Chèo lái vượt khó khăn

Hôm qua (27/12), Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo, điều hành năm 2012, chương trình trọng tâm năm 2013. Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn chung của nền kinh tế, tuy nhiên, nhờ những quyết sách chỉ đạo điều chỉnh phù hợp và kịp thời, ngành NN-PTNT nước ta đã tiếp tục giữ được những thành công khá ổn định trong năm qua.

Nỗ lực, song còn nhiều mối lo

Đánh giá những khó khăn của ngành nông nghiệp nước ta trong năm 2012, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát chỉ rõ, trước hết đó là những khó khăn chung của nền kinh tế, việc thắt chặt tín dụng đã khiến SX nông nghiệp ảnh hưởng nặng nề. Cùng với đó, diễn biến thị trường nông sản có nhiều bất lợi lớn, khi hàng loạt sản phẩm rớt giá sâu, đặc biệt như cao su, lúa gạo, sản phẩm chăn nuôi... Mặc dù tình hình hạn hán, lũ lụt trong năm 2012 được đánh giá là không nghiêm trọng như nhiều năm, nhưng nhiều cơn bão diễn biến bất thường, gây hậu quả hết sức nghiêm trọng.

Trước những thách thức đó, Bộ NN-PTNT với vai trò là đầu mối điều hành chung của ngành nông nghiệp, đã có nhiều quyết sách khá linh hoạt và kịp thời.

Vẫn còn tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" trong công tác điều hành ngành NN-PTNT trong thời gian qua

Về lĩnh vực trồng trọt, năm 2012 được xem là năm có đột phá lớn khi chủ trương phát triển các mô hình cánh đồng mẫu lớn do Bộ NN-PTNT phát động đã nhanh chóng trở thành một phong trào phát triển sâu rộng trên cả nước. Đặc biệt trong SX lúa, cùng với những chủ trương và giải pháp hợp lí cho việc phát triển lúa vụ 3 ở ĐBSCL, sản lượng lúa trong năm qua của nước ta tiếp tục được nâng lên 43,7 triệu tấn, cao nhất từ trước tới nay và cao hơn 1,3 triệu tấn so với năm 2011, góp phần vào việc lập kỷ lục về lượng gạo XK đạt mốc 8 triệu tấn. Cũng trong năm 2012, Bộ NN-PTNT đã thực hiện nhiều giải pháp phát triển nông nghiệp có định hướng như rà soát đất lúa, xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định 42/2012/NĐ-CP về quản lí sử dụng đất trồng lúa; chỉ đạo quyết liệt trong việc phát triển cây ăn quả, rau an toàn, tái canh cây cà phê, ngăn chặn suy giảm diện tích điều, phát triển nông nghiệp công nghệ cao...

Về lĩnh vực chăn nuôi - thú y, năm qua cũng là năm đánh dấu sự thành công lớn, khi tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đã được khống chế hiệu quả, hiện cả nước không còn dịch bệnh nào nghiêm trọng trên gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, nạn nhập lậu gia cầm qua biên giới đến nay cũng đã được kiểm soát tốt.

Vấn đề vệ sinh ATTP với khối lượng công việc hết sức nặng nề, Bộ NN-PTNT đã lấy năm 2012 là năm quản lí chất lượng vật tư, nông sản. Theo đó, đến nay các cơ quan trực thuộc Bộ NN-PTNT đã thực hiện cơ bản việc kiểm tra, đánh giá các cơ sở SX-KD vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm, thủy sản, tạo tiền đề quan trọng cho việc giám sát thực phẩm theo chuỗi từ ruộng tới bàn ăn mà Chính phủ giao phó...

Bên cạnh những thành công đó, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng đã thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế nhất định, đó là tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong năm qua có xu hướng chậm hơn năm 2011. Một số sản phẩm như muối, đàn gia súc, gia cầm giảm, diện tích trồng rừng còn chưa đạt theo kế hoạch mà Quốc hội giao... Công tác chỉ đạo điều hành của một số đơn vị thuộc Bộ còn chưa thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ, chồng chéo và hiệu quả chưa cao.

Điều này một phần là do hệ thống tổ chức bộ máy và công tác cán bộ còn thiếu hoàn chỉnh. "Một số đơn vị, như Cục Chăn nuôi chẳng hạn hiện tại vẫn chưa có hệ thống chân rết, nên có tình trạng trên hô nhưng dưới không có người ứng" - Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận xét. Vấn đề này, ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cũng cho rằng, việc sáp nhập Cục Chăn nuôi vào Cục Thú y là điều cần thiết, bởi ngành chăn nuôi hiện nay cả nước có tới hơn 11 nghìn xã, nhưng đội ngũ cán bộ phục vụ ngành chăn nuôi cả nước chỉ có hơn 1.000 người thì không thể nào chỉ đạo, điều hành tới được cơ sở. Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định trong năm 2013, công tác chấn chỉnh lại bộ máy và công tác cán bộ của ngành NN-PTNT sẽ là một trong những khâu trọng tâm nhằm tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ NN-PTNT.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cùng các Thứ trưởng chủ trì hội nghị

"Trên nóng, dưới vẫn lạnh"

Phân tích nguyên nhân về những vướng mắc trong công tác điều hành chỉ đạo của Bộ NN-PTNT trong năm qua, lãnh đạo nhiều đơn vị chỉ ra thực trạng, chính sách, chủ trương và chỉ đạo của TƯ thường quyết liệt, tuy nhiên khi triển khai tới cơ sở thì rất chậm, kém hiệu quả do thiếu sự hợp tác của địa phương.

Về giải pháp tăng hiệu quả công tác điều hành trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, cần phải tập trung mạnh vào việc cải cách hành chính, đặc biệt là giảm thiểu hệ thống văn bản, bởi hệ thống văn bản hiện quá nhiều. Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, năm 2012, Bộ NN-PTNT đã ban hành tới 60 thông tư, dự kiến năm 2013 sẽ tiếp tục ban hành thêm 80 thông tư nữa.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu thẳng thắn cho rằng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật do các đơn vị của Bộ NN-PTNT ban hành hiện nay là quá nhiều, nhưng cơ sở đôi khi lại nắm được thông tin rất ít. Điều này phần lớn là do công tác thông tin, tuyên truyền các văn bản tới cơ sở rất yếu kém.

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục BVTV nêu dẫn chứng, việc triển khai kế hoạch ở địa phương hiện nay thường chậm hơn rất nhiều so với kế hoạch chỉ đạo của TƯ. Đơn cử như bệnh dịch chổi rồng gây hại cây trồng, năm vừa qua có 7 tỉnh công bố dịch. Cùng một chính sách chỉ đạo dập dịch của Cục BVTV, có tỉnh kiểm soát dịch rất tốt, có tỉnh lại hết sức chậm chạp, đơn cử như tỉnh Vĩnh Long.

Cùng ý kiến với ông Hồng, ông Nguyễn Xuân Diệu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi đánh giá: Hệ thống quy phạm trong việc quản lí đê điều hiện nay có thể nói rất hoàn chỉnh, thế nhưng tình hình vi phạm ở các địa phương vẫn rất nhức nhối vì việc thực thi pháp luật ở địa phương rất lỏng lẻo. "Ở TƯ chỉ đạo bằng mấy, nhưng địa phương không thực hiện thì vô ích. Nói ngay như việc chặn gia cầm nhập lậu cũng thế, Bộ Nông nghiệp-PTNT vào cuộc quyết liệt thì giảm, nhưng nhãng ra thì y rằng đâu lại vào đó, bởi địa phương không vào cuộc" - ông Diệu nói.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Đăng Khoa nêu thực tế: "Việc tổng kết Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị về sắp xếp, đổi mới nông lâm trường là việc hết sức quan trọng, đã triển khai kỹ tới các địa phương. Tuy nhiên khi chúng tôi về kiểm tra tổng kết, thì địa phương rất hững hờ, có nơi còn chẳng nắm được thông tin gì".

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/72/1/1/105164/cheo-lai-vuot-kho-khan.aspx