Chi 300 triệu USD, Mỹ khai thác mạnh năng lượng từ sóng biển

Theo ước tính, năng lượng sóng biển đủ khả năng cung cấp 1/4 tổng lượng điện tiêu thụ của nước Mỹ.

Chi 300 triệu USD, Mỹ khai thác mạnh năng lượng từ sóng biển

Trạm điện sử dụng sóng biển được đặt ngoài khơi Hawaii, nó sử dụng hệ thống phao nổi để tận dụng sóng biển sinh ra điện. Dòng điện sinh ra được các sợi cáp đặt ngầm dưới biển truyền vào bờ và gia nhập mạng điện chung.

Theo ước tính, năng lượng sóng biển đủ khả năng cung cấp 1/4 tổng lượng điện tiêu thụ của nước Mỹ. Tuy nhiên, những nghiên cứu và ứng dụng năng lượng sóng biển vẫn còn rất mới và tụt hậu so với điện gió và điện mặt trời.

Việc vận hành trạm điện sóng biển tại Hawaii là sự đánh dấu bước đột phá trong lĩnh vực điện tái tạo thân thiện với môi trường. Với vị trí địa lý thuận lợi, sóng biển mạnh mẽ tồn tại quanh năm giúp Hawaii dễ dàng áp dụng công nghệ mới này.

Trạm điện sóng biển đầu tiên tại Hawaii.

Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu để đưa ra các thiết kế tối ưu. Một số tận dụng chuyển động lên xuống của sóng trong khi số khác tận dụng chuyển động ngang.

Sẽ mất khoảng 10 năm nữa để những trạm điện này có thể cạnh tranh về giá cả với phương thức nhiệt điện truyền thống.

Theo Jose Zayas, giám đốc văn phòng công nghệ năng lượng gió và nước của Bộ năng lượng Mỹ, trạm điện sóng biển có thể cung cấp trên 20% nhu cầu điện của đất nước mà không phải can thiệp vào vùng biển cần bảo vệ.

Trạm điện sóng biển tại Na Uy.

Trong khi Mỹ đầu tư khoảng 300 triệu đola cho nghiên cứu năng lượng biển thì châu Âu đã tốn hơn 1 tỷ đola. Giám sát dự án tại Hawaii, ông Alexandra De Visser nhận định rằng Mỹ đã tụt hậu cả thập kỷ so với châu Âu.

Tuy vậy, vẫn còn một số vấn đề xã hội khi một số nhóm tỏ ý lo ngại về vấn đề sinh thái biển, cảnh quan du lịch và an toàn hằng hải khi triển khai các dự án điện ngoài biển.

Theo Phys

theo Trí Thức Trẻ

Nguồn Soha: http://soha.vn/chi-300-trieu-usd-my-khai-thac-manh-nang-luong-tu-song-bien-2016100421084611.htm