Chỉ đạo nổi bật: Đồng ý tăng thêm quyền cho UBND TP.HCM

Đồng ý tăng thêm quyền cho UBND TP.HCM; ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2017; nghiên cứu đầu tư tuyến đường bộ dài 45km ven biển Thái Bình... là những thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tháng 10/2016.

Thủ tướng đồng ý tăng thêm quyền cho UBND TP.HCM

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý về chủ trương thí điểm tăng cường phân cấp, ủy quyền cho UBND TP.HCM đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, Thủ tướng đã đồng ý phân cấp, ủy quyền cho UBND TP.HCM quy định một số khoản thu, khoản chi, phí và lệ phí phù hợp. Quy định hành vi xâm phạm trật tự, an toàn, văn minh đô thị phát sinh nhưng chưa được quy định là vi phạm hành chính và quy định mức xử phạt, trình tự, thủ tục xử phạt.

Cho phép UBND TP.HCM thành lập một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP. Quyết định số lượng cán bộ, công chức, viên chức và tổ chức thi nâng ngạch, chuyển xếp ngạch, chế độ đãi ngộ, hỗ trợ thu nhập phù hợp.

Cho phép UBND TP.HCM phân cấp cho UBND cấp quận, huyện thực hiện việc kiểm định, thẩm định, phê duyệt phương án tháo dỡ nhà chung cư bị hư hỏng nặng, nguy hiểm.

Chi cho mỗi biên chế các bộ, ngành không quá 55 triệu đồng/năm

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2017.

Quyết định quy định rõ định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước cho các bộ, cơ quan Trung ương, trong đó, mức chi cho quản lý hành chính đối với khối các cơ quan Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan thi hành án dân sự, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ tối đa là 55 triệu đồng/biên chế.

Định mức được áp dụng theo phương pháp lũy thoái đối với Bộ Tư pháp (không bao gồm cơ quan thi hành án dân sự), các bộ, cơ quan Trung ương (trừ các cơ quan nêu trên và các cơ quan, đơn vị, tổ chức đặc thù ở Trung ương), số biên chế do cơ quan có thẩm quyền giao cho từng bộ, cơ quan Trung ương được chia thành các bậc khác nhau với quy mô biên chế của bậc đầu tiên là 100 biên chế trở xuống...

Làm rõ thông tin hành khách Nhật bị ngộ độc thực phẩm

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND TPHCM kiểm tra làm rõ thông tin về vụ việc ngộ độc thực phẩm xảy ra trên chuyến bay của Vietnam Airlines đi Tokyo ngày 28/10/2016.

Theo thông tin phản ánh, có 34 học sinh của Nhật Bản là hành khách trên chuyến bay TPHCM-Narita (Tokyo) sáng 28/10 mang số hiệu VN300 của Vietnam Airlines gặp vấn đề về sức khỏe ngay sau khi máy bay cất cánh.

Theo biên bản được xác nhận trên chuyến bay, đại diện trường học ở Nhật Bản khẳng định, trước khi xảy ra vấn đề sức khỏe, cả đoàn đã ăn tối tại một khách sạn ở TPHCM. Theo Cục Hàng không dân dụng Việt Nam, hành khách có dấu hiệu bị ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn tối tại khách sạn.

Phó thủ tướng "lệnh" giám sát thường xuyên, chống gian lận phí BOT

Cụ thể, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các đơn vị thu phí thực hiện việc công khai số liệu thu phí tại các trạm thu phí trên toàn quốc để cơ quan quản lý, tổ chức, người dân thực hiện giám sát việc thu phí tại các trạm thu phí BOT. Đồng thời khẩn trương triển khai việc thu phí không dừng tại các trạm thu phí trên toàn quốc.

Trước đó, theo thông tin báo chí phản ánh, có hành vi tiêu cực, gian lận vé tại một số trạm thu phí trên Quốc lộ 5 và trạm thu phí Đại Yên trên Quốc lộ 18.

Về việc này, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương kiểm tra, làm rõ nội dung báo chí phản ánh, có hình thức xử lý nghiêm đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm.

Nghiên cứu đầu tư tuyến đường bộ dài 45km ven biển Thái Bình

Cụ thể, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn.

UBND tỉnh Thái Bình hoàn chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án sau khi có ý kiến thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Đầu tư công.

Theo UBND tỉnh Thái Bình, tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình được quy hoạch đi qua địa giới hành chính các huyện Thái Thụy và Tiền Hải. Chiều dài tuyến đường gần 45 km, xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng.

Điểm đầu nối tuyến đường bộ ven biển Hải Phòng tại khu vực đò Gảnh, giáp ranh giữa xã Thụy Tân và Thụy Trường (huyện Thái Thụy). Điểm cuối nối với tuyến đường bộ ven biển tỉnh Nam Định tại xã Nam Phú (huyện Tiền Hải).

N.Mạnh

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/thoi-su/chi-dao-noi-bat-dong-y-tang-them-quyen-cho-ubnd-tphcm-2137455.html