và chúc chị một buổi sáng tốt lành. Chị nhìn tôi cười chẳng nói gì vì đang mệt. Tôi lên xe phóng đi hòa vào dòng người vội vã… Bài, ảnh: Đình Trinh

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/11/11/11/133313/Default.aspx