'Chỉ còn một cụ bà hát bài hát ấy thôi...'!

Sự hòa nhập của một dân tộc thiểu số nào đó vào với văn hóa của tộc chủ thể có thể dẫn tới nguy cơ hòa tan, phai nhạt, thậm chí dần dà đánh mất bản sắc.

Năm 2009 đến Pleiku dự Liên hoan cồng chiêng, tôi tranh thủ kết hợp đi đây đó tìm tài liệu viết báo. Rong ruổi trên ô tô, nghe chú lái xe kể hơn tuần nữa cưới vợ, tôi hỏi cô ấy người gốc ở Tây Nguyên hay từ đâu tới đây. Chú bảo bạn em người Tày, theo gia đình từ Cao Bằng vào. Thấy có vẻ thú vị, lại có tý hiểu biết sau một thời gian sống trong bản của bà con người Tày tại nhiều nơi ở Lạng Sơn, Cao Bằng,… nên tôi dò hỏi.

Theo chú kể thì tiếng là người Tày nhưng gia đình vợ sắp cưới của chú làm ăn, sinh hoạt như người Việt. Trong nhà không nói tiếng Tày, không sử dụng trang phục truyền thống của người Tày, cũng ít ăn các món chế biến như ẩm thực của người Tày… Tôi hỏi trong nhà có đàn tính, có ai hát lượn hát then không, chú bảo: “Em thấy trong nhà treo cây đàn tính, nhưng chỉ có mẹ vợ em biết sử dụng. Một hai lần dịp tết em thấy bà lấy cây đàn xuống gảy, hát mấy câu tiếng Tày rồi lại treo lên”. Và lời kể của chú lái xe làm tôi liên tưởng tới những câu thơ của nhà thơ Võ Sa Hà: “Chỉ còn một cụ bà hát bài hát ấy thôi - Người chết mang các bài hát đi cả rồi -Thanh niên đâu cần bài hát cũ - Một người hát nên lời ca buồn rũ - Nó không đủ sức chạy ra ngoài cửa - Nó phải tựa lưng vách nứa - Nó ngã vào bếp lửa…”.

Lại chuyện năm nọ lên Hà Giang, tối nghỉ ở một bản của bà con người Lô Lô, được xem biểu diễn văn nghệ. Ngắm các cô gái Lô Lô trong bộ trang phục truyền thống chủ yếu là màu đỏ vừa sặc sỡ vừa óng ánh, uyển chuyển múa hát trên nhà sàn, tôi cùng mấy anh bạn đi cùng đều xuýt xoa. Xem biểu diễn xong, vào thăm mấy gia đình thì tình cờ đó là nhà cô gái vừa múa hát lúc trước. Thấy cô quần bò, áo phông ra rót nước mời khách, tôi hỏi bộ quần áo lúc nãy đâu, cô cười rồi bảo múa hát xong phải cất đi. Anh bạn đi cùng chắc là tìm hiểu từ trước, nên trả lời thay: “Quần áo như thế giờ hiếm lắm, mấy triệu đồng một bộ, không có mà mua. Vì làm từ vải tự dệt, tự khâu tay, tự thêu tay”. Nhìn kỹ hơn, thấy cô không khác gì con gái tôi ở nhà. Và nghĩ không biết đó là điều đáng mừng hay đáng lo? Đến mấy năm vừa rồi, dự Tết Độc lập của người Mông ở Mộc Châu - Sơn La tổ chức dịp Quốc khánh 2.9, nhìn các chàng trai, cô gái người Mông đến dự lễ hội với vẻ chững chạc, tự tin, không nhút nhát, tôi thấy thú vị. Nhưng nhìn các đôi “bốt” cao cổ, những mái tóc nhuộm vàng hoe để dài vắt sang một bên như “tài tử Hàn Quốc”, những chiếc áo “phông” in hình xanh đỏ, những chiếc điện thoại đắt tiền, máy tính xách tay, balô đính con thú nhồi bông nho nhỏ đeo trên lưng của họ,… tôi liên tưởng tới các cô gái, chàng trai người Mông vẻ e dè mà tôi đã gặp hàng chục năm trước ở nhiều lễ hội ở vùng cao. Giữa các thế hệ đã có sự khác nhau, liệu rồi đây có đưa tới sự mai một của bản sắc!?

Từ các liên hệ văn hóa nội tại và tác động, ảnh hưởng của các liên hệ ấy tới tiến trình văn hóa ở một quốc gia - dân tộc, dù không bị cưỡng bức, không bị áp đặt, thì hiện tượng văn hóa của các dân tộc thiểu số, của các nhóm xã hội (từ lớp tuổi đến giới tính, nghề nghiệp,…) hướng về văn hóa của tộc chủ thể - như ở Việt Nam là văn hóa của người Việt, về văn hóa của cộng đồng lớn luôn là xu hướng khó tránh khỏi. Đó không chỉ là giao lưu, còn là tiếp biến để học hỏi, làm phong phú văn hóa của chính mình. Thống nhất trong đa dạng là xu hướng phát triển tất yếu của mọi nền văn hóa được cấu thành từ nhiều bộ phận, nhiều vùng, nhiều nền văn hóa. Một cách tự giác và tự phát, thành viên các dân tộc thiểu số thường khai thác từ tộc chủ thể, từ văn hóa chủ đạo các giá trị phù hợp.

Ở Việt Nam, có thể nhận biết tình thế này qua các biến động về ngôn ngữ, trang phục, sự hòa nhập của một bộ phận dân tộc thiểu số vào lối sống, cuộc sống của người Kinh. Nhưng sự hòa nhập của một dân tộc thiểu số nào đó vào với văn hóa của tộc chủ thể có thể dẫn tới nguy cơ hòa tan, phai nhạt, thậm chí dần dà đánh mất bản sắc. Bởi khó tránh một sự thật là khi thế hệ trẻ của các dân tộc thiểu số có điều kiện được học hành, được đào tạo, phát triển tương tự người của tộc chủ thể, thì có thể xuất hiện khả năng xa rời nguồn gốc. Nhà nước Việt Nam đã dự liệu về khả năng này, nên triển khai nhiều chính sách, biện pháp giúp các dân tộc thiểu số vừa phát triển, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa riêng của mình. Nhưng khi xu hướng nói tiếng Việt, tiếp nhận và sử dụng giá trị văn hóa, trang phục, tổ chức cuộc sống,… tương tự như người ở miền xuôi ngày càng phổ biến thì cũng đặt ra bài toán khó tìm lời giải. Có thể nhận diện điều này trong văn học, nếu các tác giả như Y Phương, Pờ Sào Mìn, Mã A Lềnh,… kế tục xuất sắc sự nghiệp của Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn,… thì ngày nay, đọc tác phẩm của một số cây bút trẻ, ngoài họ và tên, đôi dòng tiểu sử giúp nhận biết xuất thân dân tộc thiểu số lại thấy cách cảm, cách nghĩ, lối diễn đạt, cách thức xây dựng hình ảnh, giọng điệu trong thơ họ có điều gì đó gần với cách cảm, cách nghĩ, cách diễn đạt, cách xây dựng hình ảnh, giọng điệu trong thơ của tác giả người Kinh.

Năm 1980 ở Lạng Sơn, một lần đi công tác, nếu đi bộ theo đường lớn thì khoảng hơn 50 km, may mắn vẫy được ô tô đi nhờ thì cũng phải nửa ngày. Hỏi thăm đường đi, thấy bà con bảo lội dọc suối, rồi theo đường mòn vượt qua dãy núi đá gần bản thì chỉ khoảng 20 km. Nghe có vẻ có lý, tôi sắm sửa hành trang với ba lô, bình tông nước, lương khô, đèn pin, một khẩu K54, ăn trưa xong là lên đường! Một mình lội suối, vượt núi, tôi mải miết đi. Đúng theo chỉ dẫn mà càng đi càng thấy trước mặt chỉ có đá núi với cây rừng. Chiều đến, tôi nghỉ chân làm gói lương khô, uống chút nước rồi đi tiếp. Quãng hơn 9 giờ tối, từ đỉnh núi nhìn xuống thấy có ánh đèn, tôi tìm đường đi xuống, lát sau đến đến một bản ven núi. Bản ngủ yên, vắng lặng, chỉ có mấy chú chó lao ra sủa rầm rĩ. Bỗng nghe loáng thoáng tiếng đàn tính, hát then. Đến gần thì biết một gia đình ở cuối bản có đám tang. Tiếng đàn, tiếng hát bi ai, não nùng. Thú thực lúc ấy tôi cũng sợ, cố đi thật nhanh, quét đèn pin loang loáng. Vậy nhưng đi cả cây số rồi mà tiếng đàn tính, tiếng hát then vẫn như theo gió đuổi theo, âm thanh lúc mờ lúc tỏ. Phải quá nửa đêm tôi mới lần mò đến đơn vị bạn.

Về sau nghĩ đến lần một mình hành quân vượt núi, tôi hiểu tiếng đàn tính, điệu hát then tôi gặp đêm ấy không phải là tiết mục diễn xướng trên sân khấu mà là nghi thức đặc biệt chỉ dành cho người quá cố, tiếng đàn ấy, điệu hát ấy không được trình diễn để mua vui trước cộng đồng. Tương tự như trong cuộc sống của người Việt, chỉ có ở đám tang phường bát âm mới diễn tấu Lâm khốc, Lưu thủy, Nam ai, hoặc ngoài nghi thức tang lễ, chắc chắn không có ai dám cử Hồn tử sĩ trong đám cưới hoặc bất cứ hoạt động xã hội nào khác. Nhìn rộng ra, tôi hiểu trong truyền thống văn hóa của các dân tộc, thường có các nhạc cụ, các bản nhạc ít nhiều mang tính chuyên biệt, gắn liền với quan niệm tâm linh, gắn liền với đời sống tâm linh, và chỉ được sử dụng trong các lễ thức. Vì thế cần phải thận trọng khi khai thác phần nghệ thuật từ các lễ thức này để xây dựng thành tiết mục biểu diễn trên sân khấu. Nếu không, sẽ rơi vào tình huống như PGS. TS. Nguyễn Văn Huy từng viết: “Tách việc nghi lễ ăn trâu ra khỏi bối cảnh tâm linh cộng đồng, tước đoạt tính thiêng nguyên gốc của nó, biến nó thành lễ hội, sân khấu hóa nó chỉ để mua vui, trục lợi, cũng là bất kính, cũng là xúc phạm tới văn hóa bản địa không khác nào dự một đám giỗ chỉ nhao vào ăn cỗ mà không thắp hương”!

Cuộc sống vận động phát triển và trong điều kiện của mình, mỗi thế hệ lại nảy sinh nhu cầu mới và họ lao động sáng tạo để đáp ứng nhu cầu mới ấy một cách tốt nhất. Theo học giả Đoàn Văn Chúc thì con người có bốn nhu cầu không thể thiếu là ăn - mặc - ở - bảo toàn nòi giống, được ông gọi là “bức thiết sơ bản”. Ông lưu ý, bức thiết sơ bản cũng luôn biến đổi theo thời gian, không “nhất thành bất biến”. Và trong quá trình lao động sáng tạo để đáp ứng nhu cầu, con người đã xây dựng hệ thống giá trị cộng đồng cần tuân thủ để duy trì sự thống nhất, ổn định, giải quyết quan hệ giữa con người với cộng đồng, giữa con người với con người, giữa con người với bản thân mình, giữa con người với tự nhiên. Trong đó có một số giá trị xuyên suốt nhưng theo thời gian, lại biến đổi về hình thức. Như hàng chục năm trước, tết Nguyên đán mà con cái không về với cha mẹ, ông bà là dễ bị trách cứ.

Còn ngày nay, cha mẹ, ông bà dù trông ngóng con cháu về ăn tết nhưng nếu vì lý do nào đó con cháu không thể về được các cụ cũng không nỡ nặng lời, mà bằng lòng với điện thoại, tin nhắn và cái phong bì. Nghĩa là lòng hiếu đễ vẫn được thể hiện, nhưng quan niệm, hình thức đã đỡ chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, cùng với sự nảy sinh nhu cầu mới, lại có một số nhu cầu bị mai một, thậm chí biến mất nên giá trị vốn ra đời để đáp ứng nhu cầu đó cũng rơi rụng dần. Thí dụ trước đây, tiền nhân coi “miếng trầu là đầu câu chuyện” thì ngày nay, miếng trầu không còn vai trò quan trọng như thế nữa. Dẫu vậy, vẫn cần có độ ứng xử nghiêm túc, cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi tiếp cận, khai thác các giá trị không còn phù hợp. Vì dù sao trong đó vẫn có giá trị từng tham gia làm nên ý nghĩa cuộc sống, thậm chí là niềm tự hào của thế hệ đi trước. Trong một số trường hợp cụ thể, tùy tiện khai thác các giá trị này để phục vụ một cách thực dụng cho cuộc sống hôm nay là xem thường quá khứ, là thiếu tôn trọng người đi trước.

NH - 9/2016
Nguyễn Hòa

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/chi-con-mot-cu-ba-hat-bai-hat-ay-thoi/123367