Chỉ đạo nổi bật: Kiểm tra thông tin 'người Việt chi 7-8 tỷ USD du lịch nước ngoài'

Danh mục doanh nghiệp Nhà nước sẽ thoái vốn tới năm 2020;  Kiểm tra thông tin người Việt chi 7-8 tỷ USD du lịch nước ngoài; yêu cầu Bộ Y tế báo cáo trách nhiệm vụ thuốc ung thư giả... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 21-25/8/2017.

Ảnh minh họa.

Kiểm tra thông tin "người Việt chi 7-8 tỷ USD du lịch nước ngoài"

Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, xử lý một số nội dung báo chí nêu liên quan đến lĩnh vực quản lý của Bộ.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, xử lý nội dung báo chí nêu: Theo số liệu của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, năm 2016 khoảng 6,5 triệu lượt người Việt đi du lịch nước ngoài, chi tiêu 7-8 tỷ USD. Sự chuyên nghiệp, chất lượng, giá rẻ là những lý do khiến nhiều người Việt chọn đi du lịch nước ngoài trong khi giá dịch vụ du lịch nội địa cao, gây bất lợi trong cạnh tranh với các điểm đến của nước ngoài.

Kiểm soát chặt nhập khẩu để giảm nhập siêu

Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về các giải pháp bảo đảm thúc đẩy tăng trưởng.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi; tập trung tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, quy định pháp luật để thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; kịp thời xử lý những rào cản, kiến nghị; rà soát, cắt giảm tối đa các khoản chi phí cả chính thức và không chính thức, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

Đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu để giảm nhập siêu; tăng cường xuất khẩu dịch vụ tại chỗ, đặc biệt là dịch vụ du lịch, trong đó lưu ý các mặt hàng và thị trường trọng điểm. Có các biện pháp hiệu quả kiểm soát nhập khẩu, nhất là áp dụng những rào cản kỹ thuật, đúng quy định của pháp luật và phù hợp các cam kết quốc tế.

Thúc đẩy tiêu dùng và thị trường phát triển trong nước; nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước, tạo niềm tin cho người tiêu dùng; phát triển sản xuất và phân phối những hàng hóa trong nước có chất lượng tốt, thay thế hàng nhập khẩu. Tăng cường phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại... (Xem tiếp)

Ban hành danh mục doanh nghiệp Nhà nước sẽ thoái vốn tới năm 2020

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ vừa ký Quyết định số 1232/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục doanh nghiệp (DN) mà Nhà nước sẽ thực hiện thoái vốn và tỉ lệ thoái vốn tối thiểu theo từng năm của DN có vốn Nhà nước giai đoạn 2017-2020.

Mục đích của việc ban hành Danh mục này nhằm đẩy nhanh tiến độ bán vốn Nhà nước tại các DN mà Nhà nước không cần nắm giữ gắn với việc bảo đảm nguồn thu cho phù hợp với Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; thúc đẩy quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) để tập trung vào những khâu, công đoạn then chốt của nền kinh tế.

Tổng số lượt DN mà Nhà nước sẽ thoái vốn là 406 lượt DN, được chia ra theo từng năm để các bộ, địa phương thực hiện thoái vốn. Cụ thể, năm 2017 phải thoái ở 135 DN, năm 2018 thoái ở 181 DN, năm 2019 thoái ở 62 DN và năm 2020 thoái ở 28 DN. Trong danh sách này, có một số DN sẽ thoái vốn vài đợt trong khoảng thời gian này.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế báo cáo trách nhiệm vụ thuốc ung thư giả

Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc Công ty VN Pharma Việt Nam nhập khẩu thuốc điều trị ung thư giả.

Về việc Công ty VN Pharma Việt Nam nhập khẩu thuốc điều trị ung thư giả, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Y tế có văn bản báo cáo về trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/8/2017.

Trước đó, ngày 21/8, Toà án Nhân dân TP. HCM xét xử Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần VN Pharma); Nguyễn Trí Nhật; Ngô Anh Quốc (cùng là nguyên phó giám đốc VN Pharma) về các tội Buôn lậu và Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức.

Liên quan vụ án, Phạm Anh Kiệt (Tổng giám đốc công ty Dược Sapharco), Võ Mạnh Cường (Giám đốc công ty TNHH Thương mại hàng hải quốc tế H&C) và 4 bị cáo khác nguyên là cán bộ Công ty VN Pharma cũng bị cáo buộc cùng tội danh.

 Điều tra tổng thể về khoáng sản vùng Tây Bắc

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1:50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế xã hội".

Theo đó, phạm vi thực hiện bao gồm toàn bộ vùng Tây Bắc với diện tích 109.250 km2, gồm 12 tỉnh (Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang); 11 huyện phía Tây của tỉnh Thanh Hóa (Quan Hóa, Mường Lát, Thường Xuân, Như Thanh, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Quan Sơn, Bá Thước, Như Xuân, Lang Chánh, Thạch Thành) và 10 huyện phía Tây của tỉnh Nghệ An (Quỳ Châu, Nghĩa Đàn, Tương Dương, Tân Kỳ, Thanh Chương, Quỳ Hợp, Kỳ Sơn, Con Cuông, Anh Sơn, Quế Phong) theo Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Nhiệm vụ thực hiện Đề án là điều tra, lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 trên tổng diện tích 13.081 km2 của 8 nhóm tờ (Mường Toỏng, Mường Nhé, Hoàng Su Phì, Đình Lập, Sông Mã, Lang Chánh, Con Cuông 1 và Con Cuông 2).

Bên cạnh đó, phân tích, xử lý các tài liệu địa chất hiện có, điều tra, phân tích, tổng hợp các loại tài liệu nhằm làm rõ hiện trạng, mức độ điều tra, thăm dò, khai thác, tài nguyên, trữ lượng, xác định được quy luật phân bố khoáng sản trong vùng. Đồng thời, điều tra phát hiện mới và đánh giá tiềm năng khoáng sản kim loại...

Tăng vốn điều lệ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lên 3.250 tỷ đồng

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh vốn điều lệ của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn 2017-2019 từ 2.268 tỷ đồng lên 3.250 tỷ đồng.

Nguồn bổ sung vốn điều lệ tăng thêm sẽ bao gồm chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu so với vốn điều lệ đến 31/12/2016 là 452,4 tỷ đồng; Quỹ đầu tư phát triển đến 31/12/2016 là 89,7 tỷ đồng và trích từ lợi nhuận sau thuế từ năm 2017 trở đi (khoảng 193 tỷ đồng); Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại Công ty mẹ - Tổng công ty đến 31/12/2016 là 71,9 tỷ đồng; tăng vốn và tài sản gói EP thuộc Dự án nâng cao an toàn cầu đường sắt tuyến Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh theo Quyết định số 1693/QĐ-BGTVT ngày 14/6/2017 của Bộ Giao thông vận tải là 155,58 tỷ đồng; chênh lệch giá ray chuyên dùng là 19,26 tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và cơ quan liên quan hướng dẫn, giám sát Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quản lý, sử dụng và bảo toàn vốn điều lệ được duyệt trên đây theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

N.MẠNH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-te-dau-tu/chi-dao-noi-bat-kiem-tra-thong-tin-nguoi-viet-chi-7-8-ty-usd-du-lich-nuoc-ngoai-3119613.html