Chỉ có 25% người tiêu dùng biết ăn nước mắm

Người tiêu dùng không thích nước mắm truyền thống mà chỉ thích nước mắm có nhiều phụ gia, giữa một thời đại mà phụ gia không lấy gì làm an toàn thực phẩm.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mỗi năm Việt Nam tiêu thụ hơn 200 triệu lít nước mắm với tổng doanh thu trên 7.000 tỷ đồng, tuy nhiên có tới 150 triệu lít là nước mắm công nghiệp.

Nước mắm có phụ gia mới ngon?

Số liệu này cho thấy có lẽ chỉ có 25% người Việt biết ăn nước mắm, còn lại 75% chỉ ăn nước chấm.

Thời đại công nghiệp đã đưa mọi sự đi quá cái ngưỡng an toàn của con người trong ngành thực phẩm.

Giữa lúc mọi người luôn hoang mang lo sợ thực phẩm không vệ sinh, không an toàn, Quốc hội đưa vấn đề này thành chuyên đề giám sát sau kỳ họp vừa rồi, rất nhiều người lại thích loại thực phẩm mà nếu không có chất phụ gia không chịu được.

Cà phê cứ phải là đắng và keo mới chọn lựa, thế là nhà sản xuất thích thì chiều bằng các loại phụ gia công nghiệp đầy mầm nguy cơ.

Gà cứ phải là vàng uôm da mới mua, thế là nhà sản xuất bèn cho gà ăn thức ăn có chất nhuộm màu vàng công nghiệp hứa hẹn một tương lai ung thư cho người ăn.

Nước mắm cứ phải là có hương cá hồi, có màu vàng tươi, có nhiều đạm (mặc dầu loại nước có nhiều muối này không nên là nguồn cung đạm), pha nhiều nước, v.v., những yếu tố do phụ gia mang lại, mới là sự ưng ý.

Mất nước vì chất phụ gia

Nhiều người từng không biết rằng đế quốc La Mã bị sụp đổ cũng vì chất phụ gia trong rượu vang. Họ là dân tộc đầu tiên biết dùng chất tạo ngọt nhân tạo đầu tiên acetat chì để pha rượu vang.

Acetat chì, theo hai tác giả cuốn “Những cái nút áo của Napoleon” Penny Le Couteur và Jay Burreson, còn được biết đến với tên gọi là đường của chì, có thể làm ngọt rượu vang mà không gây ra sự lên men bổ sung.

Trong khi nếu dùng các chất làm ngọt khác như mật ong, rượu vang sẽ tiếp tục lên men.

Ngoài ra người La Mã còn chứa rượu vang và các loại thức uống khác trong các bình chứa bằng chì và cấp nước đến các căn hộ qua những đường ống bằng chì

Một vài sử gia cho rằng nguyên nhân sụp đổ của đế chế La Mã là do nhiễm độc chì, khi mà giới lãnh đạo, kể cả hoàng đế Nero đều có những biểu hiện của các triệu chứng nhiễm độc chì.

Là vì chỉ tầng lớp cầm quyền, giàu có của La Mã mới có các đường ống dẫn nước đến nhà và dùng các bình chì đựng rượu vang...

Người dân Việt, theo báo Tin nhanh Việt Nam, cũng từng tiêu thụ 40.000 thùng nước C2, Rồng Đỏ nhiễm độc chì mà nhà sản xuất chỉ mới bị thu hồi sản phẩm còn lại rất ít trên thị trường.

Nước mắm truyền thống bị hỏng

Xin trở lại với chuyện an toàn thực phẩm và chuyện 25% người Việt biết ăn nước mắm và 75% người Việt thích dùng nước mắm có chứa phụ gia.

Cuốn sử Việt đầu tiên có đề cập đến nước mắm dường như là cuốn Đại Việt sử ký toàn thư, trong đó nhà Tống thường đòi Việt Nam thời Lê Đại Hành năm thứ tư (997) cống nước mắm, chứng tỏ mắm một thời quý hiếm đối với cái xứ chỉ biết ăn xì dầu.

Nước mắm mang tên “truyền thống” có lẽ phải có trước năm 997 rất lâu. Nước mắm dần dần trở nên một thứ gia vị quốc hồn quốc túy, nhưng đến thế kỷ 21 nó đã bị chính người Việt, thay vì giữ được truyền thống như người Tây giữ gìn rượu vang, phá hỏng bằng chất phụ gia.

Trước sự phát triển của các thương hiệu nước mắm công nghiệp ngày càng nhiều, các doanh nghiệp nước mắm truyền thống chỉ còn biết cung cấp mắm xá cho phía nước mắm công nghiệp.

Có doanh nghiệp còn vớt vát sự khác biệt thị trường bằng cách xiển dương “nước mắm chay”, một thứ thực phẩm mà ngay chính tên gọi đã rất mâu thuẫn - đã “mắm” còn “chay”.

Ngữ Yên

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/chi-co-25-nguoi-tieu-dung-biet-an-nuoc-mam-d99108.html