Chỉ đạo nổi bật: Việt Nam không xuất khẩu mọi loại cát ra nước ngoài

Tăng cường giám sát vay về cho vay lại đối với chính quyền địa phương; Việt Nam không xuất khẩu mọi loại cát ra nước ngoài... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 18-22/9/2017.

Lựa chọn nhà đầu tư dự án đường vành đai II Hà Nội

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý cho phép UBND TP. Hà Nội áp dụng Điều 26 Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt đối với Dự án xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường vành đai II đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở, kết hợp với mở rộng theo quy hoạch phần đi bằng đoạn Vĩnh Tuy đến ngã tư Vọng, TP. Hà Nội theo hình thức Hợp đồng BT.

Trong đó lưu ý đảm bảo công khai minh bạch, không để thất thoát tài sản nhà nước; UBND thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm thực hiện các kiến nghị của Bộ Kế hoạch và đầu tư, trong đó yêu cầu phải kiểm soát chặt chẽ giá trị công trình BT và giá trị quỹ đất đối ứng cho nhà đầu tư trên cơ sở tương ứng với giá trị BT đã lập, phù hợp với giá thị trường, đảm bảo không thất thoát tài sản nhà nước; giám sát chất lượng công trình chặt chẽ theo quy định hiện hành.

Chỉ vay trong phạm vi mức bội chi được phê duyệt

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký chỉ thị 37/CT-TTg yêu cầu tăng cường quản lý, giám sát vay về cho vay lại đối với chính quyền địa phương.

Chỉ thị nêu rõ, về nguyên tắc, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải thực hiện nghiêm quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, quản lý vay, trả nợ vay chính quyền địa phương chặt chẽ, đảm bảo không vượt quá mức dư nợ tối đa của từng tỉnh, thành phố theo quy định của Luật. Đồng thời, việc vay, trả nợ phải đảm bảo tuân thủ kế hoạch vay, trả nợ hàng năm của chính quyền địa phương được Quốc hội phê duyệt.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ vay trong phạm vi mức bội chi được Quốc hội phê duyệt hàng năm; khi đề xuất dự án phải tính toán, đảm bảo khả năng vay, trả nợ, khả năng giải ngân trong dự toán và trong phạm vi mức bội chi được duyệt hàng năm; khi thực hiện kế hoạch vay, trả nợ nước ngoài, các địa phương ưu tiên giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài vay về cho vay lại đã cam kết với nhà tài trợ.

Trường hợp sử dụng khoản vay về cho vay lại làm cho dư nợ thực tế vượt quá mức dư nợ tối đa cho phép hoặc vượt quá dự toán vay trong năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các địa phương phải bố trí giảm kế hoạch vay các khoản khác hoặc thực hiện trả nợ để đảm bảo các giới hạn nợ theo quy định.

Chuẩn bị “chốt” phương án thu hồi đất cho sân bay Long Thành

Thủ tướng đã đồng ý hội đồng thẩm định nhà nước tổ chức thực hiện kế hoạch thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, để đảm bảo kịp thời gian Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14 xem xét, thông qua báo cáo nghiên cứu khả thi sự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cảng hàng không quốc tế Long Thành theo đúng quy định của Quốc hội tại Nghị quyết số 38/2017/QH14 ngày 19/6/2017, Thủ tướng đồng ý hội đồng thẩm định nhà nước tổ chức thực hiện kế hoạch thẩm định báo cáo dự án như đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; chủ tịch hội đồng thẩm định tự quyết định về việc thuê tư vấn thẩm tra và chịu trách nhiệm về chất lượng công tác thẩm định báo cáo dự án theo quy định.

Trên cơ sở kết quả thẩm định, UBND tỉnh Đồng Nai có trách nhiệm nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của hội đồng thẩm định, hoàn thiện hồ sơ báo cáo dự án; đồng thời, chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải chuẩn bị nội dung tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội và báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 này.

Thanh tra toàn diện các dự án trên bán đảo Sơn Trà

Cụ thể, Phó thủ tướng Phó thủ tướng Trương Hoà Bình giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng và các bộ, cơ quan liên quan thanh tra toàn diện việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường, xây dựng đối với các dự án đầu tư xây dựng trên bán đảo Sơn Trà đã được UBND thành phố Đà Nẵng chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp phép trong giai đoạn từ năm 2003 (thời điểm Bộ Chính trị có Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 16/10/2003 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa) đến hết năm 2016 (thời điểm Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng được phê duyệt); báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/3/2018.

Tất cả các công trình điện Nhà nước đầu tư phải về tay EVN quản lý

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành quyết định quy định trình tự, thủ tục điều chuyển công trình điện được đầu tư bằng vốn Nhà nước sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quản lý.

Theo Quyết định 41/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng, các cơ quan, tổ chức, đơn vị có công trình điện được đầu tư bằng vốn Nhà nước phải lập hồ sơ đề nghị điều chuyển, gửi cơ quan quản lý cấp trên để báo cáo bộ, cơ quan Trung ương đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý, UBND cấp tỉnh đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc địa phương quản lý.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có quyết định điều chuyển của Thủ tướng Chính phủ, bên giao chủ trì, phối hợp với bên nhận thực hiện tổ chức bàn giao, tiếp nhận công trình điện kèm theo hồ sơ theo quy định.

Việc điều chuyển công trình điện được thực hiện theo phương thức ghi tăng vốn Nhà nước đầu tư tại EVN theo giá trị công trình điện giao, nhận và không hoàn trả vốn. Cơ quan, tổ chức, đơn vị có công trình điện bàn giao thực hiện ghi giảm tài sản, nguyên giá, giá trị còn lại của tài sản tại cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định của pháp luật.

Điều chỉnh tuyến kết nối cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với QL1

Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo về việc điều chỉnh Dự án thành phần đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với Quốc lộ 1, tỉnh Ninh Bình.

Về việc điều chỉnh quy mô dự án, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu và quyết định việc điều chỉnh Dự án trên đảm bảo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và quy mô tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.

Về nguồn vốn thực hiện dự án, Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải rà soát kỹ số vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của giai đoạn I của dự án, tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép sử dụng; đồng thời sử dụng số vốn còn dư giai đoạn II của dự án để thực hiện trước công tác giải phóng mặt bằng và một số hạng mục cần thiết khác sau khi dự án được điều chỉnh.

Đối với phần vốn còn thiếu (nếu có), sau khi tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cân đối trong tổng mức đầu tư của tuyến đường nêu trên, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Việt Nam không xuất khẩu mọi loại cát ra nước ngoài

Báo chí có đăng bài "Campuchia cấm xuất khẩu cát vĩnh viễn". Theo bài báo trên, lệnh cấm xuất khẩu cát vĩnh viễn của Campuchia là vì các vấn đề môi trường. Trước đó, cũng vì lo ngại về môi trường, Malaysia đã bắt đầu lệnh cấm xuất khẩu cát từ năm 1997.

Về thông tin này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Xây dựng nghiên cứu và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Xét báo cáo của Bộ Xây dựng, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng nghiên cứu việc ngừng xuất khẩu cát vĩnh viễn của Campuchia và ảnh hưởng tới thị trường vật liệu xây dựng Việt Nam và có giải pháp phù hợp để hướng dẫn các địa phương chủ động bảo đảm ổn định thị trường vật liệu xây dựng trên địa bàn. Việt Nam tiếp tục thực hiện chủ trương không xuất khẩu mọi loại cát ra nước ngoài.

Chính phủ yêu cầu giám sát chặt các doanh nghiệp dược phẩm

Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình vừa có ý kiến chỉ đạo về tình hình sản xuất, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.

Xét báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về tình hình sản xuất, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả và vụ án buôn lậu thuốc chữa bệnh, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức xảy ra tại Công ty Cổ phần VN Pharma, Phó thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường quản lý, giám sát các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Bộ Y tế khẩn trương có biện pháp chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng; kiên quyết xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân vi phạm, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chuyển các cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Phấn đấu đến 2020, giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 8-9 tỷ USD

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định 1434/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững giai đoạn 2016 - 2020.

Chương trình nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển bền vững ngành Thủy sản, phấn đấu trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, có cơ cấu và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, hội nhập vững chắc vào nền kinh tế quốc tế gắn với bảo vệ nguồn lợi, môi trường sinh thái, từng bước nâng cao thu nhập và mức sống của ngư dân và góp phần bảo vệ quốc phòng, an ninh trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Phấn đấu đến năm 2020 tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản bình quân hằng năm đạt 6,0%; tổng sản lượng thủy sản đạt từ 6,5 đến 7 triệu tấn; giá trị xuất khẩu thủy sản đạt từ 8 đến 9 tỷ USD.

N.MẠNH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/thoi-su/chi-dao-noi-bat-viet-nam-khong-xuat-khau-moi-loai-cat-ra-nuoc-ngoai-3215628.html