Chi cục Quản lý Thị trường tỉnh Thanh Hóa: Chốt chặn đảm bảo thực phẩm sạch

Những năm qua, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trên địa bàn. Đơn vị được coi là 'chốt chặn' kiểm soát, ngăn ngừa tích cực và có hiệu quả các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này, để đảm bảo thực phẩm sạch đến tay người tiêu dùng.

Thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Thanh Hóa đã chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan, thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm các quy định về ATVSTP.

Ngay từ những tháng đầu năm 2016, bám sát tình hình diễn biến thị trường, Chi cục QLTT Thanh Hóa đã ban hành 8 kế hoạch, 2 phương án và 21 công văn chỉ đạo các phòng chuyên môn, các Đội QLTT trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Đồng thời, phối hợp với Công an tỉnh Thanh Hóa, thành lập 15 tổ kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh rượu ngoại trên địa bàn TP. Thanh Hóa. Sau khi kiểm tra 16 cơ sở, đã xử lý 11 cơ sở vi phạm và phạt hành chính 143,3 triệu đồng, tịch thu 259 chai rượu ngoại nhập lậu, trị giá hàng tịch thu 163,05 triệu đồng.

Kiểm tra và thu gữ bánh kẹo nhập lậu từ Trung Quốc

Kiểm tra và thu gữ bánh kẹo nhập lậu từ Trung Quốc

Bên cạnh đó, Chi cục QLTT cũng chỉ đạo các đội QLTT quản lý địa bàn có diễn ra các hoạt động lễ hội Xuân 2016, phối hợp với cơ quan công an, cơ quan văn hóa, ban quản lý các khu di tích, kiểm tra việc tuân thủ quy định về giá, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, để ngăn chặn xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo ATVSTP, các hành vi không niêm yết giá, bán hàng, thu tiền các dịch vụ cao hơn giá niêm yết, đặc biệt là việc nâng giá, ép giá và hoạt động kinh doanh đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch trái pháp luật trong các lễ hội.

Chuẩn bị cho mùa du lịch hè 2016, Chi cục đã chỉ đạo các Đội QLTT số 2, số 3, số 17 (là những Đội quản lý các địa bàn bãi biển Sầm Sơn, bãi biển Hải Tiến (Hoằng Hóa) và bãi biển Hải Hòa (Tĩnh Gia) kiểm tra theo phương án quản lý hoạt động thương mại, kinh doanh dịch vụ du lịch hè biển đã được Chi cục trưởng phê duyệt. Thường xuyên nắm chắc địa bàn, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo ATVSTP, không niêm yết giá, bán hàng, thu tiền các dịch vụ cao hơn giá niêm yết, nhất là việc nâng giá ép khách tại các khu vực, để bảo vệ quyền lợi khách du lịch và nâng cao uy tín, thương hiệu của ngành du lịch Thanh Hóa. Kết quả của công tác này là kiểm tra 50 vụ, xử lý 48 vụ, phạt hành chính 190,95 triệu đồng, trị giá hàng hóa tịch thu, tiêu hủy 3,2 triệu đồng.

Bên cạnh đó, việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn hành vi vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ thủy, hải sản và các sản phẩm chế biến từ hải sản có nguồn gốc từ các tỉnh ven biển miền Trung có cá chết bất thường. Chi cục QLTT Thanh Hóa đã chỉ đạo các Đội QLTT huy động toàn lực lượng trong những ngày nghỉ lễ, ngoài giờ hành chính tập trung điều tra, nắm bắt thông tin và bố trí lực lượng trên tuyến Quốc lộ, cửa ngõ phía Nam của tỉnh, các cửa biển, cảng cá, bến đậu tàu thuyền. Giám sát chặt chẽ hoạt động xuất, nhập hàng hóa của tất cả các kho đông lạnh trên địa bàn tỉnh, nhằm ngăn chặn hành vi vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ thủy, hải sản và các sản phẩm chế biến từ hải sản không đảm bảo an toàn, có nguồn gốc từ các tỉnh ven biển miền Trung có cá chết bất thường.

Gần đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 vụ việc dẫn đến cá chết trên sông Bưởi (huyện Thạch Thành) và trên cửa sông Lạch Bạng (xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia). Đối với vụ cá chết trên sông Bưởi được xác định là do chất thải từ các Nhà máy sản xuất Mía đường, Nhà máy tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh Hòa Bình gây ô nhiễm dòng nước. Đội QLTT số 22 phối hợp cùng ban quản lý các chợ đầu mối trên địa bàn huyện Thạch Thành tuyên truyền cho cơ sở kinh doanh cá “không mua, bán, tiêu thụ các loại cá chết có nguồn gốc trên địa bàn sông Bưởi”. Phối hợp với các lực lượng chức năng (công an, thú y, nông nghiệp) tuyên truyền, ký cam kết tới các cơ sở nuôi cá trên sông Bưởi, không bán, tiêu thụ cá chết, đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát để phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các đối tượng vận chuyển cá chết đưa ra địa bàn huyện ngoài tiêu thụ. Giám sát chặt chẽ việc tiêu hủy 20,3 tấn cá chết trên sông Bưởi.

Tương tự, đối với trường hợp cá nuôi lồng chết trên cửa sông Lạch Bạng (xã Hải Thanh, Tĩnh Gia), Đội QLTT số 17 đã giám sát tiêu hủy 3,3 tấn cá (3 tấn cá chết được cho là do hoạt động của tàu thuyền ra vào cầu cảng gây ô nhiễm nguồn nước, 0,3 tấn cá nóc là hàng cấm vận chuyển từ tỉnh ngoài vào địa bàn tỉnh) và xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật…

Bên cạnh đó, Chi cục QLTT tỉnh Thanh Hóa cũng thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng, đặc biệt là Phòng Cảnh sát giao thông Thanh Hóa, kiểm tra ngăn chặn các vụ vận chuyển thực phẩm hết hạn sử dụng, thối, ôi thiu,… không rõ nguồn gốc xuất xứ. Qua đó tịch thu, tiêu hủy hàng trăm tấn thực phẩm vi phạm ATVSTP.

Với những công việc cụ thể được giao phó, Chi cục QLTT tỉnh Thanh Hóa đã và đang trở thành một chốt chặn quan trọng, đảm bảo vấn đề ATVSTP trên địa bàn tỉnh , góp phần đảm bảo cho cuộc sống của người dân trở lên an toàn, đặc biệt, giúp các nhà đầu tư, du khách… yên tâm đến với Thanh Hóa. Từ đó góp phần xây dựng hình ảnh Thanh Hóa trở lên đẹp hơn, an toàn hơn trong mắt các nhà đầu tư và du khách.

Sĩ Chức

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/chi-cuc-quan-ly-thi-truong-tinh-thanh-hoa-chot-chan-dam-bao-thuc-pham-sach-d50296.html