Chi 15 tỷ cho 14 nhà vệ sinh công cộng, Hà Nội quyết... “chơi sang”?

(ĐSPL) - "Trong giai đoạn này, chúng ta chỉ nên đầu tư vừa phải. Một cái nhà vệ sinh thì làm thế nào để bảo đảm cho người dân sử dụng được, mặt khác bảo đảm môi trường sạch, đẹp. Tôi cho rằng chỉ cần như thế chứ không nên yêu cầu quá cao".

"Trong giai đoạn này, chúng ta chỉ nên đầu tư vừa phải. Một cái nhà vệ sinh thì làm thế nào để bảo đảm cho người dân sử dụng được, mặt khác bảo đảm môi trường sạch, đẹp. Tôi cho rằng chỉ cần như thế chứ không nên yêu cầu quá cao".

Đó là chia sẻ của GS.TS Nguyễn Lân - Nguyên Tổng thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam trước việc lập dự án xây 14 nhà vệ sinh với kinh phí 15 tỷ đồng của Hà Nội.

Mỗi nhà vệ sinh công cộng sẽ có giá hơn 1 tỷ đồng.

Nhà vệ sinh tiền tỷ

Trao đổi với PV, một lãnh đạo sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội cho biết, sau một thời gian bàn thảo, thành phố lập dự án đầu tư thêm 14 nhà vệ sinh công cộng với kinh phí 15 tỷ đồng. Tuy nhiên đây chỉ là giá dự trù, thực tế kinh phí xây dựng có thể hạ hơn khi đấu thầu vật tư, trang thiết bị.

14 nhà vệ sinh bằng thép này gồm 10 nhà vệ sinh 2 buồng, 4 nhà vệ sinh 4 buồng sẽ được lắp đặt ở các quận Ba Đình, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Long Biên, Hoàng Mai, Đông Anh. Ban quản lý chỉnh trang đô thị Hà Nội cho biết con số cụ thể hơn như sau: Tổng đầu tư của dự án là 14,9 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây dựng 1,1 tỷ đồng, chi phí thiết bị 11,3 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án 235 triệu đồng, tư vấn 485 triệu đồng, chi phí khác 874 triệu đồng và chi phí dự phòng 904 triệu đồng.

Nói như một vị lãnh đạo của Hà Nội rằng: "Hà Nội là Thủ đô của cả nước, không thể có một nhà vệ sinh "úi xùi" được. Ít nhất nó cũng phải được trang bị hiện đại, đảm bảo mỹ quan đô thị".

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Ban quản lý chỉnh trang đô thị Hà Nội, đơn vị thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng cho biết: "Hệ thống cơ sở hạ tầng của Hà Nội còn yếu, trong khi Hà Nội là nơi di tích, thắng cảnh nên lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan rất đông, nhu cầu vệ sinh công cộng ở Hà Nội rất lớn. Ông Cường cũng cho rằng đây mới chỉ là giai đoạn đầu của dự án, còn nhiều giai đoạn và phải tiếp tục trình các sở, ban, ngành liên quan và cuối cùng sẽ báo cáo Ủy ban Nhân dân Thành phố quyết định lần cuối trước khi xây dựng.

Cũng về vấn đề xây dựng nhà vệ sinh công cộng, cách đây 4 tháng, dư luận được phen xôn xao và hoảng hốt vì 24 nhà vệ sinh "dát vàng" thuộc dự án của tỉnh Quảng Ngãi có chất lượng kém, chưa đi vào hoạt động hoặc hoạt động được một thời gian ngắn đã nhanh chóng xuống cấp. Vốn đầu tư xây một nhà vệ sinh cấp 4 như vậy lên đến khoảng 600 triệu đồng.

UBND tỉnh Quảng Ngãi thanh tra các dự án, công trình nước sạch và nhà vệ sinh trường học do sở GD&ĐT làm chủ đầu tư thấy có sai phạm ở 24 công trình với số tiền gần 359 triệu đồng. Chi phí tư vấn lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, thiết kế, dự toán của 24 công trình cũng cao hơn quy định gần 42 triệu đồng.

Nên đầu tư vừa phải

Nói về giá tiền, Ông Nguyễn Mạnh Cường, giám đốc Ban quản lý chỉnh trang đô thị Hà Nội khẳng định rằng số tiền 15 tỷ cho 14 nhà vệ sinh là không lớn. Ông thừa nhận xét về giá trị thực tế, một nhà vệ sinh không thể lên tới tiền tỷ mà rơi vào tầm khoảng 300-350 triệu đồng. Thế nhưng với nhà vệ sinh công cộng thì chi phí này đắt hơn rất nhiều. Vì nó yêu cầu phải có bể phốt, ống thoát nước nước ngầm, điện… để đảm bảo vệ sinh môi trường. Chưa kể đến có điểm dự kiến đặt nhà vệ sinh chưa có sẵn các hạ tầng nói trên mà phải đấu nguồn từ xa.

Trao đổi với PV Người đưa Tin, GS.TS.Nguyễn Lân- Nguyên Tổng thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam cho hay: "Việc xây dựng những công trình hiện đại, sẽ cần đầu tư số tiền lớn, vì nó tùy thuộc vào chất lượng của công trình. Chúng ta cũng không nên vội vàng phê phán giá thành như thế là quá cao hay quá thấp, thay vào đó ta cần xem kỹ người ta làm công trình đó bằng vật liệu gì. Xét trên mức thang hiện đại thì giá cả vật tư rất vô cùng, tùy thuộc vào yêu cầu của người dùng.

Tuy nhiên, tôi cho rằng một công trình luôn luôn phải gắn kết chặt chẽ với điều kiện kinh tế xã hội cụ thể. Trong điều kiện kinh tế xã hội của nước ta mọi người còn đang ra sức tiết kiệm và cố gắng từng bước nâng cao đời sống của người dân thì phải làm từng bước chứ không thể đột xuất nghĩ ra một mục đích xa vời để thực hiện. Vì thế trong giai đoạn này, chúng ta chỉ nên đầu tư vừa phải. Một cái nhà vệ sinh thì làm thế nào để bảo đảm cho người dân sử dụng được, mặt khác bảo đảm môi trường sạch, đẹp. Tôi cho rằng chỉ cần như thế chứ không nên yêu cầu quá cao".

Kiến trúc sư Trịnh Hồng Đoàn, nguyên hiệu trưởng trường ĐH Kiến trúc Hà Nội cho hay, vấn đề lắp đặt các nhà vệ sinh công cộng đã được đưa ra bàn luận từ lâu. Kể cả việc đặt nhà vệ sinh ở chỗ nào quanh hồ Gươm cũng là vấn đề tranh cãi. Ông cho rằng với những nhà vệ sinh ở gần bờ hồ thì đắt cũng đáng, còn ở những chỗ khác thì chưa cần thiết bằng.

Ông Vũ Tuấn Định, nguyên Phó giám đốc sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội cũng cho rằng, việc xây dựng nhà vệ sinh công cộng phải nghiêm túc công tác đấu thầu và luật xây dựng, đầu tư. "Việc xây dựng nhà vệ sinh công cộng ở Hà Nội rất cần thiết. Hà Nội là nơi có nhiều di tích, nhiều phố cổ, phố cũ… lượng khách du lịch ở trong và ngoài nước đến thăm quan nhiều. Nếu không có các nhà vệ sinh công cộng thì rất khó khăn cho các khách du lịch", ông Định nói.

Việc đầu tư, đặt vị trí ra sao, kỹ thuật kiến trúc như thế nào cũng là vấn đề đáng bàn. Theo ông Định, vị trí đặt các nhà vệ sinh là vấn đề cần xem xét kỹ, không thể giải tỏa nhà dân đi để đặt nhà vệ sinh công cộng. Còn những khu đất thừa thì hiện chúng ta có nhiều nhưng đặt làm sao nó phải phù hợp với cảnh quan đô thị…

Cần nghiên cứu kỹ

Kiến trúc sư Trịnh Hồng Đoàn, nguyên hiệu trưởng trường ĐH Kiến trúc Hà Nội cho hay: "Tôi không rõ các thiết bị bên trong hiện đại như thế nào, nhưng nếu một nhà vệ sinh chỉ 2 - 3 buồng nho nhỏ thì có lẽ với mức hơn 1 tỷ đồng là hơi đắt. Tôi đã đi một số nước, thấy nhà vệ sinh công cộng của họ rất hiện đại. Nó có hệ thống tự xả nước, có hương thơm… Nhưng mỗi lần trả phí cũng tới 1 vài Euro, ở nước ta thì không thể thu phí cao đến thế được".

“Chỉ cần 300 triệu nhiều nhà thầu tranh nhau nhận”

Trước thông tin trung bình xây dựng mỗi nhà vệ sinh lên tới hơn 1 tỷ đồng, nhiều người vô cùng sửng sốt. Bởi hiện nay, giá một căn nhà ở xã hội khoảng 40m2 chỉ chừng 310 triệu đồng. Một bạn đọc của báo từng công tác trong lĩnh vực này cho rằng, việc xây dựng nhà vệ sinh công cộng ở Hà Nội là cần thiết, tuy nhiên việc xây dựng phải theo nguyên tắc đấu thầu công khai minh bạch thiết kế cũng như giá tiền cho dân biết. Bạn đọc này cho hay, chỉ cần 300 triệu đồng thì nhiều nhà thầu đã tranh nhau nhận. Vì với nguyên vật liệu sắt xây dựng Hòa Phát, xi măng Bỉm Sơn, thiết bị của Linax, gạch lát nền do Việt Nam sản xuất… thì chỉ 300 triệu đồng là chắc chắn làm được một nhà vệ sinh sạch đẹp, khang trang.

Thành Huế - Thanh Xuân

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/xa-hoi/chi-15-ty-cho-14-nha-ve-sinh-cong-cong-ha-noi-quyet-choi-sang-a8679.html