Chernobyl hơn 30 năm sau thảm họa: Nỗ lực và những hy sinh

Các nhà khoa học đã tìm ra toàn bộ sự thật về những lỗi thiết kế gây nên thảm họa hạt nhân khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại.

Ký vào bản án tử cho chính mình

Cách đây hơn 30 năm, vào lúc 1 giờ 23 phút sáng ngày 26-4-1986, lò phản ứng số 4 của Nhà máy điện nguyên tử Chernobyl ở Pripyat, Ukraine bất ngờ phát nổ. Thảm họa Chernobyl trở thành một trong những sự cố hạt nhân dân sự tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại.

Hậu quả nguy hiểm là trong suốt 10 ngày sau đó, lò phản ứng này phun trào phóng xạ độc hại gây ô nhiễm tới 3/4 châu Âu. Tổng diện tích ô nhiễm phóng xạ tại 12 tỉnh Ukraine do thảm họa này gây ra lên tới 50.000 km². Ô nhiễm phóng xạ cũng ảnh hưởng đến 46.500 km² lãnh thổ Belarus (23% tổng diện tích). Khoảng 200.000 người Nga đã tham gia xử lý hậu quả tai nạn này.

Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl được xây dựng từ thập kỷ 1970 bao gồm 4 lò phản ứng: lò số 1 bắt đầu hoạt động năm 1977, tiếp theo là lò số 2 (1978), sau đó là lò số 3 (1981) và số 4 (1983); ngoài ra còn có hai lò bổ sung đang trong quá trình xây dựng, mỗi lò sản xuất 1.000 megawatt điện.

Vào đêm 25 rạng sáng thứ bảy ngày 26-4-1986, các kỹ sư Liên Xô bắt đầu chạy thử nghiệm một turbin ở lò số 4 ngay trước khi tắt máy để bảo trì. Để thực hiện cuộc thử nghiệm, họ đã phạm sai lầm nghiêm trọng khi vô hiệu hóa hệ thống làm mát lõi khẩn cấp và thiết bị an toàn quan trọng khác. Một chuỗi các thao tác sai lầm sau đó đã xảy ra, dẫn đến sự tích tụ hơi nước khiến cho lò phản ứng quá nóng. Lúc 1 giờ 23 phút sáng, 2-3 vụ nổ phát lửa nhanh chóng thổi bay nắp lò bằng thép và xi măng, một quả cầu lửa khổng lồ bắn phụt vào không trung.

Những người tham gia giải quyết hậu quả thảm họa luôn mang mặt nạ và quần áo phòng nhiễm xạ.

Theo số liệu chính thức thì đã có 31 người thiệt mạng tức thì ngay sau tiếng nổ. Vụ nổ lò phản ứng hạt nhân Chernobyl thải ra lượng phóng xạ cao gấp 100 lần các vụ ném bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản thời Thế chiến thứ II. Các nhà chức trách Liên Xô đã tìm mọi cách che giấu thông tin trong dân chúng và không cho thấy có nỗ lực nào cảnh báo các nước láng giềng.

Trong khi đó, bất chấp hiểm họa phơi nhiễm phóng xạ, khoảng 2.000 nhân viên cứu hộ đã thả cát, chì và boron vào trong lõi lò phản ứng và làm sạch các mảnh vụ cháy để ngăn chặn phát thải nguyên liệu phóng xạ trong vài ngày sau tai nạn xảy ra. Họ cũng chặt và chôn hàng trăm hécta rừng thông, san bằng cả ngôi làng, thậm chí giết vật nuôi bị bỏ lại vì lo ngại chúng sẽ rời khỏi khu vực và gây ra ô nhiễm nhiều hơn.

Đời sống người dân sống ở Pripyat, thành phố dành cho các nhân viên nhà máy cùng gia đình cách lò phản ứng 2 km vẫn diễn ra bình thường sau vụ nổ. Người dân vô tư ra ngoài vào sáng thứ bảy để tận hưởng thời tiết "ấm áp khác thường". Có 16 đám cưới diễn ra vui vẻ trong ngày cuối tuần đó. Còn tại thủ đô Kiev cách đó 110km, người dân vẫn nô nức đón chờ cuộc diễu hành nhân ngày quốc tế lao động mà hoàn toàn không ý thức gì về lượng phóng xạ khổng lồ đang ụp lên đầu họ.

Trong suốt 10 ngày kể từ khi phát nổ, Chernobyl không ngừng phun trào phóng xạ gây ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng tới các vùng lân cận. Điều đáng nói ở đây là phải chờ tới 36 giờ đồng hồ sau khi thảm họa xảy ra, giới chức địa phương mới bắt đầu sơ tán hơn 115.000 người ra khỏi tầm bán kính 30 km quanh "khu vực nguy hiểm".

Vào ngày 28-4, mọi cố gắng bưng bít, che đậy bắt đầu đổ vỡ khi các máy giám sát không khí của Thụy Điển dò ra lượng lớn phóng xạ trong khí quyển dường như xuất phát từ Liên Xô. Cùng lúc đó, một nhà máy năng lượng hạt nhân ở Thụy Điển cách Chernobyl cả nghìn ki lô mét đã thu được mức độ phóng xạ khiến hệ thống chuông cảnh báo của nó réo lên liên hồi.

Kỹ sư hạt nhân Cliff Robinson kể lại rằng, khi đó các chỉ số phóng xạ đo được cao đến nỗi ông cứ nghĩ một cuộc chiến tranh hạt nhân đã nổ ra. Thụy Điển bắt đầu phát đi báo động cấp 1. Hans Blix, Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA lập tức bay tới Chernobyl.

Ông Blix là một trong những quan chức ngoài Liên Xô đầu tiên được phép tiếp cận hiện trường. Ngay khi thông báo về mức độ thảm họa trong buổi phát biểu tại Moscow, nhóm của Blix tập hợp chuyên gia bàn biện pháp khắc phục. Cùng lúc, chính quyền Liên Xô huy động nhân lực tới hiện trường.

Trong 9 ngày, ít nhất 28 người chết vì nhiễm phóng xạ nặng. Nhóm cứu trợ đầu tiên được triển khai là lực lượng cứu hỏa của thị trấn Ivano Frankivsk, cách Chernobyl 600 km. Ngoài nhiệm vụ khống chế đám cháy, lực lượng tiên phong còn ngưng hoạt động của lò phản ứng số 3 và 4; xây cấu trúc bê tông đầu tiên bao phủ tổ máy 4 nhằm khóa chặt hàng trăm tấn phóng xạ còn bên trong.

Không gì có thể khiến người vô tâm nhất phải nghi ngờ nhiều hơn khi những cơn mưa màu đen đổ xuống từ những bầu trời tối sầm. Đây chính xác là điều mà người dân Belarus đã phải chứng kiến sau khi thảm họa này bùng phát, họ đã phải đối mặt với nồng độ phóng xạ cao gấp 20-30 lần thông thường.

Khung cảnh nhà máy điện hạt nhân Chernobyl 2-3 ngày sau khi thảm họa xảy ra.

20 năm sau thảm họa, Đại tướng Alexei Grushin đã lên tiếng sau gần hai thập kỷ im lặng với lời giải thích rằng, cơn mưa màu đen khi đó là do các phi công của Liên Xô tạo ra. Họ bay qua khu vực Chernobyl và Belarus, phóng hợp chất bạc vào những đám mây, khiến trời sầm sập đổ mưa. Họ làm như vậy để bảo vệ thủ đô Moscow và các thành phố vệ tinh như Voronezh và Nizhny Novgorod.

Trong khi các phi công chiến đấu với bầu trời tràn ngập chất phóng xạ, thì có ba thợ lặn tình nguyện ký vào bản án tử hình chính mình khi lặn xuống bể chứa nước bên dưới lò phản ứng hư hại. Để ngăn chặn một vụ nổ hơi nước, lượng nước đó phải bị thoát ra để tránh tiếp xúc với các mảnh vỡ đang cháy âm ỉ.

Bên trên bể chứa nước, ngọn lửa đã cháy trong vài ngày và sự hòa trộn giữa graphit và nhiên liệu đã bắt đầu cháy qua lớp sàn của lò phản ứng. Nếu nó nóng chảy ra đến vị trí những bể chứa nước, một vụ nổ khác sẽ xảy ra và thậm chí sẽ có nhiều vật chất phóng xạ hơn tràn vào bầu khí quyển.

Sau vụ nổ thứ nhất, các ống làm mát bị vỡ sẽ làm ngập nhà máy bằng vật chất phóng xạ và nước. Ba thợ lặn đã mở được cửa cống để tháo nước. Nhưng ngay sau khi trở về, họ đã xuất hiện các triệu chứng bị nhiễm độc phóng xạ. Họ qua đời không lâu sau đó.

Dưới áp lực của các tổ chức quốc tế, giới chức Liên Xô lúc đó mới phải thừa nhận rằng: một vụ tai nạn đã làm hai người ở nhà máy điện hạt nhân Chernobyl thiệt mạng, nhưng "tình hình đã được kiểm soát". Đến tận ngày 6-5, các nhà chức trách phải đóng cửa trường học ở Kiev và cảnh báo người dân không nên ra ngoài. Mái vòm đầu tiên chụp lên tổ máy số 4 mất tới 206 ngày để hoàn thành, với 400.000 mét khối bê tông và 7.300 tấn kim loại làm khung.

"Chúng tôi chia thành ba ca, song mỗi lần chỉ tiếp cận khu vực trong 5-7 phút vì lý do an toàn. Sau khi xong việc, quần áo đều được bỏ đi", trưởng nhóm Yaroslav Melnik kể lại. Khoảng một triệu người cả nam lẫn nữ được huy động để dọn dẹp hiện trường và xây kết cấu bảo vệ Chernobyl. Họ đã dùng trực thăng đổ hàng nghìn tấn cát, đất sét, chì và các chất khác để dập lửa và ngăn rò rỉ hạt nhân. Dưới mặt đất, công nhân đào đường hầm tiếp cận lõi tổ máy số 4 để bơm nitrogen hạ nhiệt bên trong.

Số người thiệt mạng do vụ nổ gây ra vẫn còn là chủ đề gây nhiều tranh cãi. Theo báo cáo năm 2005 của Liên Hiệp Quốc, đã có 47 công nhân trong nhà máy và 9 trẻ em chết do phơi nhiễm phóng xạ, ngoài ra, còn có khoảng 4.000 người (chủ yếu ở các nước Nga, Belarus và Ukraine) đã bỏ mạng do ảnh hưởng bởi phóng xạ từ sau thảm họa. Tuy nhiên, theo báo cáo của Tổ chức Hòa bình Xanh thì số người chết do nhiễm phóng xạ có thể lên tới 93.000 người!

Để ngăn cản chất phóng xạ rò rỉ và bay ra từ lò phản ứng số 4, người ta đã xây dựng mái vòm bằng bê tông khổng lồ bao quanh lò, mà theo cách ví von của các chuyên gia là "chôn vùi lò phản ứng số 4 trong một quan tài bê tông". Toàn bộ câu chuyện về những gì xảy ra ở Chernobyl mãi đến nhiều năm sau mới được tiết lộ, kể cả những hiện tượng thiên nhiên khó lý giải. Bao bọc xung quanh nhà máy hạt nhân từng có một khu rừng thông. Sau thảm họa, những cây thông đó đã hấp thụ một lượng lớn chất phóng xạ, chết khô và khoác lên mình một màu vàng ruộm kỳ dị khiến người dân đặt tên cho nó là Khu rừng đỏ.

Điều kỳ lạ là gần ba thập kỷ sau đó, những cái cây đã chết vẫn đứng nguyên ở đó. Việc tiếp xúc với phóng xạ đã làm tiêu hủy những sinh vật đóng vai trò phân giải các chất trong cây. Tình trạng tích tụ các bụi cây chết này có khả năng trở thành tác nhân cho một cơn cháy rừng khủng khiếp nếu tốc độ phân hủy thực vật không phục hồi lại. Ở khu vực xoay quanh Chernobyl, hàng trăm con hươu, gấu, lợn rừng, hải ly, và chim hoang dã đã sinh sống trên vùng đất chết này và chúng dường như không bị nhiễm độc!

Từ thảm họa Chernobyl, giới truyền thông quốc tế mới được một số nhà khoa học Liên Xô cho phép tiếp cận những tài liệu liên quan đến thảm họa Kyshtym, xảy ra vào năm 1957 tại một trong những thành phố cấm của Liên Xô là Chelyabinsk-40 (trước đây là Ozyorsk). Bởi vì thành phố này không tồn tại chính thức trên bản đồ nên họ đặt tên cho thảm họa này theo tên của thị trấn gần nhất. Chelyabinsk-40 là nơi đặt một nhà máy tái chế nhiên liệu hạt nhân chuyên sản xuất plutonium dùng cho công nghiệp vũ khí quốc phòng nên đương nhiên mức độ nghiêm trọng của vụ tai nạn đã được đưa vào diện bí mật quốc gia.

Sự cố bùng phát vào ngày 29-9-1957 khi hệ thống làm mát cho một trong những bình chứa chất thải phóng xạ bị hỏng mà không ai biết. Sức nóng và áp suất tích tụ đã tạo nên một vụ nổ thổi bay nóc bê tông nặng 160 tấn. Lớp mây phóng xạ phát ra bao phủ một diện tích rộng 20.000km². Khoảng 10.000 người dân địa phương đã được di tản trong vòng… 2 năm sau đó nhưng số người bị ảnh hưởng trực tiếp cao hơn rất nhiều. Có điều đặc biệt là Cơ quan tình báo trung ương Hoa Kỳ (CIA) có biết về vụ tai nạn này nhưng lại giữ im lặng để bảo vệ ngành công nghiệp hạt nhân mới phát triển của mình.

Tháng 4-2006, trong buổi trả lời phỏng vấn của tạp chí Profil của Nga, ông Bryukhanov, cựu Giám đốc nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, đã tiết lộ: Các nhà khoa học đã tìm ra toàn bộ sự thật về những lỗi thiết kế gây nên thảm họa hạt nhân khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại. "Các nước cần hiểu những nguyên nhân thực sự của thảm họa để biết được hướng phát triển những nguồn năng lượng thay thế" - tạp chí Profil dẫn lời Bryukhanov - "nhưng dường như chưa có ai rút ra được bài học từ thảm kịch Chernobyl".

Hầu hết các nhà khoa học hiện nay đều cho rằng nguyên nhân của vụ tai nạn là do những kỹ sư, công nhân trong ca vận hành hôm đó không tuân thủ những quy tắc an toàn và những sai sót kỹ thuật trong thiết kế của lò phản ứng. Bryukhanov thừa nhận: Nhân viên dưới quyền ông đã mắc sai lầm, nhưng khẳng định kết quả các cuộc điều tra chính thức về nguyên nhân của thảm họa đã được thay đổi để "miễn tội" cho ngành công nghiệp hạt nhân của cường quốc Liên Xô.

"Các nhà khoa học, kỹ sư xây dựng, nhân viên điều tra đều ra sức bảo vệ những lợi ích nghề nghiệp của họ và chỉ có thế. Người ta đã nói dối để chúng ta không chú ý đến việc tìm ra nguyên nhân thực sự của thảm họa” -Bryukhanov nói và lưu ý - "Các lò phản ứng có kết cấu tương tự như lò phản ứng bị nổ tại Chernobyl vẫn đang được sử dụng tại nhiều nước Đông Âu, mặc dù thiết kế của chúng được thay đổi sau vụ tai nạn để loại trừ những lỗi thiết kế an toàn mà nhóm điều tra phát hiện ra.

Người Mỹ, Pháp, Anh, Nhật, tất cả đều đang che giấu nguyên nhân thực sự của những vụ tai nạn tại các nhà máy điện hạt nhân trên đất nước họ". Khi thảm họa bùng phát, Bryukhanov đang ở tại nhà riêng gần nhà máy Chernobyl. Ông bị tuyên án 10 năm tù vì đã sơ suất để xảy ra tai nạn, nhưng sau đó chỉ phải ngồi tù 5 năm.

Theo Quốc Hùng/CAND

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/doi-song/chernobyl-hon-30-nam-sau-tham-hoa-no-luc-va-nhung-hy-sinh-162572/