Chi 1.000 tỷ giảm ô nhiễm rác Đa Phước: Tiền lệ xấu?

“Tại sao TP.HCM lại dùng hơn 1.000 tỷ ngân sách nhà nước để xử lý mùi hôi thối ở bãi rác Đa Phước? Đó là tiền thuế của dân, do dân đóng”.

Quá ưu ái doanh nghiệp

TP.HCM vừa phê duyệt chương trình giảm ô nhiễm môi trường đến năm 2020. Theo đó, khoảng 1.070 tỷ đồng ngân sách sẽ được chi để giải phóng mặt bằng, tái định cư, trồng cây xanh cách ly Khu liên hợp xử lý chất thải và nghĩa trang Đa Phước (huyện Bình Chánh, rộng 268 ha). Trong đó, chi phí trồng cây là 90 tỷ.

Đây là động thái hiện thực hóa cam kết của chính quyền thành phố nhằm giảm mùi hôi từ bãi rác Đa Phước.

Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, TS Nguyễn Bách Phúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TP.HCM HASCON, Viện trưởng Viện Điện – Điện tử – Tin học EEI tỏ ra rất bất ngờ và ngạc nhiên trước thông tin trên.

Theo TS Phúc, Công ty TNHH xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) - chủ đầu tư bãi rác Đa Phước thời gian vừa qua nhận được quá nhiều ưu đãi từ TP.HCM, từ chỉ định thầu, giải phóng mặt bằng, tiền bồi thường và tiền sử dụng đất đều rất ưu đãi, suất chi phí xử lý rác cũng cao hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp khác. Thậm chí, TP.HCM còn ứng trước số tiền 9 triệu USD cho chủ đầu tư vay ngay từ khi triển khai.

Bãi rác Đa Phước (huyện Bình Chánh, TP.HCM) nhìn từ trên cao. Ảnh: TTO

“Ưu đãi như vậy là quá lớn so với các doanh nghiệp khác. Trong khi đó, dư luận thời gian qua ầm mỹ lên chuyện bãi rác Đa Phước là nguyên nhân gây mùi thối ở khắp phía Nam thành phố.

Không chỉ thế, ngay sau đó, VWS đã gửi văn bản đến Thành ủy, HĐND, UBND TP HCM và Sở Tài nguyên - Môi trường muốn tạm ngưng tiếp nhận 2.000 tấn rác (trong 5.400 tấn mỗi ngày) của thành phố. Việc làm này hết sức tùy tiện và tôi khẳng định không được phép như vậy. Giờ đây thành phố lại quyết định bỏ ra hơn 1.000 tỷ đồng để khắc phục sự cố bãi rác Đa Phước.

Tôi cho rằng không thể làm như vậy được. Đây là trách nhiệm của Đa Phước và họ phải điều tra tìm ra nguyên nhân chính thức, khắc phục hậu quả, thậm chí là đền bù thiệt hại cho người dân. Tại sao TP.HCM lại dùng ngân sách nhà nước để xử lý việc này? Đó là tiền thuế do dân đóng, không thể như vậy được”, TS Phúc khẳng định.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng đặt câu hỏi, TP.HCM căn cứ vào đâu để quyết định chi số tiền 1.070 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, tái định cư, trồng cây xanh cách ly Khu liên hợp xử lý chất thải và nghĩa trang Đa Phước.

“Vấn đề không phải là 1.070 tỷ hay bao nhiêu tiền? Vấn đề là nguyên nhân gì gây ra tình trạng mùi thối cho cả khu Nam thành phố. Phải tìm ra nguyên nhân chứ không phải là cách sử dụng tiền ngân sách để khắc phục.

Từ trước đến nay không ai nói gì đến chuyện giải phóng mặt bằng, trồng cây. Từ đầu vẫn bình thường mà giờ lại đưa ra chuyện như vậy. Tôi không hiểu sao lại xảy ra chuyện đó. Việc này hết sức vô lý. Doanh nghiệp sai chúng ta không phạt, mà lại trích tiền thuế của dân để khắc phục”, TS Phúc nhấn mạnh.

Đa Phước phải chịu toàn bộ trách nhiệm

Nhận định về các phương án được thành phố đưa ra, TS Phúc khẳng định cần phải tính toán, nghiên cứu thật kỹ lưỡng nếu không tình trạng mùi hôi thối tại Đa Phước sẽ vẫn tiếp tục diễn ra dù bỏ ra một khoản tiền không hề nhỏ.

“Chúng ta cần phải làm rõ, mùi rác của Đa Phước đến mức độ nào, không gian ra sao, bãi cây đó bao nhiêu rồi tính đến các yếu tố như môi trường, gió, nhiệt độ, không khí, áp suất... Đó là một bài toán hết sức phức tạp để tính xem bao nhiêu hàng cây, bao nhiêu km2 cây thì che được mùi thối. Vấn đề không phải nói thối và có cây vào là hết thối”, TS Phúc nói.

Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu, vị chuyên gia chỉ ra 3 nguyên nhân chính để xảy ra tình trạng ô nhiễm và mùi hôi thối tại Đa Phước.

Đầu tiên, đó là các công trình xử lý rác và thiết bị xử lý rác bị xuống cấp, hư hỏng theo thời gian, không giữ được công năng ban đầu.

Nguyên nhân thứ hai, công nghệ xử lý rác của bãi rác có thể đã lạc hậu, không phù hợp với điều kiện mới phát sinh. Cuôi cùng, quá trình xử lý rác có thể bị vi phạm, thực hiện không nghiêm túc, không chính xác so với thiết kế ban đầu.

“Với ý kiến của 1 chuyên gia, tôi khẳng định, mùi thối của Đa Phước là lỗi của công ty này. Và ở đây phải tìm rõ nguyên nhân và xử lý. Đa Phước phải chịu trách nhiệm chính chứ không đổ lỗi cho nơi khác”, TS Phúc nêu quan điểm.

Từ những vấn đề bức xúc do bãi rác Đa Phước gây ra, Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TP.HCM HASCON cho rằng cần phải tính toán lại cách xử lý rác hiện nay của thành phố.

“Rác thải là một vấn đề rất lớn và là chiến lược của TP. Bất cứ nơi nào trên thế giới cũng quan tâm đến việc này. Muốn trả lời điều này thì phải có cả 1 công trình khoa học, TP phải thuê các đơn vị tư vấn và làm thật sự nghiêm túc xem bây giờ có gì mới, có gì cần phải thay đổi những gì. Khi làm được như vậy, chúng ta sẽ có cách khắc phục được hậu quả”, TS Phúc nhấn mạnh.

Hoàng Nam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/chi-1000-ty-giam-o-nhiem-rac-da-phuoc-tien-le-xau-3323508/