Chị gái Hoa khôi Nam Em khóc, công khai tình yêu đồng giới với Bảo Thy

Lần đầu tiên chị gái hoa khôi Nam Em Lệ Nam công khai tình yêu của mình và Bảo Thy.

Tối 23/6, trong một bữa tiệc ấm cúng tại nhà hàng sang trọng ở TPHCM, người mẫu Lệ Nam và người tình đồng giới Bảo Thy công khai xuất hiện bên nhau. Đây là lần đầu tiên Lệ Nam công khai tình yêu của mình và Bảo Thy.

Lệ Nam và người tình đồng tính Bảo Thy

Lệ Nam và người tình đồng tính Bảo Thy

Cô hi vọng rằng mọi người đừng quan trọng hóa vấn đề, hãy để mọi thứ được diễn ra bình thường, vì sự bình đẳng giới tính, cũng như những định kiến xã hội xa xưa về người đồng tính đã không còn phù hợp trong thời buổi hiện nay.

Lệ Nam và bạn gái Bảo Thy được xem là cặp đôi đồng tính nữ đầu tiên của showbiz Việt công khai chuyện tình cảm của mình.

Lệ Nam khóc nghẹn, cô cho rằng mình đã có lỗi rất nhiều với mẹ và em gái

Trong suốt thời gian vừa qua, Lệ Nam trở thành tiêu điểm chú ý của giới truyền thông khi được biết là chị gái song sinh của Hoa khôi Nam Em cùng những lùm xùm về chuyện tình cảm với người tình đồng giới Bảo Thy. Nhiều ý kiến cho rằng đây là những chiêu trò nhằm đánh bóng tên tuổi của chị gái Hoa khôi Nam Em. Cách tạo nên scandal này, nhằm dễ dàng giúp Lệ Nam có chỗ đứng trong giới giải trí.

Chị gái của Hoa khôi Nam Em mong muốn mọi người hãy thật sự công bằng với cô. Nếu cô làm sai có thể chỉ trích cô, nhưng em gái Nam Em không có lỗi trong chuyện tình cảm của cô và người tình đồng giới. Nên vì thế, hãy để cho Nam Em được bình yên. Vì Lệ Nam và Nam Em là hai người hoàn toàn khác nhau.

Lệ Nam và Bảo Thy nắm chặt tay thể hiện niềm vui khi được sống với chính cá tính của mình

Cả hai khẳng định, khi đã sẵn sàng công khai, thì cũng sẽ chấp nhận đối mặt với những điều tiếng sẽ đến trong tương lai, theo Dân trí.

Định nghĩa về thế giới thứ 3

LGBT là thuật ngữ dùng để chỉ bốn nhóm người: Đồng tính nữ (Lesbian); Đồng tính nam (Gay); Song tính hay lưỡng tính (Bisexual) và Chuyển giới (Transgender). Giới khoa học cho rằng, LGBT không phải là một căn bệnh, vì vậy không nên tìm cách chữa trị, càng không nên có cái nhìn kỳ thị, xa lánh.

Năm 2012, Bộ Tư pháp cho rằng "xét về đảm bảo quyền tự do cá nhân thì việc kết hôn của những người cùng giới tính cần được công nhận", nhưng cũng nói thêm "Xét về văn hóa tập quán của gia đình Việt Nam, tính nhạy cảm xã hội của vấn đề, hậu quả xã hội của quy định pháp luật chưa được dự báo hết; thì ở thời điểm này việc thừa nhận người cùng giới tính có quyền kết hôn với nhau ở Việt Nam là còn quá sớm".

Năm 2015, Bộ Y tế Việt Nam cho biết đã nhận được gần 600 hồ sơ cá nhân đề xuất sửa đổi giới tính mới sau khi họ đã thực hiện phẫu thuật chuyển giới. Ngày 24 tháng 11 năm 2015, quyền chuyển đổi giới tính chính thức được hợp pháp hóa tại Việt Nam sau khi Bộ luật dân sự sửa đổi 2015 cho phép chuyển đổi giới tính và thay đổi nhân thân, hộ tịch sau chuyển đổi được Quốc hội thông qua.

17/5 hằng năm là ngày Quốc tế chống thành kiến, phân biệt, đối xử với người đồng tính, chuyển giới và lưỡng giới (LGBT). Ngày này được chọn để kỷ niệm sự kiện ngày 17/5/1990, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã “giải mã” thiên hướng tình dục và công bố loại bỏ đồng tính luyến ái ra khỏi danh sách bệnh tâm thần.

Ảnh: Dân trí

Dũng Linh (T/h)

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/chi-gai-hoa-khoi-nam-em-khoc-cong-khai-tinh-yeu-dong-gioi-voi-bao-thy-d124018.html