Chỉ bảo hiểm tiền gửi của cá nhân

(PL&XH) - Với dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi lần này, Chính phủ đề xuất không bảo hiểm tiền gửi của hộ gia đình, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh mà chỉ bảo hiểm tiền gửi của cá nhân.

Sáng 2-11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Văn Bình, đã trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi. Dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi là nội dung được các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm. Các đại biểu đều thống nhất đã đến lúc phải ban hành Luật Bảo hiểm tiền gửi để khắc phục những hạn chế, thiếu sót của hoạt động bảo hiểm tiền gửi.

Theo đó, dự thảo Luật bảo hiểm tiền gửi cần quy định rõ hơn về quyền và trách nhiệm của người gửi tiền, xác định rõ tổ chức bảo hiểm tiền gửi là ai, hoạt động theo mô hình nào; các điều kiện để được nhận tiền bảo hiểm khi tổ chức tín dụng mất khả năng thanh toán; cơ chế, mức độ xử lý thông tin của các tổ chức bảo hiểm tiền gửi đối với các tổ chức tín dụng...

Quy định “đối tượng được bảo hiểm tiền gửi” cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Dự thảo luật quy định “người được bảo hiểm tiền gửi là cá nhân có tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi”. Tuy nhiên, nhiều đại biểu đề nghị bổ sung đối tượng được bảo hiểm là hợp tác xã nông nghiệp, tổ chức chính trị, doanh nghiệp có vốn nhàn rỗi đem gửi...

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình, pháp luật hiện hành quy định, chủ thể bảo hiểm tiền gửi bao gồm cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp doanh. Tuy nhiên, với dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi lần này, Chính phủ đề xuất không bảo hiểm tiền gửi của hộ gia đình, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh mà chỉ bảo hiểm tiền gửi của cá nhân. Chính phủ cũng nhìn nhận, tiền gửi của các tổ chức luôn mang tính luân chuyển cao, chủ yếu nhằm mục đích thanh toán chứ không nhằm mục đích gửi tiền tiết kiệm. Điều này cũng không phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Dự thảo thống nhất quy định: chủ thể được bảo hiểm tiền gửi chỉ là cá nhân.

Theo ông Cao Sỹ Khiêm, nguyên Thống đốc NHNN, dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi hướng đến bảo vệ số đông người gửi tiền nhỏ lẻ, trường hợp tổ chức tín dụng gặp rủi ro thì họ vẫn nhận được một khoản tiền tối thiểu. Với quy định tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân, không bảo hiểm đối với tiền gửi bằng ngoại tệ và kim loại quý, ông Khiêm cho rằng nếu vẫn công nhận có tài khoản ngoại tệ và tài khoản vàng mà không đưa vào Luật Bảo hiểm tiền gửi thì người dân khó được đảm bảo quyền lợi. Nếu tới đây NHNN thực hiện cơ chế quản lý ngoại hối và vàng mà vẫn cho người dân gửi vàng và ngoại tệ thì điểm này chưa hợp lý. Còn nếu cấm việc gửi vàng và ngoại tệ thì đương nhiên không cần phải đưa việc bảo hiểm vàng và ngoại tệ vào Luật. Một điểm mới nữa theo ông Khiêm, trước đây số tiền bảo hiểm các ngân hàng thương mại thường để vào tài khoản của ngân hàng thương mại lấy lãi để bảo tồn thì bây giờ phải mua trái phiếu CP và gửi vào NHNN để quản lý.

Về mức phí bảo hiểm tiền gửi và hạn mức bảo hiểm tiền gửi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên cho biết, mức chi trả tiền bảo hiểm tối đa do Chính phủ quy định. Mức chi trả tiền bảo hiểm cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của mỗi khách hàng tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tối đa là 50 triệu đồng (bao gồm cả gốc và lãi). Nếu khoản tiền gửi lớn hơn mức 50 triệu đồng thì sẽ được nhận tiếp phần vượt trên 50 triệu đồng trong quá trình thanh lý tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bị giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật. Các quá trình thanh toán sau đó sẽ do Thủ tướng Chính phủ quy định hạn mức trả tiền bảo hiểm trong từng thời kỳ theo đề nghị của NHNN.

Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận trước đó, ông Kiên cho biết cũng có nhóm ý kiến cho rằng, cần nghiên cứu áp dụng bảo hiểm tiền gửi đối với loại tiền gửi bằng ngoại tệ và các tài sản khác (vàng, kim loại quý…) phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Vì trên thực tế, cho đến nay một lượng lớn tiền gửi bằng ngoại tệ tại hệ thống ngân hàng thương mại không được bảo hiểm tiền gửi.

Đồng tình với quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng, quy định này có phần không hợp lý. Ông dẫn ví dụ người gửi tiền là lao động nước ngoài, gửi bằng ngoại tệ, nhưng lại không được bảo hiểm, mà lẽ ra đối tượng này cũng cần được bảo vệ vì theo ông Hiền, vấn đề chống đôla hóa là việc quản lý của ngân hàng.

Thái Phương

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/20111102035941271p1002c1022/chi-bao-hiem-tien-gui-cua-ca-nhan.htm