Chết đứng vì cây... nha đam

HTX DVNN An Hạ cùng nhiều hộ dân các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn (TPHCM) đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng cho vùng nguyên liệu nha đam. Tuy nhiên, suốt 5 năm qua dự án xây dựng NM chế biến vẫn “án binh bất động”.

Từ 55 cây nha đam giống (Aloe Vera-Barbandensis) nhập từ Mỹ về VN, bà Trần Như Cường được ông Bảy Luân- GĐ Cty Dược phẩm TƯ 24 (TPHCM) giao đem về ươm tại ấp 7, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh những mong phát triển nhanh ngành chế biến dược phẩm nước nhà. Biết tin nhiều Cty dược và nước giải khát biết tin đã tìm đến HTX đặt hàng mua với số lượng lớn. Để kịp đáp ứng các đơn đặt hàng, bà Cường quyết định vận động thành lập HTX DVNN An Hạ. Đồng thời, thiết lập thêm các “vệ tinh” cùng trồng nha đam và chuẩn bị xây dựng NM chế biến. Đã có quyết định giao đất cho HTX An Hạ, nhưng đến nay vẫn chưa giải phóng được mặt bằng Đầu năm 2005, HTX An Hạ kiến nghị lên UBND TP cho thuê đất lập văn phòng HTX và xây dựng NM chế biến nha đam, đồng thời làm điểm trình diễn vật nuôi, cây trồng. Sau khi khảo sát thực tế thấy cây nha đam cho lợi nhuận cao (từ 10.000đ – 15.000đ/kg) lại tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động nên tháng 7/2005, UBND TP đồng ý cho HTX DVNN An Hạ thuê hơn 3ha đất tại ấp 7, xã Phạm Văn Hai xây dựng điểm trình diễn vật nuôi, cây trồng. Sau khi nhận được quyết định, bà Cường lên kế hoạch xây NM chế biến nha đam dự kiến hoàn thành trong 6 tháng. Đồng thời, bung ra hàng trăm ngàn cây nha đam giống cho các xã viên cùng trồng được gần 20 ha. Nhiều hộ dân ở quận 12, huyện Củ Chi, Hóc Môn và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Đồng Tháp…nghe tiếng cây nha đam liên hệ mua giống về trồng được HTX An Hạ ký hợ đồng bao tiêu sản phẩm. Sau 8 tháng, cây nha đam bắt đầu cho thu hoạch, nhưng lúc này NM vẫn còn…trên giấy khiến hàng loạt diện tích nha đam nguyên liệu bế “tắc” không có đầu ra. Trước tình cảnh này, HTX An Hạ đành chịu hi sinh hàng trăm ngàn nha đam của mình để cứu dân bằng cách vẫn tiến hành thu mua rồi mang hàng ra chợ bán lẻ. Những cây nha đam phải bán đổ, bán tháo nhưng kết quả HTX cũng chỉ giúp dân tiêu thụ được khoảng 10 - 20% diện tích. Gặp chúng tôi, nhiều hộ dân trồng nha đam “vệ tinh” của HTX An Hạ cho biết, hậu quả trồng nha đam đến nay vẫn chưa giải quyết xong, khiến bà con “chết đứng”. Bà Trần Thị Mỹ Lệ (19/4A KP8, phường Tân Chánh Hiệp, Q.12) nhớ lại: “Thời điểm đó, gia đình tui đã phải vay cả chục triệu đồng để có tiền mua 7.500 cây nha đam giống (3.000đ/cây) và thuê công nhân chăm sóc. Vậy nhưng, đến ngày thu hoạch rộ HTX chỉ xuống thu mua cầm chừng rồi cũng ngưng vì lý do…chưa xây dựng được NM chế biến. Gia đình tôi phải mang từng bẹ nha đam ra chợ chào bán với giá rẻ rúm”. “Càng nghĩ tôi càng thấy mình có lỗi với bà con, vận động nông dân đốn bỏ hàng chục công cây trái, hoa màu, vay mượn tiền bạc mua cây giống nha đam về trồng. Vậy mà chỉ bán được 20% số nha đam, còn lại bỏ chết rũ ngoài đồng ruộng, hậu quả “dính” vụ nha đam đến nay vẫn đang là nỗi ám ảnh với bà con” (ông Nguyễn Văn Ba, Chủ nhiệm CLBKN An Phú Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp). "Cơn sốt" nha đam còn làm nhiều hộ dân tận Đồng Tháp cũng “dính” phải. Bà con nông dân Đồng Tháp vẫn duy trì hơn 2.000 cây nha đam giống để hi vọng sẽ có ngày NM ra đời. Tuy nhiên, càng chờ càng mất tiêu. Sau nhiều năm nợ nần chồng chất, dự án xây dựng NM chế biến nha đam đến nay vẫn “án binh bất động”. Các hộ dân trồng nha đam nợ HTX tổng cộng gần 50 triệu đồng tiền mua cây giống, bản thân HTX cũng đang ôm 230 triệu đồng tiền vay từ Quỹ Hỗ trợ xã viên của Liên minh HTX TPHCM. Trao đổi với PV NNVN, bà Trần Như Cường, Chủ nhiệm HTX DVNN An Hạ cho biết, nguyên nhân chậm trễ là do một số hộ dân chiếm dụng xây dựng trái phép. Theo tìm hiểu của PV, diện tích đất mà UBND TP giao cho HTX An Hạ là đất công. Ngày 9/8/2005, Sở TN- MT TPHCM đã xuống lập biên bản đo đạc và xách định ranh giới khu đất thực địa giao cho UBND xã Phạm Văn Hai quản lý. Tuy nhiên, khi UBND TP có QĐ giao đất cho HTX An Hạ thì phát hiện trước đó đã có 14 hộ dân tự ý chiếm dụng đất trồng hoa màu và cất nhà trái phép. UBND xã Phạm Văn Hai đã ra thông báo các hộ dân phải tự thu hoạch hoa màu, cây cối để giao lại mặt bằng cho HTX An Hạ. Khi giao đất cho HTX, UBND TP không yêu cầu HTX phải hỗ trợ, đền bù cho các hộ dân nhưng để thuận cho giải phóng mặt bằng, HTX vẫn chấp nhận hỗ trợ thiệt hại hoa màu từ 400.000 đến 4 triệu đồng/hộ. Vậy nhưng, khi mặt bằng chưa kịp bàn giao thì một vài hộ dân đã nhận tiền hỗ trợ lại tái lấn chiếm và quay lại phá hoại tài sản của HTX. Bà Cường bức xúc: “Quyết định giao đất của UBND TP có thời hạn trong vòng 5 năm, như vậy chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là dự án của HTX sẽ chính thức…phá sản, nếu UBND TP không gia hạn tiếp thời gian thuê đất. Tuy nhiên, đến nay cứ mỗi lần HTX hỏi tiến độ giải quyết thì UBND huyện Bình Chánh chỉ biết bảo phải…chờ”.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-vn/61/158/48/48/48/52703/default.aspx